HIEN KE
sn bac

Đề cương: “Những nội dung mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng” Tháng 4/2014

Thứ ba - 15/04/2014 16:55 2.085 0
Ngày 23/11/2012 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/2/2013. Nhiều nội dung đã sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 23-11-2012, bổ sung thêm chín điều mới; sửa đổi, bổ sung 15 điều và bãi bỏ một điều (Ðiều 73). Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-2-2013. Ðiểm mới trước hết là về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (khoản 4 Ðiều 55 và Ðiều 73). Thực hiện Kết luận Trung ương 5 khóa XI, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng đã bỏ cụm từ "Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng" tại khoản 4 Ðiều 55 và bãi bỏ Ðiều 73 của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành. Như vậy, tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Ðảng. Về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi khoản 2 Ðiều 12 Luật Phòng, chống tham nhũng về hình thức công khai. Theo đó, trong trường hợp pháp luật khác không có quy định về hình thức công khai, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai bắt buộc gồm: niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và đưa lên trang thông tin điện tử. Như vậy, so với Luật hiện hành, thì hình thức công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị và hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ là các hình thức được lựa chọn thêm ngoài những hình thức công khai bắt buộc. Luật sửa đổi Ðiều 21 về công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng đất thành công khai, minh bạch trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đồng thời bổ sung quy định về công khai, minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước; trong quản lý nhà nước về môi trường. Sửa đổi khoản 2 và bổ sung khoản 3 vào Ðiều 23 về công khai, minh bạch trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ và nguồn lực tài chính cho hoạt động giáo dục, cũng như các khoản đầu tư, hỗ trợ cho giáo dục đối với cơ quan quản lý giáo dục; cam kết chất lượng, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, việc thu, quản lý, sử dụng học phí, lệ phí và các khoản thu, chi tài chính khác đối với cơ sở giáo dục công lập. Bổ sung các Ðiều 26a về công khai, minh bạch trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông; Ðiều 26b về công khai, minh bạch trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ðiều 26c về công khai, minh bạch trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội; Ðiều 26d về công khai, minh bạch trong việc thực hiện chính sách dân tộc. Sửa đổi, bổ sung Ðiều 30 về công khai, minh bạch trong công tác tổ chức - cán bộ. Theo đó, mọi nội dung liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ từ tuyển dụng, đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, hưu trí, chuyển ngạch, nâng ngạch, luân chuyển, điều động, biệt phái đến nâng lương, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc trong cơ quan, tổ chức. Sửa đổi khoản 3 Ðiều 32 về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước liên quan đến việc thông báo cho người dân biết khi chưa cung cấp hoặc nội dung được yêu cầu đã được công khai nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Bổ sung Ðiều 32a quy định về trách nhiệm giải trình. Theo đó, khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm của cơ quan có nghĩa vụ giải trình; trình tự, thủ tục của việc giải trình. Về minh bạch tài sản, thu nhập, Luật bổ sung Ðiều 46a về công khai bản kê khai tài sản. Theo đó, bản kê khai tài sản phải được công khai tại nơi thường xuyên làm việc của người có nghĩa vụ kê khai trong khoảng thời gian quy định của Luật. Bổ sung Ðiều 46b về nghĩa vụ giải trình tài sản tăng thêm. Trong bản kê khai tài sản, người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về nguồn gốc phần tài sản tăng thêm bên cạnh việc làm rõ mọi biến động về tài sản của mình có trong kỳ kê khai. Ðồng thời, Luật đã giao Chính phủ quy định mức giá trị tài sản tăng thêm, việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu giải trình, trách nhiệm của người giải trình và trình tự, thủ tục của việc giải trình. Luật cũng sửa đổi, bổ sung Ðiều 47 về xác minh tài sản nhằm quy định rõ hơn về căn cứ xác minh tài sản trên tinh thần Kết luận Trung ương 5 khóa XI của Ðảng. Bổ sung Ðiều 47a về thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản. Ngoài ra, để phục vụ cho hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực này có quyền yêu cầu xác minh tài sản để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng. Ðồng thời, Luật cũng bổ sung quy định về việc giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xác minh tài sản vào khoản 6 Ðiều 48. Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, Luật bổ sung Ðiều 53a về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức đó có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Ðồng thời khoản 2 Ðiều 53a cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong việc áp dụng các biện pháp tạm thời này khi có yêu cầu của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nếu trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát phát hiện có căn cứ cho rằng người đó có hành vi tham nhũng để xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, nhằm hạn chế việc sử dụng các biện pháp này vào mục đích trái pháp luật, khoản 3 Ðiều 53a quy định về việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác, cũng như thông báo công khai đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, công chức, viên chức khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng; khoản 4 Ðiều 53a đã giao Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này. Ngoài những nội dung nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng cũng đã chỉnh lý một số quy định cho phù hợp với các Luật hiện hành như Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Kiểm toán Nhà nước tại khoản 2 Ðiều 27, khoản 4 Ðiều 55 và Ðiều 77./. (Giới thiệu: Phòng Tư pháp huyện Lộc Ninh)

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 1.2 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay16,592
  • Tháng hiện tại100,090
  • Tổng lượt truy cập14,355,736
Nông thôn mới
Thủ tục hành chính
Văn bản mới ban hành
Người Việt dùng hàng Việt
Tìm hài cốt liệt sĩ
Thông tin người phát ngôn
bank
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây