HIEN KE
sn bac

Đề cương tuyên truyền Ngày pháp luật tháng 6/2016: Giới thiệu Luật Ban hành hành văn bản quy phạm pháp luật

Thứ sáu - 10/06/2016 14:57 6.120 0

Đề cương tuyên truyền Ngày pháp luật tháng 6/2016: Giới thiệu Luật Ban hành hành văn bản quy phạm pháp luật

Ngày 22/6/2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Luật Ban hành VBQPPL năm 2015). Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.
Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật với chủ trương đơn giản hóa hệ thống pháp luật; đổi mới cách xây dựng chương trình và quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL theo hướng dân chủ, hiện đại, đồng thời để bảo đảm cụ thể hóa kịp thời nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đã hợp nhất hai Luật hiện hành về ban hành VBQPPL. Theo đó, Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 (Luật năm 2008) và Luật Ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004 (Luật năm 2004) sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 có hiệu lực. Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 có một số điểm mới so với các Luật năm 2004 và Luật năm 2008 như: (i) Quy định và làm rõ khái niệm quy phạm pháp luật và VBQPPL; (ii) Tinh gọn hệ thống VBQPPL; (iii) Đổi mới cơ bản quy trình xây dựng VBQPPL; (iv) Bảo đảm quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội; (v) Bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, ban hành VBQPPL; (vi) Bổ sung thêm trường hợp xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự thủ tục rút gọn... I. Mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật 1. Mục tiêu Tạo khuôn khổ pháp lý với nhiều đổi mới về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. 2. Quan điểm chỉ đạo Một là, tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 với chủ trương đơn giản hóa hệ thống pháp luật; đổi mới cách xây dựng chương trình và quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp pháp luật theo hướng dân chủ, hiện đại, hiệu quả. Hai là, bảo đảm phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ với các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước đang được sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới. Ba là, kế thừa những nội dung còn phù hợp của Luật năm 2008, Luật năm 2004 và một số quy định của Luật năm 1996. II. Bố cục của Luật Luật năm 2015 gồm 17 chương, 173 điều, về cơ bản, Luật kế thừa bố cục của Luật năm 2008, cụ thể như sau: - Chương I: Những quy định chung gồm 14 điều (từ Điều 1 đến Điều 14) gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh, khái niệm văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; những hành vi bị nghiêm cấm và một số quy định chung khác. - Chương II: Thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản quy phạm pháp luật gồm 16 điều (từ Điều 15 đến Điều 30) quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch và văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp. - Chương III, IV, V, VI, VII, VIII, IX, X và XI gồm 115 điều (từ Điều 31 đến Điều 145) quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch và văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp. - Chương XII: Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn gồm 4 điều (từ Điều 146 đến Điều 149) quy định về các trường hợp áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn; thẩm quyền và quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. - Chương XIII: Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, nguyên tắc áp dụng, công khai văn bản quy phạm pháp luật gồm 8 điều (từ Điều 150 đến Điều 157) gồm các quy định về thời điểm có hiệu lực, đăng Công báo văn bản quy phạm pháp luật, hiệu lực trở về trước, ngưng hiệu lực, những trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, hiệu lực về không gian, nguyên tắc áp dụng và việc đăng tải, đưa tin văn bản quy phạm pháp luật. - Chương XIV: Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh gồm 4 điều (từ Điều 158 đến Điều 161) gồm các quy định về các trường hợp, nguyên tắc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; thẩm quyền đề nghị giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; trình tự, thủ tục giải thích Hiến pháp luật, pháp lệnh; và đẳng tải, đưa tin nghị quyết giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. - Chương XV: Giám sát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật gồm 6 điều (từ Điều 162 đến Điều 167) gồm các quy định về nội dung giám sát văn bản quy phạm pháp luật; xử lý và thẩm quyền xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. - Chương XVI: Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật gồm 3 điều (từ Điều 168 đến Điều 170) gồm các quy định về hợp nhất, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. - Chương XVII: Điều khoản thi hành gồm 3 điều (từ Điều 171 đến Điều 173) quy định thời điểm có hiệu lực của Luật, những quy định chuyển tiếp; việc bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định chi tiết những nội dung được giao trong Luật. III. Những điểm mới cơ bản của Luật 1. Thống nhất hai Luật hiện hành về ban hành văn bản quy phạm pháp luật thành một Luật Trước đây, việc ban hành văn bản pháp luật được quy định tại hai Luật là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004. Tuy cùng điều chỉnh về hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng nội dung của hai Luật này lại có những quy định không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn nhau. Để khắc phục tình hình này, trên cơ sở kế thừa và phát triển 02 Luật hiện hành, Luật năm 2015 đã quy định thống nhất việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở trung ương và địa phương. 2. Về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật và quy phạm pháp luật Khái niệm “văn bản quy phạm pháp luật” đã được quy định lần đầu tiên trong Luật năm 1996; được kế thừa trong Luật năm 2008 và Luật năm 2004. Khái niệm này là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền phân biệt văn bản quy phạm pháp luật với văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật, góp phần hạn chế đáng kể số lượng văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, do cách định nghĩa trong Luật còn nặng về học thuật, lại chưa cụ thể nên đã gây khó khăn, lúng túng trong việc xác định văn bản nào là văn bản quy phạm pháp luật. Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của khái niệm văn bản quy phạm pháp luật và để khắc phục hạn chế từ thực tiễn triển khai, Luật năm 2015 đã tách khái niệm “Văn bản quy phạm pháp luật” và khái niệm “Quy phạm pháp luật”, cụ thể như sau: - Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện (khoản 1 Điều 3). - Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này. - Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật (Điều 2). 3. Về thẩm quyền, hình thức văn bản quy phạm pháp luật Với chủ trương tiếp tục tinh gọn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Luật năm 2015 giảm một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ hơn về nội dung ban hành các hình thức văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như sau: 3.1. Về hình thức văn bản quy phạm pháp luật So với Luật năm 2008 và Luật năm 2004, Luật năm 2015 giảm được 05 loại văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: (1) Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội (trừ nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); (2) Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; (3) Chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (4) Chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp huyện; (5) Chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp xã. Tuy nhiên, để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật năm 2015 bổ sung hình thức văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Theo quy định tại Điều 3 Luật năm 2015, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: “1. Hiến pháp. 2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội; 3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; 5. Nghị định của Chính phủ; Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 7. Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; 8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước; 9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); 10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; 11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; 12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện); 13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện; 14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); 15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã”. 3.2. Về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản quy phạm pháp luật Trên cơ sở quy định của Hiến pháp 2013 và các luật về tổ chức bộ máy (Luật Tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...), Luật năm 2015 đã xác định lại nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: - Đối với luật, nghị quyết của Quốc hội: Luật năm 2015 quy định rõ ràng, cụ thể những nội dung Quốc hội phải ban hành luật và những nội dung Quốc hội ban hành nghị quyết (Điều 15). Theo đó, Quốc hội ban hành luật để quy định về tổ chức, bộ máy nhà nước, chính sách cơ bản tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước, chính sách cơ bản về văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, chính sách đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia….; ban hành nghị quyết để quy định việc thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành; tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần luật, nghị quyết của Quốc hội đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia. - Đối với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Điều 16): so với Luật năm 2008, Luật năm 2015 không quy định “cứng” việc pháp lệnh sau một thời gian thực hiện phải trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành luật; đồng thời, bổ sung một số nội dung Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết, gồm: (1) Tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội; (2) Bãi bỏ pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. - Đối với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước (Điều 17): so với Luật năm 2008, thẩm quyền ban hành lệnh, quyết định của Chủ tịch nước được quy định rõ ràng hơn, gồm: Tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp được và những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. - Đối với nghị định của Chính phủ (Điều 19): Luật năm 2015 bổ sung một số nội dung Chính phủ ban hành nghị định để quy định: (1) Các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; (2) Những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên. - Đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Để khắc phục quy định dàn trải, thiếu rõ ràng trong thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong Luật năm 2004, Luật năm 2015 đã phân định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp tỉnh, bao gồm: (1) Quy định chi tiết những vấn đề được giao; (2) Tổ chức, bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; (3) Quyết định những vấn đề cụ thể tại địa phương. Nội dung nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định cụ thể tại Điều 27 và Điều 28. Ngoài ra, Luật năm 2015 cũng giới hạn nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số chủ thể sau đây: - Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành nghị quyết liên tịch để quy định chi tiết những vấn đề được luật giao (Điều 18); - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thông tư liên tịch để quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng (Điều 25); - Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao (Điều 30). Việc ban hành Luật Ban hành VBQPPL trên cơ sở hợp nhất Luật năm 2008 và Luật năm 2004 với những điểm mới trên đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động xây dựng, ban hành VBQPPL ở trung ương và địa phương, góp phần giúp nhà nước xây dựng được một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi./. Phòng Tư pháp huyện Lộc Ninh sưu tầm và giới thiệu từ Trang thông tin điện tử http://www.sbv.gov.vn/ http://www.sbv.gov.vn và https://skhcn.quangbinh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 1.2 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập59
  • Hôm nay2,021
  • Tháng hiện tại235,298
  • Tổng lượt truy cập14,490,944
Nông thôn mới
Thủ tục hành chính
Văn bản mới ban hành
Người Việt dùng hàng Việt
Tìm hài cốt liệt sĩ
Thông tin người phát ngôn
bank
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây