Giới thiệu về đơn vị:
1/ Lịch sử hình thành:
Căn cứ Nghị định sồ 38/NĐ-CP ngày 04/6/1993 của Chính phủ và Thông báo số 60/TB-UBND ngày 28/6/1993 của UBND tỉnh Sông Bé V/v cho phép thành lập Phòng Tư pháp cấp huyện. Phòng Tư Pháp huyện Lộc Ninh được thành lập ngày 8/7/1993 theo Quyết định số 95/QĐ-UBND của UBND huyện Lộc Ninh.
2/ Vị trí và chức năng:
- Phòng Tư pháp huyện Lộc Ninh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Phòng chịu sự chỉ đạo, quản lý vể tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp huyện; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Tư pháp.
Phòng Tư pháp có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được dự toán kinh phí để hoạt động và được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Phòng có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; chứng thực; hộ tịch; trợ giúp pháp lý; hòa giải ở cơ sở và các công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật. (sau ngày 01/7/2009 không còn quản lý công tác thi hành án dân sự)
3/ Nhiệm vụ và quyền hạn:
Phối hợp xây dựng quyết định, chỉ thị và thẩm định các văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của UBND huyện do các cơ quan chuyên môn khác thuộc UBND huyện chủ trì xây dựng; góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân Huyện theo quy định của pháp luật.
Xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND huyện ban hành; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đối với UBND xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật gắn với công tác hòa giải đặc biệt là hòa giải ở cơ sở, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo sự chỉ đạo của UBND huyện và hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên; thẩm định dự thảo hương ước, quy ước của thôn, ấp, tổ dân phố trước khi chủ tịch UBND huyện phê duyệt; thực hiện và quản lý công tác chứng thực, hộ tịch thuộc thẩm quyền; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ và theo dõi thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc UBND cấp xã; thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của UBND huyện và Sở Tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND, chủ tịch UBND cấp huyện giao.
Từ khi thành lập tới nay Phòng Tư pháp đã thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ được giao, đồng thời phối hợp với các cơ quan tham mưu giúp UBND huyện xây dựng ban hành văn bản QPPL, tham mưu cho UBND huyện giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền, thường xuyên kiểm tra hoạt động chuyên môn của các Ban Tư pháp xã, thị trấn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh trợ giúp miễn phí cho người dân thuộc diện ưu tiên, chính sách; chủ động thực hiện tốt công tác xây dựng ngành và công tác cải cách thủ tục hành chính đặc biệt áp dụng quy trình ISO: 9001-2008 vào công tác chuyên môn góp phần nâng cao hiệu quả công việc.
4/ Phương hướng hoạt động trong thời gian tới:
Quán triệt và nâng cao tinh thần trách nhiệm ý thức phục vụ nhân dân đối với đội ngũ công chức Tư pháp từ xã đến huyện, từng bước đáp ứng theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp-hộ tịch các xã, thị trấn đảm bảo cả về số lượng, chuẩn về trình độ, mạnh về năng lực chuyên môn, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật bằng các hình thức thích hợp và phong phú nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường pháp chế trong xã hội.
Tiếp tục tham mưu, kiểm tra xử lý văn bản thuộc thẩm quyền của UBND huyện.
Theo dõi tình hình pháp luật tại địa phương định kỳ báo cáo UBND huyện và Sở tư pháp theo quy định./.