HIEN KE
sn bac

Giới thiệu nội dung tuyên truyền 25 năm “Ngày Biên phòng toàn dân” (3/3/1989- 3/3/2014), 55 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959- 3/3/20

Thứ ba - 25/02/2014 10:12 5.440 0

Giới thiệu nội dung tuyên truyền  25 năm “Ngày Biên phòng toàn dân” (3/3/1989- 3/3/2014),   55 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959- 3/3/20

Hướng tới kỷ niệm 25 năm Ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989- 03/3/2014) và 55 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959- 03/3/2014);
Nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân trong huyện hiểu thêm ý nghĩa của Ngày Biên phòng toàn dân, hình dung được chặng đường 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội biên phòng - những trang sử vẻ vang, sáng ngời phẩm chất cách mạng, cao đẹp về ý chí kiên cường bất khuất, chịu đựng khó khăn gian khổ, vượt qua mọi thử thách hy sinh, sẵn sàng xả thân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc của lực lượng bộ đội biên phòng, Ban Biên tập Trang thông tin điện tử huyện Lộc Ninh phối hợp Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Phước xin giới thiệu một số nội dung tuyên truyền cũng như phản ánh các hoạt động nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm Ngày Biên phòng toàn dân trên địa bàn huyện. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Nội dung tuyên truyền: 25 năm “Ngày Biên phòng toàn dân” (3/3/1989- 3/3/2014), 55 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959- 3/3/2014). Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, hòa bình được lập lại trên Miền Bắc, đất nước ta tạm thời chia cắt 2 miền. Trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, để bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời, bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và thành quả cách mạng, ngày 19/11/1958 Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng” và ngày 03/3/1959 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/NĐ-TTg “Về việc thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang” thống nhất các đơn vị quốc phòng làm nhiệm vụ bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị công an biên phòng, cảnh sát vũ trang thành một lực lượng chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang gồm 03 cấp: cấp trung ương có Ban Chỉ huy trung ương CANDVT (tháng 7/1961 đổi tên thành Bộ Tư lệnh CANDVT), cấp tỉnh (thành phố) có Ban Chỉ huy CANDVT, cấp cơ sở có các Đồn CANDVT và đơn vị cơ động. Từ đó ngày 03/3 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Tại Lễ thành lập CANDVT ngày 28/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự, huấn thị và tặng CBCS toàn lực lượng bài thơ: “Đoàn kết, cảnh giác, liêm chính, kiệm cần, hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục khó khăn dũng cảm trước địch vì nước quên thân, trung thành với Đảng, tận tuỵ với dân”. Ngay từ khi thành lập và suốt quá trình xây dựng chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ BĐBP rất vinh dự, tự hào, thường xuyên được đón nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Ngày 02/3/1962, tại Đại hội chiến sĩ thi đua CANDVT toàn quốc lần thứ nhất, Bác Hồ đã đến dự, biểu dương thành tích và tặng bài thơ: “Non xanh nước biếc trùng trùng Giữ gìn tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao Núi cao sự nghiệp càng cao Biển sâu chí khí ta so vào càng sâu Thi đua ta quyết giật cờ đầu” Hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của CANDVT trước đây, BĐBP ngày nay liên tục có sự phát triển về biên chế, tổ chức và nhiệm vụ, gắn liền với quá trình vận động, phát triển của tình hình, nhiệm vụ cách mạng của cả nước, được cụ thể hóa bằng các nghị quyết của Đảng và các quyết định của Chính phủ. Trong đó có 04 nghị quyết đánh dấu sự ra đời và thay đổi tổ chức của BĐBP: - Nghị quyết số 58/NQ-TW ngày 19/11/1958 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) về việc “Thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng” đánh dấu sự ra đời lực lượng CANDVT (nay là BĐBP). - Nghị quyết số 22 -NQ/TW ngày 10/10/1979 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) về việc “Chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng CANDVT sang Bộ quốc phòng”. - Nghị quyết số 07 -NQ/TW Ngày 30/11/1987 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) về việc “Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn TTATXH trong tình hình mới”. Nội dung nghị quyết chỉ rõ “chuyển giao BĐBP cho Bộ Nội vụ (tức Bộ Công an ngày nay) trực tiếp phụ trách”. - Nghị quyết số 11 -NQ/TW Ngày 08/8/1995 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về việc “Xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới” đã quyết định chuyển BĐBP từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng phụ trách. Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của BĐBP: - Thời kỳ 1959-1965: xây dựng phòng tuyến nhân dân, tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời và các mục tiêu trọng yếu ở nội địa. - Thời kỳ 1965-1975: vừa bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời, các mục tiêu trọng yếu ở nội địa, vừa tham gia đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc và chi viện cho an ninh vũ trang miền Nam. - Thời kỳ 1975-1986: Quản lý bảo vệ biên giới trên phạm vi toàn quốc, đấu tranh chống kế hoạch hậu chiến của địch, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia. - Thời kỳ 1986-đến nay: Đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác biên phòng, xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Ngay từ khi mới triển khai, lực lượng BĐBP đã dựa vào quần chúng nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị, hình thành phòng tuyến nhân dân vững chắc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa phải trực tiếp đối phó với hoạt động chống phá cách mạng của đế quốc Mỹ, bè lũ tay sai và các phần tử thù địch, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, mưu trí, sáng tạo, cùng lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương tích cực chiến đấu, tấn công đập tan âm mưu và hành động phá hoại của kẻ thù, kịp thời bắt gọn các toán gián điệp, biệt kích, chống nổi phỉ, xưng vua, gây bạo loạn vũ trang ở khu vực biên giới. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ BĐBP kiên trì bám đất, bám dân, tuyên truyền đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, chăm lo xây dựng cơ sở chính trị, giúp đỡ đồng bào ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng phòng tuyến nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới và bờ biển. Những năm tháng được giao trọng trách bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ cơ quan của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương, dù trong hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng với tình cảm sắt son, tâm huyết “Chỉ biết sống chết với Đảng, chỉ biết còn Đảng là còn mình”, không quản gian lao, vất vả hy sinh, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, địa phương và các mục tiêu quan trọng khác. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các lực lượng vũ trang dũng cảm, ngoan cường dùng súng bộ binh trực tiếp bắn rơi 219 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, tháo gỡ nhiều bom, mìn, thuỷ lôi mở luồng ra biển, bảo vệ tàu thuyền của ngư dân bám biển sản xuất; chi viện 5.000 cán bộ, chiến sĩ cho an ninh vũ trang miền Nam. Nhiều tấm gương dũng cảm, ngoan cường, hy sinh cao đẹp trong chiến đấu bảo vệ nhân dân, cứu tài sản, bảo vệ khách quốc tế đã làm sáng ngời phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ biên phòng. Ở miền Nam, lực lượng an ninh vũ trang đã chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt, lập được nhiều chiến công hiển hách, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục; luồn sâu trong lòng địch, diệt ác, trừ gian hỗ trợ cho quần chúng nhân dân nổi dậy, phá thế kìm kẹp của Mỹ, Nguỵ và mở rộng vùng giải phóng. Trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, lực lượng an ninh vũ trang Miền Nam đã nắm vững thời cơ, thọc sâu đánh hiểm, vừa hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa cùng với bộ đội chủ lực đập tan các tuyến phòng thủ của địch, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đồng thời nhanh chóng triển khai lực lượng tiếp quản và bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng yếu, góp phần thiết lập an ninh trật tự ổn định vùng mới giải phóng. Do lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 73 đơn vị và 33 cá nhân đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Sau năm 1975, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc phát triển trong điều kiện mới. Lần đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, lực lượng BĐBP đã tổ chức triển khai đồn, trạm bảo vệ một dải biên giới, bờ biển dài gần 8.000km, hình thành hệ thống bảo vệ tuyến biên giới thống nhất trên lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Vừa tổ chức triển khai lực lượng bảo vệ biên giới trên phạm vi cả nước, BĐBP lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP lại một lần nữa thể hiện bản lĩnh vững vàng, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần độc lập dân tộc, ý chí kiên cường, dũng cảm, phối hợp với các lực lượng, lập được nhiều chiến công xuất sắc, được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” cho toàn lực lượng và 25 tập thể, 21 cá nhân. Đất nước chuyển sang thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia đòi hỏi phải có sự đổi mới đồng bộ, toàn diện cả về chủ trương, đối sách, biện pháp nghiệp vụ và bố trí lực lượng. Nắm chắc quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Bộ đội Biên phòng đã chủ động, nhạy bén tham mưu cho Đảng, Nhà nước các chủ trương, đối sách, văn bản pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới; đổi mới mạnh mẽ các biện pháp công tác biên phòng, phát hiện, xử lý đúng đắn, kịp thời các hành động vi phạm biên giới, vùng biển; vừa kiên quyết giữ vững chủ quyền lãnh thổ, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng; vừa tăng cường quản lý nhà nước về biên giới quốc gia, duy trì chặt chẽ pháp luật về biên giới, tạo môi trường thông thoáng, phục vụ tốt chủ trương mở cửa, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế. Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh, ngày 22/2/1989 Hội đồng Bộ trưởng(nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 16/HĐBT lấy ngày 03/3 hàng năm để tổ chức “Ngày Biên phòng” trong cả nước. Ngày 17/6/2003, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó quy định lấy ngày 03/3 hàng năm là “Ngày Biên phòng toàn dân”. Đây là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước ta, vừa thể chế hoá cuộc vận động “Toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia”, vừa là bước chuyển biến mới về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức bảo vệ biên giới quốc gia trong thời kỳ mới; đồng thời khẳng định rõ vai trò nòng cốt, chuyên trách của BĐBP trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, mở ra giai đoạn mới, tạo động lực mạnh mẽ của toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị cho công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong tình hình mới. * 05 nội dung của Quyết định 16/QĐ-HĐBT: - Nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của nhân dân các dân tộc; của cán bộ, nhân viên các cơ quan, đoàn thể ở biên giới làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. - Tăng cường đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu và giúp đỡ lẫn nhau giữa BĐBP với nhân dân, giữa lực lượng Bộ đội Biên phòng với các lực lượng khác. - Không ngừng củng cố và phát triển tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới chống mọi hành vi xâm phạm biên giới Tổ quốc Việt nam XHCN. - Đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ trung tâm và đột xuất của các địa phương. - Khen thưởng bằng các hình thức thích hợp cho các tập thể và cá nhân có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới. Qua 25 năm thực hiện, “Ngày Biên phòng toàn dân” đã được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các địa phương, đã huy động được nguồn lực to lớn góp phần xây dựng khu vực biên giới phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh; tạo ra sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt đời sống của đồng bào và chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo; củng cố và nâng cao hiệu quả phòng tuyến nhân dân bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc trong tình hình mới. Đó chính là sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, của thế trận biên phòng toàn dân. Không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của lòng dân, không có nhiệm vụ nào được hoàn thành nếu không có sự tham gia tích cực của nhân dân. Đó là bài học được đúc kết và rút ra từ 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng, 25 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”. Chặng đường 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của BĐBP là những trang sử vẻ vang, sáng ngời phẩm chất cách mạng, cao đẹp về ý chí kiên cường bất khuất, chịu đựng khó khăn gian khổ, vượt qua mọi thử thách hy sinh, sẵn sàng xả thân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc. Đó là những trang sử hào hùng được kết tinh bằng mồ hôi, xương máu, bằng khí phách anh hùng, ý chí quyết thắng của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ kế tục nhau trên tuyến đầu bảo vệ biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Đó là chặng đường thuỷ chung, trọn vẹn nghĩa Đảng, tình dân. Bất cứ trong hoàn cảnh nào cán bộ, chiến sĩ vẫn tỏ rõ lòng “Tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”; với tình cảm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn gắn bó với cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc trên mọi miền biên cương của Tổ quốc. Với 55 năm, một chặng đường lịch sử đầy khó khăn thử thách nhưng rất vẻ vang, cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn nhận rõ trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Lực lượng BĐBP đã vinh dự được Đảng, Nhà nước 02 lần tuyên dương “Đơn vị anh hùng LLVT nhân dân” (lần thứ nhất vào ngày 19/12/1979; lần thứ hai vào ngày 20/02/2009) và được tặng thưởng 01 Huân chương Sao vàng; 02 Huân chương Hồ Chí Minh; 02 Huân chương Độc lập (hạng Nhất, hạng Nhì); 02 Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Ba); 01 Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Toàn lực lượng có 149 lượt tập thể và 64 cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng LLVTND”; 6.042 lượt tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác của Chính phủ và các bộ, ngành. Đây là niềm vinh dự của cán bộ, chiến sĩ BĐBP trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng mãi mãi là nguồn cổ vũ động viên to lớn, giúp cho cán bộ, chiến sĩ ghi nhớ, phấn khởi và tự hào với những truyền thống vinh quang, không ngừng phấn đấu vươn lên thực hiện lời dạy của Bác Hồ, lập nhiều thành tích mới trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc. Ôn lại truyền thống 25 năm “Ngày Biên phòng toàn dân”, 55 năm Ngày truyền thống vẻ vang của lực lượng BĐBP, mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn nêu cao lòng tự hào phấn khởi, biểu lộ ý chí quyết tâm, giữ gìn và phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng làm cho quá khứ, hiện tại và tương lai tạo thành một dòng chảy liên tục để truyền thống đó mãi mãi ngày càng tươi thắm trong sự nghiệp hôm nay và mai sau. Tất cả vì sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và ANBG quốc gia. Tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”!./. ( Theo Bộ đội Biên phòng Bình Phước)

Tác giả: Họa My

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay2,431
  • Tháng hiện tại96,547
  • Tổng lượt truy cập15,828,328
Nông thôn mới
Thủ tục hành chính
Văn bản mới ban hành
Người Việt dùng hàng Việt
Tìm hài cốt liệt sĩ
Thông tin người phát ngôn
bank
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây