1. Sự ra đời, mục đích và ý nghĩa của Giờ trái đất
Sự kiện Giờ Trái Đất được khởi xướng từ năm 2007 tại thành phố Sydney (Australia), với số người tham gia chỉ có 02 triệu người. Giờ Trái Đất là một sự kiện quốc tế hằng năm, là sáng kiến của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) kêu gọi các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 20h30 đến 21h30 tối (giờ địa phương) ngày thứ 7 cuối cùng của tháng 3 hàng năm. Lý do chọn khoảng thời gian này là vì nó trùng với Mùa Xuân và Mùa Thu, điểm phân trong bán cầu Bắc và phía Nam tương ứng, cho phép thời gian mặt trời lặn gần trùng hợp ngẫu nhiên trong cả hai bán cầu, qua đó đảm bảo tác động trực quan nhất cho sự kiện toàn cầu 'tắt đèn'. Biểu trưng chính thức của Giờ Trái Đất là Logo của chương trình Giờ Trái Đất được xây dựng từ nền bản đồ địa cầu, cắt bởi số 60 là con số phút kêu gọi tắt điện. Hiện nay logo của Giờ Trái Đất được thêm dấu "+" sau số 60 với ý nghĩa Giờ Trái Đất không chỉ dừng lại ở 60 phút mà còn hơn thế nữa.
Mục đích của sự kiện Giờ trái Đất nhằm khuyến khích một cộng đồng toàn cầu liên kết với nhau để chia sẻ những cơ hội và thách thức của việc tạo ra một thế giới phát triển bền vững. Chiến dịch Giờ Trái Đất góp phần không nhỏ vào việc tiết kiệm điện năng, giảm thiểu khí thải CO2, giảm hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Giờ Trái đất không phải chỉ dừng lại ở hành động tắt đèn, mà đây là chiến dịch trong đó tất cả mọi người trên thế giới cùng nhau đoàn kết và thể hiện họ có thể làm gì trong suốt cả năm để bảo vệ hành tinh. Đến nay, chiến dịch Giờ Trái Đất đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 7.000 thành phố thuộc 172 quốc gia trên thế giới với khoảng 2,2 tỷ người hưởng ứng trong đêm tắt đèn thông qua các mạng truyền thông xã hội.
2. Sự tham gia của Việt Nam đối với sự kiện Giờ Trái Đất
Việt Nam bắt đầu tham gia hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất từ năm 2009 với 06 tỉnh, thành phố tham gia, đến nay Chiến dịch Giờ Trái đất đã nhận được sự hưởng ứng của tất cả 63 tỉnh, thành phố với sự tham gia sâu rộng của các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ. Theo thông kê của Bộ Công thương năm 2017, trong 1 giờ hưởng ứng tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết để hưởng ứng Chiến dịch này, hệ thống điện quốc gia đã tiết kiệm được 471.000 KWh.
Chiến dịch Giờ Trái Đất tại Việt Nam năm nay do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức thực hiện, cùng sự hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với thông điệp “Go More Green – Hôm nay tôi sống xanh hơn” sẽ có 63 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ đồng loạt tắt đèn từ 20h30 đến 21h30 ngày 24/3/2018 tới. Đây sẽ là điểm kết ấn tượng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam chung tay cùng với cộng đồng quốc tế trong việc sử dụng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường,cùng chung tay bảo vệ hành tinh tươi đẹp của chúng ta.
Đối với huyện Lộc Ninh, ngày 05/3/2018, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND để chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân trong huyện nhiệt tình hưởng ứng bằng việc tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; tổ chức tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết vào thời điểm diễn ra Giờ Trái đất từ 20h30-21h30 ngày 24/3/2018. Nhằm góp phần cùng với toàn tỉnh hưởng ứng tích cực sự kiện Giờ Trái đất năm 2018.
Nguồn: Phòng Tư pháp huyện Lộc Ninh tổng hợp từ Internet