Theo thống kê, toàn huyện có trên 314.000 con lợn, trong đó nhiều hộ chăn nuôi có quy mô trên 100 con. Trước diễn biến phức tạp của dịch, huyện đã triển khai kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, tuyên truyền lưu động để người dân biết mức độ nguy hiểm, diễn biến của dịch, hướng dẫn người dân khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; Thực hiện nghiêm túc 5 không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn dịch; không giết mổ, tiêu thụ lợn dịch; không vứt bừa bãi lợn dịch ra môi trường; không cho lợn ăn những thức ăn dư thừa. tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, kiểm tra phòng chống dịch, quản lý việc mua bán, vận chuyển lợn trên địa bàn. Theo thống kê Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 19 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số lợn bắt buộc phải tiêu hủy gần 20.000 con và đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ lây lan nhanh.
Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Gia Hòa – PCT UBND huyện nhấn mạnh: Để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm bệnh vào địa bàn, yêu cầu các địa phương, đơn vị nghiêm túc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, khi chưa phát hiện dịch, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam; giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động giám sát và cảnh báo về dịch bệnh. Khi phát hiện ổ dịch, buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.