Những năm qua, theo đánh giá, huyện Lộc Ninh luôn làm tốt công tác chăm lo cho người khuyết tật, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người khuyết tật theo quy định. Toàn huyện có 2.291 người khuyết tật được thu thập thông tin nhập vào phần mềm để quản lí, trong đó có 1.534 người khuyết tật được hưởng bảo trợ xã hội với mức từ 405.000 đồng – 675.000 đồng/tháng (297 người khuyết tật đặc biệt nặng, 1.237 người khuyết tật nặng, 82 người khuyết tật nhẹ). Có 297 hộ gia đình được hưởng chế độ trợ cấp chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng với mức 270.000 đồng/tháng. Có 809 người khuyết tật vận động; 129 người khuyết tật nghe nói; 102 người khuyết tật nhìn; 233 người khuyết tật thần kinh; 116 người khuyết tật trí tuệ; 145 đối tượng khác.
Huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác xác định mức độ khuyết tật, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, thực hiện tốt việc mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh khuyết tật, tổ chức giáo dục hòa nhập cho các em; hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật; thực hiện trợ cấp thường xuyên, đột xuất tại cộng đồng, chăm lo đời sống vật chất, văn hóa, thể thao, tinh thần cho người khuyết tật, trợ giúp pháp lí, từng bước quan tâm trợ giúp người khuyết tật tiếp cận các công trình xây dựng, công cộng.
Không chỉ thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người khuyết tật từ nguồn kinh phí đảm bảo xã hội hàng năm, trong những năm qua, Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh còn chỉ đạo Phòng Nội vụ, Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các hội, đoàn thể của huyện, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện chung tay chăm lo cho người khuyết tật với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa trị giá hàng tỉ đồng, góp phần giúp người khuyết tật vơi đi bớt nỗi đau, khiếm khuyết của bản thân.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế trong quá trình thực hiện Công ước của Liên hợp quốc và Luật Người khuyết tật: công tác rà soát, đánh giá, thống kê, xác định mức độ khuyết tật, quản lí người khuyết tật còn có những bất cập, lúng túng, nhất là khi đánh giá mức độ khuyết tật bằng phương pháp trực quan. Công tác tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú, nhất là việc tuyên truyền để giới thiệu học nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Việc cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật cho học sinh các trường học trên địa bàn chưa thật sự được chú trọng, dẫn đến việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với giáo viên giảng dạy, đứng lớp có học sinh khuyết tật nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả người dạy lẫn người học. Người khuyết tật trên địa bàn chưa được tiếp cận nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, công trình giao thông, công cộng, internet,…
Kết luận buổi giám sát, Trưởng đoàn Tôn Ngọc Hạnh đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của huyện Lộc Ninh thời gian qua đối với việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc và Luật Người khuyết tật. Đồng thời, bà cũng đề nghị huyện tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, chăm lo tích cực hơn nữa, vận động các đơn vị mua thẻ bảo hiểm y tế, chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật nhẹ. Các cơ quan chuyên môn như Tài chính, Giáo dục, phải rà soát lại chế độ, chính sách dành cho người khuyết tật đối với học sinh, giáo viên và có văn bản báo cáo, hướng dẫn thực hiện; tăng cường tập huấn, hướng dẫn xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật./.