Trong thời gian qua, Phòng Văn hóa và Thông tin đã thực hiện tốt công tác tham mưu UBND huyện triển khai Đề án đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ trên địa bàn huyện như: xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ; thành lập Ban sưu tầm, biên soạn xây dựng cẩm nang “Lộc Ninh điểm đến du lịch về nguồn”; xây dựng Website dulichlocninh.binhphuoc.gov.vn để giới thiệu và quảng bá du lịch trên địa bàn huyện; xây dựng chuyên mục “du lịch Lộc Ninh” đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của huyện; tăng cường nhiều hoạt động phối hợp các cơ quan của huyện và các sở, ngành về lĩnh vực du lịch nhằm thu hút đầu tư, động viên các thành phần kinh tế tham gia, khai thác tài nguyên du lịch của huyện; phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ…Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn khó khăn, hạn chế như: Hoạt động du lịch chưa có tính chuyên nghiệp; sản phẩm du lịch có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng chưa có tính thương hiệu, chưa có điều kiện xúc tiến, quảng bá để giới thiệu sản phẩm du lịch địa phương tới du khách trong và ngoài nước. Chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn huyện đã được ban hành, tuy nhiên hiệu quả về việc kêu gọi huy động nguồn lực đầu tư du lịch - dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng đầu tư cho du lịch phát triển chưa đồng bộ, phát triển du lịch chưa gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập xã hội; nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động du lịch - dịch vụ chưa nhiều.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung - UV BTVHU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện đề nghị Phòng Văn hóa và Thông tin tiếp tục tham mưu UBND huyện triển khai thực hiện Đề án đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ trên địa bàn huyện giai đoạn tiếp theo. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng và phát triển du lịch - dịch vụ và các văn bản quy định liên quan đến đầu tư du lịch - dịch vụ; phát triển các điểm du lịch - dịch vụ đang có tại địa phương và đẩy mạnh du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn, xây dựng những sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc của địa phương, gắn việc phát triển du lịch với sản phẩm nông nghiệp vào thị trường tiêu thụ như: hạt điều Hoàng Phú, tiêu sạch, cây ăn trái; duy trì các lễ hội (phá bàu, mừng lúa mới, cồng chiêng); liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số; lồng ghép các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch bằng các hoạt động thiết thực nhằm quáng bá, giới thiệu các tiềm năng du lịch của huyện để thu hút và kêu gọi đầu tư./.