Đề cương sinh hoạt Ngày Pháp luật tháng 02/2017: Những nội dung cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2015
Bộ luật Dân sự được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015; được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 08/12/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
A.SỰ CẦN THIẾT, MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG VÀ BỐ CỤC CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015
I. Sự cần thiết ban hành Bộ luật
1. Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật dân sự Việt Nam, phát huy thành tựu của BLDS năm 1995 và kinh nghiệm gần 20 năm đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Sau hơn 09 năm thi hành, BLDS cơ bản đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của chủ thể trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động v.v...
2. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48-NQ/TW), Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW) và đặc biệt là yêu cầu về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 thì BLDS hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, việc xây dựng BLDS (sửa đổi) là rất cần thiết.
II. Mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng Bộ luật
1. Mục tiêu
Xây dựng BLDS thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.
2. Quan điểm chỉ đạo
BLDS là một đạo luật có ý nghĩa to lớn không chỉ về mặt bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phát triển kinh tế - xã hội mà còn cả về mặt xây dựng pháp luật. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung BLDS đã được thực hiện trên cơ sở quán triệt những quan điểm chỉ đạo sau đây:
Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ, đồng thời tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự cũng như những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các chủ thể thuộc mọi hình thức sở hữu và thành phần kinh tế đã được ghi nhận trong trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và đặc biệt là trong Hiến pháp năm 2013;
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành để bảo đảm BLDS thực sự phát huy được ba vai trò cơ bản là: (1) Tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của các các cá nhân, pháp nhân, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự; hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự; (2) Tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; (3) Là công cụ pháp lý hữu hiệu để thúc đẩy sự hình thành và phát triển các thiết chế dân chủ trong xã hội, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN;
Thứ ba, xây dựng BLDS thành bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm; có tính khái quát, tính dự báo và tính khả thi để một mặt, bảo đảm tính ổn định của Bộ luật, mặt khác, đáp ứng được kịp thời sự phát triển thường xuyên, liên tục của các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự;
Thứ tư, bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định còn phù hợp với thực tiễn của pháp luật dân sự; các giá trị văn hóa, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của Việt Nam; tham khảo kinh nghiệm xây dựng BLDS của một số nước, nhất là các nước có truyền thống pháp luật tương đồng với Việt Nam.
III. Bố cục của Bộ luật
Bộ luật có 06 phần, 27 chương với 689 điều, bao gồm:
Phần thứ nhất “Quy định chung” (Điều 1-Điều 157) gồm 10 chương: Chương I: Những quy định chung; Chương II: Xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự; Chương III: Cá nhân; Chương IV: Pháp nhân; Chương V: Nhà nước CHXHCNVN, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương trong quan hệ dân sự; Chương VI: Hộ gia đình, tổ hơp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự; Chương VII: Tài sản; Chương VIII: Giao dịch dân sự; Chương IX: Đại diện; Chương X: Thời hạn và thời hiệu.
Phần thứ hai “Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản” (Điều 158-Điều 273) gồm 04 chương: Chương XI: Quy định chung; Chương XII: Chiếm hữu; Chương XIII: Quyền sở hữu; Chương XIV: Quyền khác đối với tài sản;
Phần thứ ba “Nghĩa vụ và hợp đồng” (Điều 274-Điều 608) gồm 06 chương: Chương XV: Quy định chung; Chương XVI: Một số hợp đồng thông dụng; Chương XVII: Hứa thưởng, thi có giải; Chương XVIII: Thực hiện công việc không có ủy quyền; Chương XIX: Nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật; Chương XX: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Phần thứ tư “Thừa kế” (Điều 609-Điều 662) gồm 04 chương: Chương XXI: Quy định chung; Chương XXII: Thừa kế theo di chúc; Chương XXIII: Thừa kế theo pháp luật; Chương XXIV: Thanh toán và phân chia di sản.
Phần thứ năm “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” (Điều 663 - Điều 687) gồm 03 chương: Chương XXV: Quy định chung; Chương XXVI: Pháp luật áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân; Chương XXVII: Pháp luật áp dụng đối với quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân.
Phần thứ sáu “Điều khoản thi hành” (Điều 688 và Điều 689).
B. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để Bộ luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, sớm phát huy hiệu quả, cần thực hiện tốt Kế hoạch triển khai thi hành BLDS của Thủ tướng Chính phủ (được ban hành kèm theo Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 05/02/2016) với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tổ chức biên soạn tài liệu phục vụ việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, tập huấn BLDS:
- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức biên soạn tài liệu quán triệt, phổ biến, tuyên truyền BLDS; tài liệu tập huấn chuyên sâu chung về BLDS.
- Trên cơ sở tài liệu tập huấn chuyên sâu chung, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan có thể biên soạn tài liệu tập huấn chuyên sâu riêng cho từng nhóm đối tượng cụ thể.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cơ sở đào tạo luật rà soát, biên soạn lại hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy khác có nội dung liên quan đến BLDS cho phù hợp với quy định mới của BLDS.
2. Tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền BLDS
- Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, phổ biến, tuyên truyền BLDS, đặc biệt là các nội dung mới của BLDS cho đại diện các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và cấp tỉnh.
- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền BLDS trên các phương tiện thông tin đại chúng: Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng BLDS trên các phương tiện thông tin đại chúng;Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan chủ quản báo chí trung ương và địa phương xây dựng chương trình, chuyên mục, chuyên trang giới thiệu, tuyên truyền về nội dung của BLDS, nhất là những nội dung mới của BLDS, đồng thời, có tin, bài phản ánh kịp thời về tình hình triển khai thi hành BLDS.
- Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến, tuyên truyền BLDS với hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội phổ biến, tuyên truyền các nội dung của BLDS cho hội viên, đoàn viên của tổ chức mình./.
Phòng Tư pháp huyện Lộc Ninh sưu tầm và giới thiệu từ Trang thông tin điện tử http://pbgdpl.moj.gov.vn/ http://pbgdpl.moj.gov.vn