HIEN KE
sn bac

Đề cương sinh hoạt Ngày Pháp luật tháng 04/2017: Giới thiệu Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2016

Thứ bảy - 22/04/2017 21:58 1.740 0
Giới thiệu Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2016
I. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN 1. Mục tiêu Tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho sự phát triển hoạt động đấu giá tài sản theo hướng chuyên nghiệp hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản và chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; thúc đẩy dịch vụ đấu giá tài sản phát triển trong hệ thống các ngành, lĩnh vực dịch vụ theo cơ chế thị trường; tăng cường cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia đấu giá, trách nhiệm của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. 2. Quan điểm chỉ đạo Việc xây dựng Luật Đấu giá tài sản được dựa trên các quan điểm chỉ đạo cơ bản sau đây: Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo hướng từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động bổ trợ tư pháp, xã hội hóa hoạt động đấu giá tài sản. Thứ hai, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; thống nhất, đồng bộ với các luật, bộ luật có liên quan. Thứ ba, xây dựng trình tự, thủ tục đấu giá tài sản áp dụng thống nhất cho các loại tài sản đấu giá trên cơ sở kế thừa, luật hóa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản hiện nay, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, tăng cường trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. II. BỐ CỤC CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN Luật Đấu giá tài sản gồm 8 chương, 81 điều, cụ thể như sau: Chương I: Những quy định chung gồm 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9) gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, áp dụng Luật Đấu giá tài sản và quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại các luật khác, tài sản đấu giá, giải thích từ ngữ, nguyên tắc đấu giá, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá, các hành vi bị nghiêm cấm. Chương II: Đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản gồm 23 điều (từ Điều 10 đến Điều 32) gồm các quy định về tiêu chuẩn đấu giá viên, đào tạo, miễn đào tạo nghề đấu giá, tập sự hành nghề đấu giá, cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá, hình thức hành nghề, quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên; tổ chức đấu giá tài sản, quyền, nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản, đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp đấu giá tài sản, chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản. Chương III: Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản gồm 22 điều (từ Điều 33 đến Điều 54) gồm các quy định về hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, quy chế cuộc đấu giá, niêm yết việc đấu giá, địa điểm đấu giá, đăng ký tham gia đấu giá, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, hình thức, phương thức đấu giá, biên bản đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, quyền, nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá, người trúng đấu giá, rút lại giá đã trả, giá đã chấp nhận, từ chối kết quả trúng đấu giá, đấu giá không thành, đấu giá theo thủ tục rút gọn. Chương IV: Đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá gồm 11 điều (từ Điều 55 đến Điều 65) gồm các quy định về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, thông báo công khai việc đấu giá tài sản, công khai giá khởi điểm, phương thức đấu giá, thành lập Hội đồng đấu giá tài sản, nguyên tắc hoạt động, quyền, nghĩa vụ của Hội đồng đấu giá tài sản, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, thành viên Hội đồng đấu giá tài sản, đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Chương V: Thù lao dịch vụ đấu giá tài sản, chi phi đấu giá tài sản gồm 3 điều (từ Điều 66 đến Điều 68) gồm các quy định về thù lao dịch vụ đấu giá tài sản, chi phí đấu giá tài sản, chi phí dịch vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền quản lý tài sản, quản lý, sử dụng thù lao dịch vụ đấu giá tài sản, chi phí đấu giá tài sản, chi phí dịch vụ và các khoản thu khác. Chương VI: Xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại gồm 8 điều (từ Điều 69 đến Điều 76) gồm các quy định về xử lý vi phạm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người có tài sản đấu giá, hủy kết quả đấu giá tài sản, hậu quả pháp lý khi hủy kết qủa đấu giá, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, khởi kiện về việc đấu giá của Hội đồng đấu giá, tố cáo về hoạt động đấu giá tài sản. Chương VII: Quản lý nhà nước về đấu giá tài sản gồm 3 điều (từ Điều 77 đến Điều 79) gồm các quy định về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Chương VIII: Điều khoản thi hành gồm 02 Điều (Điều 80 và Điều 81) gồm các quy định về chuyển tiếp và hiệu lực thi hành. III. NHỮNG ĐIỂM NỘI BẬT CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN Về tài sản bán đấu giá: Luật quy định tài sản bán đấu giá bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá. Đối với tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, Luật liệt kê cụ thể các loại tài sản này trên cơ sở rà soát quy định pháp luật chuyên ngành nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản khi bán đấu giá các loại tài sản đó. Về nguyên tắc đấu giá tài sản và các hành vi bị nghiêm cấm: Luật quy định nguyên tắc đấu giá tài sản phải bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cơ quan, tổ chức có liên quan. Về Đấu giá viên: Để nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên và tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật đã quy định các tiêu chuẩn khắt khe hơn so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Luật cũng thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá, theo đó, chỉ những người đã qua các khóa đào tạo về nghề nghiệp và có kỹ năng hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và lĩnh vực có liên quan như luật sư, công chứng viên, quản tài viên, Thừa phát lại... mới được miễn đào tạo. Về tổ chức đấu giá tài sản: Luật quy định tổ chức đấu giá tài sản bao gồm doanh nghiệp đấu giá tài sản và Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản. Tuy nhiên, khác với quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Luật Đấu giá tài sản quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản chỉ được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh và thực hiện đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản: Khắc phục hạn chế, vướng mắc của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Luật Đấu giá tài sản đã tách bạch quy trình bán đấu giá với quy trình trước và sau khi tổ chức bán đấu giá, đồng thời, quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản chung và trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá theo hướng chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, móc nối, thông đồng, dìm giá, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh gây thất thoát cho tài sản nhà nước (thể hiện qua các quy định về việc niêm yết thông tin đấu giá tài sản; việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá; tiền đặt trước; thủ tục đăng ký tham gia đấu giá; hình thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc tổ chức thực hiện việc đấu giá; các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản...). Về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu: Luật hóa các quy định của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, Luật Đấu giá tài sản quy định tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng chỉ được đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà tổ chức đã mua. Trong trường hợp nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được bán đấu giá thì tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá tài sản hoặc tự thực hiện đấu giá tài sản theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Đấu giá tài sản. IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN LUẬT Để Luật Đấu giá tải sản nhanh chóng đi vào cuộc sống, sớm phát huy hiệu quả, cần thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau đây: 1. Xây dựng văn bản triển khai, hướng dẫn thi hành Luật Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau đây: - Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Luật Đấu giá tài sản. - Soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đấu giá tài sản. - Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến Luật Đấu giá tài sản, đề xuất, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật. 2. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức quán triệt phổ biến nội dung, tinh thần của Luật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thông qua các hình thức: tập huấn về những nội dung cơ bản của Luật; tuyên truyền, phổ biến Luật thông qua các cơ quan truyền thông đại chúng. Phòng Tư pháp huyện Lộc Ninh sưu tầm và giới thiệu từ Trang thông tin điện tử http://pbgdpl.moj.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 1.2 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập72
  • Hôm nay4,273
  • Tháng hiện tại128,352
  • Tổng lượt truy cập15,860,133
Nông thôn mới
Thủ tục hành chính
Văn bản mới ban hành
Người Việt dùng hàng Việt
Tìm hài cốt liệt sĩ
Thông tin người phát ngôn
bank
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây