Đề cương sinh hoạt "Ngày pháp luật" tháng 3/2019: những nội dung cơ bản của Luật Cạnh tranh năm 2018

Thứ năm - 02/05/2019 22:04 2.012 0
Ngày 12/6/2018, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Cạnh tranh, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019. Luật Cạnh tranh năm 2018 có những nội dung cơ bản sau:
          I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT CẠNH TRANH
          Luật Cạnh tranh năm 2004, được Quốc hội (Khóa XI) thông qua ngày 03/12/2004 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2005. Sự ra đời của Luật Cạnh tranh năm 2004 là dấu mốc quan trọng trong quá trình tạo lập một hành lang pháp lí thống nhất cho hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội cùng xu hướng hội nhập quốc tế, một số nội dung của Luật Cạnh tranh năm 2004 đã không còn phù hợp cả về lí do khách quan và chủ quan khác nhau: Liên quan đến các quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định ở nhiều văn bản luật khác nhau, được thực thi bởi các cơ quan quản lí nhà nước khác nhau dẫn đến chồng chéo về thẩm quyền xử lí hoặc khả năng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan thực thi pháp luật hay dẫn đến những tranh cãi lớn trên bình diện xã hội do chạm đến những nhóm quyền lợi khác nhau. Mô hình cơ quan thực thi chưa phù hợp…

    Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật Cạnh tranh năm 2004; nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của các chính sách và pháp luật cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu trong xu thế hội nhập kinh tế và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam; nhằm hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh cho phù hợp với các luật có liên quan vừa được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh năm 2004 là cần thiết.
    II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT
    1. Mục đích ban hành Luật
    Tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường; đảm bảo và tăng cường khả năng thực thi pháp luật trên thực tiễn; đảm bảo sự thống nhất, tránh mâu thuẫn với các luật chuyên ngành có liên quan và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

    2. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật
- Duy trì và bảo vệ môi trường cạnh tranh bình đẳng, hiệu quả giữa các doanh nghiệp trên thị trường;
- Đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khách quan trong quá trình tố tụng;
- Kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lí trong đó nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hiệu quả cho công tác thực thi luật;
- Nhà nước đóng vai trò trung tâm trong hoạt động bảo vệ cạnh tranh trên thị trường.

    III. BỐ CỤC VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT
Luật Cạnh tranh năm 2018 gồm có 10 chương, 118 điều, cụ thể như sau:
- Chương I. Những quy định chung,
- Chương II. Thị trường liên quan và thị phần,
- Chương III. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh,
- Chương IV. Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường,
- Chương V. Tập trung kinh tế,
- Chương VI. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh,
- Chương VII. Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia,
- Chương VIII. Tố tụng cạnh tranh.

B. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT
1. Những quy định chung
- Về phạm vi điều chỉnh Luật Cạnh tranh năm 2018 đã làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh so với Luật Cạnh tranh năm 2004, cụ thể:
Thứ nhất, quy định phạm vi điều chỉnh đối với hành vi cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam, tức là bao gồm cả những hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế xảy ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam.

Thứ hai, tách nội dung quy định về tập trung kinh tế ra khỏi các nội dung quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, nhằm đánh giá lại một cách chính xác bản chất và tác động của từng nhóm hành vi này đến môi trường cạnh tranh.
- Về đối tượng áp dụng (Điều 2), được quy định mở rộng hơn so với Luật Cạnh tranh năm 2004, bao gồm cả cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan. Việc sửa đổi như trên nhằm phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường đã được quy định tại Khoản 2, Điều 51 Hiến pháp năm 2013 “các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”.

- Về áp dụng pháp luật về cạnh tranh, trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 5 Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh năm 2018 tiếp tục khẳng định vai trò của Luật này trong hệ thống pháp luật Việt Nam là Luật “điều chỉnh chung về các quan hệ cạnh tranh”. Đồng thời, đặt ra nguyên tắc quan trọng nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
- Về chính sách của Nhà nước về cạnh tranh, đây là quy định mới được bổ sung nhằm thể chế hóa quan điểm, tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, khuyến khích cạnh tranh, làm động lực phát triển kinh tế đất nước. Đồng thời, khẳng định mục tiêu của pháp luật cạnh tranh là tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định này là cần thiết nhằm giúp cơ quan cạnh tranh xác định chiến lược ưu tiên trong thực thi, tạo cơ sở pháp lí minh bạch, rõ ràng để doanh nghiệp xây dựng định hướng trong kinh doanh.

2. Thị trường liên quan và thị phần (Chương II)
Xuất phát từ tầm quan trọng và tính xuyên suốt của quy định về thị trường liên quan, thị phần trong việc kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã xây dựng một Chương riêng quy định về thị trường liên quan và thị phần, trên cơ sở kế thừa các điều, khoản trong Luật Cạnh tranh năm 2004 và Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh (Nghị định số 116/2005/NĐ-CP).

3. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (Chương III)
Đây là chương mới được xây dựng trên cơ sở Mục 1, Mục 4 Chương II Luật Cạnh tranh năm 2004. Việc tách các quy định tại Mục 1 và Mục 4 Chương II Luật Cạnh tranh năm 2004 thành chương riêng do đây là nhóm quy định riêng biệt về một trong những hành vi phản cạnh tranh cơ bản được điều chỉnh, là một trong những trụ cột của pháp luật cạnh tranh.

4. Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền (Chương IV)
Đây là chương mới được xây dựng trên cơ sở Mục 2 Chương II Luật Cạnh tranh năm 2004, trong đó tách các quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền thành chương riêng, do đây là những nhóm quy định về hành vi riêng biệt.

5. Tập trung kinh tế (Chương V)
Đây là chương mới, được tách từ Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh năm 2004. Việc tách tập trung kinh tế thành một chương riêng xuất phát từ sự thay đổi về cách tiếp cận trong kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế theo hướng “tiền kiểm” nhằm ngăn ngừa việc tập trung kinh tế có thể hình thành nên sức mạnh thị trường, tiềm ẩn khả năng gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường. Hơn nữa, không phải mọi giao dịch tập trung kinh tế đều có bản chất hạn chế cạnh tranh. Do đó, việc đánh giá, xem xét khả năng gây hạn chế cạnh tranh của việc tập trung kinh tế khác với việc đánh giá, xem xét theo hướng “hậu kiểm” đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền.

6. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm (Chương VI)
Trên cơ sở chuẩn hóa các quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời rà soát, loại bỏ các hành vi không phù hợp về mặt bản chất, Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 đã sửa đổi, bổ sung một số hành vi được quy định tại Điều 39 Luật Cạnh tranh năm 2004, cụ thể như sau:

 “1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây: a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó; b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó. 2. Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó. 3. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. 4. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó. 5. Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây: a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung. 6. Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó. 7. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác”.

7. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Chương VII)
Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trên quan điểm tổ chức lại các cơ quan cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh năm 2004 bao gồm: Cơ quan quản lí cạnh tranh (hiện nay là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) và Hội đồng Cạnh tranh (bao gồm cả bộ phận giúp việc là Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh). Đây là điểm mới quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi của cơ quan cạnh tranh. Mô hình Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đồng thời giúp giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với bối cảnh kinh tế và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

8. Tố tụng cạnh tranh (Chương VIII)
Các quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh trong Luật đã được hoàn thiện theo hướng đơn giản hơn, rút ngắn thời gian và có sự phân định rõ các khâu trong quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh, từ phát hiện, điều tra cho đến xử lí và giải quyết khiếu nại. Trong mỗi khâu sẽ gắn với trách nhiệm cụ thể của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cạnh tranh. Đồng thời, Luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. Điều này bảo đảm các hoạt động tố tụng cạnh tranh được rõ ràng, minh bạch để mọi cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp và toàn xã hội có thể theo dõi, giám sát.

          9. Về xử lí vi phạm pháp luật về cạnh tranh (Chương IX)
- Bổ sung nguyên tắc xử lí vi phạm tại Điều 110 Luật Cạnh tranh năm 2018, theo đó, “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lí kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật
(Phòng Tư pháp huyện Lộc Ninh sưu tầm và biên soạn từ Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp)

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập108
  • Hôm nay2,633
  • Tháng hiện tại163,936
  • Tổng lượt truy cập16,296,109
Nông thôn mới
Thủ tục hành chính
Văn bản mới ban hành
Người Việt dùng hàng Việt
Tìm hài cốt liệt sĩ
Thông tin người phát ngôn
bank
QC Bên trai 1
QC Bên PHAI 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây