HIEN KE
sn bac

Đề cương sinh hoạt “Nngày pháp luật ” tháng 8 năm 2022

Thứ hai - 01/08/2022 06:49 2.325 0
Chủ đề: Triển khai một số quy định mới về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường và một số quy định mới có hiệu lực thi hành từ tháng 8/2022.
         Nội dung:

1. Quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản

Ngày 29/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2022/NĐ-CP về Xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/8/2022 và thay thế Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ.

Theo đó, hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản gồm: Cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, vận hành, khai thác thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Nghị định quy định cụ thể đối tượng, phạm vi khai thác và sử dụng; hình thức khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản như sau:

a. Nội dung dữ liệu về thuế khi chuyển nhượng bất động sản trong dự án

Thông tin, dữ liệu về thuế đối với hoạt động chuyển nhượng một số loại bất động sản được quy định tại điểm a, b, c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 44/2022/NĐ-CP bao gồm:
- Tổng số thuế thu được từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
- Tổng số giao dịch chuyển nhượng, mua bán bất động sản trên địa bàn.
- Tổng giá trị giao dịch chuyển nhượng, mua bán bất động sản trên địa bàn.
Cụ thể, các loại bất động sản quy định tại điểm a, b, c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 44/2022/NĐ-CP (quy định về thông tin, dữ liệu về dự án bất động sản) bao gồm:
- Nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà liền kề).
- Căn hộ chung cư để ở.
- Đất để xây dựng nhà ở (theo hình thức phân lô, bán nền).

b. Phải nộp phí khi sử dụng thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản

Nghị định quy định đối tượng, phạm vi khai thác và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản như sau:
- Các cơ quan tham gia xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được khai thác dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình. Việc khai thác dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản ngoài phạm vị quản lý phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản;

- Các cơ quan quản lý nhà nước được yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản có liên quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạt động điều tra, xác minh xử lý hành vi vi phạm pháp luật;

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân (ngoài cơ quan tham gia xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản và cơ quan quản lý Nhà nước liên quan) được quyền yêu cầu chia sẻ, cung cấp thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản phù hợp với quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin;

      - Cơ quan quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản không được chia sẻ, cung cấp các thông tin ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, bỉ mật kinh doanh của doanh nghiệp, các thông tin mang tính cá nhân trừ trường hợp phục vụ hoạt động điều tra, xác minh xử lý hành vi vi phạm pháp luật và phục vụ công tác quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân (ngoài cơ quan tham gia xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản và cơ quan quản lý Nhà nước liên quan) khi có nhu cầu sử dụng thông tin phải nộp kinh phí khai thác sử dụng thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định.
Số tiền thu được từ dịch vụ cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
c. Các hình thức khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản
Việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu nhà ở và thị trường bất động sản phải tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và các pháp luật khác có liên quan. Có 03 hình thức khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản sau:
- Qua Cổng thông tin của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (http://www.batđongsan.xaydung.gov.vn); cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng.
- Thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu.
- Bằng hợp đồng giữa cơ quan quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản và bên khai thác, sử dụng dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký cấp quyền khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản gửi phiếu yêu cầu cho cơ quan, đơn vị được giao quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo các hình thức sau: Nộp trực tiếp theo hình thức văn bản cho Bên cung cấp; Gửi qua đường công văn, fax, bưu điện; Đăng ký trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Bên cung cấp;
Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu, Bên cung cấp xem xét cấp quyền truy cập quyền khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản hợp lệ; trường hợp từ chối cung cấp quyền khai thác, sử dụng, Bên cung cấp phải trả lời nêu rõ lý do.
 
d. Công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng định kỳ công bố các thông tin cơ bản về nhà ở và thị trường bất động sản trên phạm vi toàn quốc tại Cổng thông tin của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (http://www.batdongsan.xaydung.gov.vn) gồm:
- Định kỳ hàng năm: trước ngày 31/12 của năm công bố các số liệu thống kê: Kết quả thực hiện Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở; số lượng, diện tích nhà ở tại khu vực đô thị, nông thôn; số lượng nhà ở, đất ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (*).
- Định kỳ hàng quý: ngày cuối cùng của quý công bố các số liệu thống kê: Tổng số dự án bất động sản được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng, khởi công; số lượng, diện tích các loại bất động sản của dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh; số lượng, diện tích các loại bất động sản của dự án đã được giao dịch; số lượng các loại bất động sản của dự án được giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản; chỉ số giá giao dịch bất động sản; chỉ số lượng giao dịch bất động sản (**).
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Xây dựng định kỳ công bố thông tin cơ bản về nhà ở và thị trường bất động sản của địa phương trên Cổng thông tin điện tử do đơn vị quản lý gồm: Định kỳ hàng năm: trước ngày 31 tháng 12 của năm công bố các số liệu thống kê quy định (*) nêu trên; định kỳ hàng quý: ngày cuối cùng của quý công bố các số liệu thống kê quy định tại (**) nêu trên.

2. Xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường

Ngày 07/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt. Nghị định có hiệu lực từ 25/8/2022 và thay thế Nghị định số 155/2016/NĐ-CP Nghị định số 55/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, nghị định quy định mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định (Nghị định số 155/2016/NĐ-CP không có quy định về mức phạt đối với cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt).

Đồng thời, cũng quy định cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng từ 300kg/ngày trở lên thì sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không ký hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đối với hành vi sử dụng phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

3. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức thư viện

Ngày 01/7/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL về Quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện. Thông tư số này có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2022 và thay thế Thông tư số liên tịch số 02/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 19/5/2015 của liên Bộ giữa Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Trong đó, có quy định tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành thư viện cụ thể như sau:
- Có tinh thần trách nhiệm với công việc được giao, tuân thủ quy định của pháp luật; thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
- Tâm huyết với nghề, trung thực, khách quan, thẳng thắn; làm việc khoa học, có chính kiến rõ ràng; có thái độ khiêm tốn, đúng mực khi tiếp xúc với nhân dân; có ý thức đấu tranh với những hành vi sai trái, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Tôn trọng quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của mọi tầng lớp nhân dân theo quy định của pháp luật. Có ý thức cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ thư viện.
- Có tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động phối hợp với đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực.

4. Quy định mới về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính

Ngày 29/6/2022 Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2022/TT-BTC về Quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Thông tư số này có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2022 và thay thế Thông tư số 138/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Luật Giám định tư pháp và Nghị định số số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp.
Thông tư số 40/2022/TT-BTC đã bổ sung 02 lĩnh vực giám định tư pháp là giám định tư pháp về tải sản công và giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp.
Trong đó quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm:
- Giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán.
- Giám định tư pháp về giá.
- Giám định tư pháp về chứng khoán.
- Giám định tư pháp về thuế.
- Giám định tư pháp về hải quan.
- Giám định tư pháp về tải sản công.
- Giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp.
- Giám định tư pháp về các lĩnh vực tài chính khác theo quy định của pháp luật.

5. Quy định mới về lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại ngân hàng
Ngày 16/6/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 04/2022/TT-NHNN về áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) có hiệu lực từ ngày 01/8/2022 và thay thế Thông tư số 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011.
So với Thông tư số 04/2011/TT-NHNN, Thông tư số 04/2022/TT-NHNN đã phân chia quy định lãi suất rút trước hạn tiền gửi trong trường hợp rút trước hạn toàn bộ tiền gửi và rút trước hạn một phần tiền gửi và nêu rõ có 4 hình thức tiền gửi rút trước hạn gồm:

1- Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn;
2- Tiền gửi có kỳ hạn;
3- Chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do TCTD phát hành;
4- Các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.
Quy định về lãi suất rút trước hạn tiền gửi như sau:
- Trường hợp rút toàn bộ tiền gửi: TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn tiền gửi.
- Trường hợp rút trước hạn một phần tiền gửi:
+ Đối với phần rút trước hạn: mức lãi suất như trường hợp rút trước hạn toàn bộ tiền gửi;
+ Đối với phần tiền gửi còn lại: TCTD áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.

     (Thông tư số 04/2011/TT-NHNN không có sự phân chia quy định lãi suất rút trước hạn toàn bộ và rút trước hạn một phần tiền gửi).

    Đối với các thỏa thuận lãi suất rút trước hạn tiền gửi trước ngày 01/8/2022, TCTD và khách hàng tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã cam kết cho đến ngày đến hạn, ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi hoặc thỏa thuận thực hiện theo quy định tại Thông tư 04/2022/TT-NHNN .

        6. Ba loại hình tổ chức quản lý khu du lịch quốc gia
     Ngày 19/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2022/NĐ-CP Quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia (KDLQG) có hiệu lực từ ngày 01/8/2022.

    Cụ thể, 3 loại hình tổ chức quản lý KDLQG gồm:
    1- Đơn vị quản lý KDLQG thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ.
    2- Ban quản lý KDLQG thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh).
 

     3- Doanh nghiệp đầu tư hình thành KDLQG.
    Đơn vị quản lý KDLQG là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị quản lý KDLQG được thực hiện theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại và giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
UBND cấp tỉnh nơi có KDLQG lựa chọn và tổ chức thực hiện thành lập hoặc tổ chức lại Ban quản lý thuộc một trong những trường hợp sau đây:
     - Thành lập mới hoặc tổ chức lại Ban quản lý là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh để quản lý KDLQG.
    - Tổ chức lại Ban quản lý chuyên ngành là đơn vị sự nghiệp công lập thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh để quản lý KDLQG và thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.
UBND cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ thành lập hoặc tổ chức lại Ban quản lý để quản lý phần diện tích KDLQG trên địa bàn của tỉnh trong trường hợp KDLQG nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.
Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quản lý KDLQG thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ do cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính hoặc pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
      Ban quản lý KDLQG thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ quản lý, kiểm tra và giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các tổ chức, cá nhân liên quan; giám sát chất lượng dịch vụ du lịch trong phạm vi KDLQG; quản lý hoạt động của hướng dẫn viên du lịch tại điểm; lập biên bản ban đầu, bảo vệ hiện trường, bảo quản tang vật vi phạm, kịp thời báo cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Xây dựng hoặc phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển, bảo vệ, bảo tồn nâng cao giá trị, đa dạng hóa tài nguyên du lịch trong phạm vi KDLQG theo quy định của pháp luật;
     Bên cạnh đó, tổ chức, cung cấp dịch vụ hướng dẫn, thuyết minh phục vụ khách du lịch; cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển KDLQG; liên doanh, liên kết với các tổ chức và cá nhân để tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch, quản lý, khai thác tài nguyên du lịch trong phạm vi KDLQG.
      Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng, phát triển sản phẩm, thương hiệu của KDLQG; chương trình hợp tác quốc tế; tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá KDLQG tới thị trường trong nước và quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để cung cấp thông tin, ấn phẩm quảng bá du lịch;...
      Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 01/8/2022, các KDLQG đã được công nhận phải tổ chức lại Ban quản lý theo quy định tại Nghị định này.

     7. Đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch
     Ngày 24/6/2022 Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2022/NĐ-CP Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch có hiệu lực từ ngày 08/8/2022.
     Theo đó, đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung và cấp nước sạch đô thị bao gồm:
    - Đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cấp nước sạch;
    - Doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước có chức năng sản xuất, kinh doanh nước sạch theo quy định của pháp luật về đầu tư, về doanh nghiệp, về sản xuất, kinh doanh nước sạch;
     - Cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch.
      Riêng đối với cấp nước sạch nông thôn tập trung thì còn có thêm UBND cấp xã cũng là đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.
     Tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch (bao gồm cả đất gắn với công trình kết cấu hạ tầng cấp nước sạch) gồm: công trình khai thác nước, công trình xử lý nước, mạng lưới đường ống cung cấp nước sạch và các công trình phụ trợ có liên quan.

Nguồn: Sưu tầm và biên tập từ:
1. Website Báo Điện tử Chính phủ:
https://baochinhphu.vn/ba-loai-hinh-to-chuc-quan-ly-khu-du-lich-quoc-gia-102220523181934722.htm
2. Website Báo Thanh tra (thuộc Thanh tra Chính phủ):
https://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/nghi-dinh-ve-xay-dung-quan-ly-va-su-dung-he-thong-thong-tin-ve-nha-o-va-thi-truong-bat-dong-san-198989.html

3. Trang thông tin điện tử Tin tức pháp luật thuộc Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tại địa chỉ website: 

https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/thoi-su-phap-luat/cac-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-82022-xu-phat-hanh-chinh-trong-linh-vuc-moi-truong-noi-dung-26055.html; https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thong-bao-van-ban-moi/chinh-sach/41750/chinh-sach-moi-noi-bat-co-hieu-luc-tu-dau-thang-08-2022

4. Website Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương (VITIC): https://vinanet.vn/van-ban-phap-luat/thong-tu-so-042022tt-nhnn-quy-dinh-moi-ve-lai-suat-rut-truoc-han-tien-gui-758953.html

       Trên đây là nội dung Đề cương sinh hoạt “Ngày Pháp luật” tháng 8 năm 2022 của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện./.

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập110
  • Hôm nay3,277
  • Tháng hiện tại127,356
  • Tổng lượt truy cập15,859,137
Nông thôn mới
Thủ tục hành chính
Văn bản mới ban hành
Người Việt dùng hàng Việt
Tìm hài cốt liệt sĩ
Thông tin người phát ngôn
bank
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây