Giới thiệu các đề cương tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Thứ hai - 10/02/2014 15:594.1680
Nhằm giúp cho các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, quý độc giả thuận lợi trong việc nghiên cứu, nắm bắt các văn bản pháp luật mới, nhất là phục vụ cho công tác tuyên truyền hàng tháng trong Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện sẽ cung cấp, giới thiệu đề cương tuyên truyền pháp luật hàng tháng trên Trang thông tin điện tử huyện, tại chuyên mục Tuyên truyền – Phổ biến pháp luật.
Quý vị có thể truy cập vào địa chỉ: http://www.locninh.gov.vn http://www.locninh.gov.vn để được cung cấp.
Sau đây là : ĐỀ CƯƠNG TRIỂN KHAI NGÀY PHÁP LUẬT THÁNG 1/2014:
“MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA HIẾP PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NĂM 2013”
Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam vừa được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 biểu quyết thông qua ngày 28-11-2013 với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội tán thành; được coi là sự kiện có tính chất lịch sử, đánh dấu thời kỳ mới của đất nước ta trong quá trình hội nhập và phát triển. Nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung và lần đầu tiên được hiến định trong Hiến pháp được đánh giá là vô cùng quan trọng, mở đường cho nhiều thay đổi mới, mang tính đột phá.
(1) Về chế độ chính trị: Hiến pháp khẳng định Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đồng thời, lần đầu tiên khẳng định trong Hiến pháp "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Việc khẳng định cơ quan nào là cơ quan lập pháp, cơ quan nào là cơ quan hành pháp, cơ quan nào là cơ quan tư pháp cũng lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến pháp sửa đổi 2013. Bên cạnh đó, Điều 4 Hiến pháp còn bổ sung một điểm mới rất quan trọng về trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trước những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, Điều 6 Hiến pháp khẳng định Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân mà còn thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Lần đầu tiên chữ Nhân dân được viết hoa trong Hiến pháp của nước ta.
(2) Về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân: Là một chương được đánh giá là có nhiều nội dung mới, được sửa đổi khá chi tiết, từ việc thay đổi vị trí Chương đến việc quy định mang tính nguyên tắc về những quyền chung, cơ bản của con người, công dân. Đặc biệt, Hiến pháp mới bổ sung những trường hợp có thể hạn chế quyền con người trong trường hợp cần thiết do Luật định; bổ sung một số quyền mới của con người, công dân như quyền sống, quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, xác định dân tộc, sống trong môi trường trong lành…; tách quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân thành một điều riêng để khẳng định tầm quan trọng của quyền này; khẳng định rõ nguyên tắc suy đoán vô tội trong Hiến pháp: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật"…
(3) Về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường: Hiến pháp mới khẳng định mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sửa đổi và bổ sung các chế định về hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, các loại hình kinh tế, tôn trọng đa dạng hình thức sở hữu, bảo hộ sở hữu tư nhân, ccs quyền tài sản và sở hữu trí tuệ; quyền kinh tế được xác lập và thực hiện cùng với quyền của mọi công dân (quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tư nhân…).
(4) Về tổ chức bộ máy nhà nước: Đối với Quốc hội, Hiến pháp tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam nhưng đã không xác định Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Đồng thời, trong việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chính sách quốc gia, Quốc hội chỉ quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội; quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ.
Đối với thiết chế Chủ tịch nước, Hiến pháp mới có nhiều bổ sung quan trọng về thẩm quyền của Chủ tịch nước, tương xứng với vị trí là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, như quyền quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán các Tòa án khác...
Đối với Chính phủ, Hiến pháp mới bổ sung Chính phủ "là cơ quan thực hiện quyền hành pháp"; chuyển thẩm quyền trình Quốc hội quyết định về tổ chức các bộ, cơ quan ngang bộ từ Thủ tướng Chính phủ sang Chính phủ; chuyển quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh từ Chính phủ sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Đối với Tòa án nhân dân Hiến pháp mới không những quy định Tòa án là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam mà còn khẳng định "thực hiện quyền tư pháp"; quy định một số nguyên tắc mới trong tổ chức và hoạt động thực hiện quyền tư pháp của Tòa án như nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo; chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo…
Đối với Viện kiểm sát nhân dân, Hiến pháp mới đã nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, sau đó mới bảo vệ chế độ XHCN, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, coi con người là chủ thể quan trọng, nguồn lực chủ yếu trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đối với chính quyền địa phương: Đây là một trong những nội dung mới, được dư luận đặc biệt quan tâm trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp vừa qua. Việc đổi tên chương từ Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành Chính quyền địa phương cùng với những thay đổi cụ thể về vị trí, tính chất, nhiệm vụ của Chính quyền địa phương trong từng điều khoản cho thấy Hiến pháp mới đã nhấn mạnh tính tự quản rất cao của chính quyền địa phương; thực sự đổi mới mô hình tổ chức, tạo không gian tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho chính quyền địa phương; góp phần khẳng định rõ nét hơn vị trí của chính quyền địa phương trong hệ thống hành chính thống nhất thông suốt của đất nước.
Ngoài ra, thiết chế Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước là 2 thiết chế hoàn toàn mới trong Hiến pháp, đều do Quốc hội thành lập. Việc hiến định các thiết chế này trong Hiến pháp cho thấy các nhà lập hiến mong muốn sẽ khắc phục những hạn chế của công tác bầu cử trong thời gian qua, chuyên nghiệp hóa hoạt động tổ chức bầu cử trong thời gian tới; phát triển kiểm toán nhà nước thực sự trở thành công cụ quan trọng và đủ mạnh của nhà nước thực hiện kiểm tra, kiểm kê, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản quốc gia./.
Trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả. Giới thiệu: Phòng Tư pháp huyện Lộc Ninh