Cảm nghĩ về cuộc vận đọng “học tập và làmtheo tấm gương đạo đức HCM
Năm nay là năm thứ 3 chúng ta thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị phát động. Theo tôi nghĩ cuộc vận động đang ngày càng có sức lan toả rộng lớn, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như hành động trong đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chúng ta thường nghĩ đến việc học tập lòng yêu nước, thương dân bao la của Bác, nghĩ đến và làm theo những lời dạy: “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”; “phải có chính trị trước rồi có chuyên môn”; “chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng... Đức phải có trước tài”; “cũng như sông thì có nguồn mới có nước. Không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc, thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức. Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân...”.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có rất nhiều tấm gương phấn đấu quên mình cho sự nghiệp cách mạng; biết lo cho dân, sâu sát gần gũi học hỏi nhân dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, đồng thời làm cho dân hiểu, dân tin; họ sống giản dị, khiêm tốn, chính trực, vượt qua những cám dỗ, ham muốn tầm thường về vật chất cũng như danh vị, chức, quyền... xứng đáng với sự tin cậy yêu mến của nhân dân. Mặc dù vậy, trong điều kiện mới hiện nay, trước tác động của cơ chế kinh tế thị trường, bên cạnh đại bộ phận cán bộ, đảng viên thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, hết lòng vì nước vì dân thì vẫn còn đó một số ít cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, xa rời lý tưởng cách mạng, trung bình chủ nghĩa, nói không đi đôi với làm, cửa quyền hách dịch với nhân dân, xa rời quần chúng. Trong khi bản thân gánh trách nhiệm là “công bộc” của nhân dân nhưng lại không thực hiện đúng nghĩa từ “công bộc” như nội dung Bác Hồ đã dặn dò; vô tình “quên” hay cố tình “không nhớ” trách nhiệm đó, để thản nhiên, dửng dưng, lãnh đạm, vô cảm trước mồ hôi, nước mắt của nhân dân? Sự biến chất của một số cán bộ, đảng viên đang trở thành căn bệnh trầm kha, gây mất lòng tin trong nhân dân, gây tổn hại uy tín của Đảng và Nhà nước.
Vì vậy, tôi suy nghĩ Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị số 06, tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một “chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Hơn lúc nào hết chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cuộc vận động bằng nhiều nội dung phong phú và thiết thực. Để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần nghiêm túc phê và tự phê bình, chống thói quan liêu, chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quyết tâm xây dựng nếp sống đẹp, sống giản dị, chân thành, khiêm tốn, nói phải đi đôi với làm. Phải ra sức học tập, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, phát huy truyền thống yêu nước, hết lòng vì nhân dân phục vụ.
Trong xu thế hội nhập kinh tế, quốc tế hiện nay, mọi người chúng ta càng phải không ngừng học tập theo đạo đức và lối sống của Bác. Mỗi đơn vị, cá nhân cần đưa ra những chương trình hành động cách mạng, những ý tưởng, sáng kiến làm theo lời Bác gắn với chất lượng, hiệu quả trong quá trình thực hiện. Đồng thời nên đặc biệt quan tâm phát hiện, biểu dương khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến người tốt, việc tốt, những nét đẹp đời thường, nét đẹp trong cuộc sống hàng ngày để nhân rộng góp phần làm cho cả dân tộc Việt Nam ta trở thành một rừng hoa đẹp.
Sinh thời Bác Hồ thường dẫn câu nói: “Một tấm gương sáng còn hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Thiết nghĩ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải chỉ là những lời nói, những lý luận một chiều mà việc tu dưỡng đạo đức này phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn trong sinh hoạt, học tập, lao động, trong các mối quan hệ từ gia đình đến xã hội, từ quan hệ bạn bè, đồng chí, anh em đến quan hệ tập thể, giữa cấp trên với cấp dưới, với Đảng, với nhân dân … đó mới chính là điều ý nghĩa nhất thể hiện sự biết ơn và ngưỡng vọng vô hạn của mình đối với tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác.