Đề cương sinh hoạt “Ngày pháp luật” tháng 02/2020: Triển khai một số điểm mới của Luật Sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Thứ ba - 18/02/2020 09:26 1.182 0
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được thông qua tại Kì họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV ngày 25/11/2019.

   1/ Công chức nghỉ hưu có thể bị kỉ luật “xóa tư cách chức vụ”

  Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Sửa đổi lần này là việc bổ sung thêm 01 hình thức xử lí kỉ luật đối với cán bộ, công chức. Đặc biệt nhấn mạnh việc sau khi đã nghỉ việc, nghỉ hưu, cán bộ, công chức vẫn có thể bị xử lí bằng hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”.

  Theo đó, tại Khoản 7, Điều 1 Luật này nêu rõ, sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy vào tính chất, mức độ sẽ phải chịu một trong các hình thức xử lí kỉ luật là: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Đặc biệt, việc xử lí kỉ luật này gắn với hệ quả pháp lí tương ứng của hành vi vi phạm. Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng nói rõ, cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu trước có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01/7/2020 cũng được thực hiện theo quy định của Luật này.

   Quy định này cũng thống nhất và đồng bộ với những văn bản quy phạm pháp luật khác như Quy định số 102-QĐ/TW của BCH Trung ương Đảng và Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành…
 

   2/ Chính thức bỏ chế độ “biên chế suốt đời” với viên chức

   Không chỉ tác động mạnh mẽ đến cán bộ, công chức mà dự án Luật này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến viên chức. Một trong số đó là quy định về 02 loại hợp đồng làm việc. Theo đó, viên chức vẫn thực hiện 02 loại hợp đồng là không xác định thời hạn và xác định thời hạn.

   Đối với hợp đồng không xác định thời hạn hay còn gọi là “chế độ biên chế suốt đời” của viên chức sẽ không còn được áp dụng với các đối tượng mới được tuyển dụng từ ngày 01/7/2020.

   Như vậy, căn cứ Khoản 2, Điều 2 sửa đổi, bổ sung Điều 25, Luật Viên chức hiện hành, việc thực hiện hợp đồng loại không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp:

   - Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;
   - Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;
   - Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Có thể thấy quy định này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như đồng bộ với những văn bản khác về công tác cán bộ hiện nay.
 

   3/ Cán bộ, công chức tham nhũng đương nhiên bị buộc thôi việc

   Để thống nhất về việc xử lí người có hành vi tham nhũng nêu tại Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật Sửa đổi lần này đã bổ sung thêm quy định về việc xử lí cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng.
Theo đó, cán bộ, công chức sẽ bị buộc thôi việc trong 02 trường hợp:

   - Bị kết án phạt tù mà không được hưởng án treo;
   -  Bị kết án về tội phạm tham nhũng;
   Như vậy, có thể thấy, việc bổ sung quy định này là hoàn toàn hợp lí. Nó không chỉ thống nhất các quy định của pháp luật mà còn giúp công tác phòng, chống tham nhũng được nghiêm minh hơn.
Ngoài ra, cũng bổ sung thêm quy định về hình thức hạ bậc lương với công chức. Theo đó, việc hạ bậc lương chỉ áp dụng với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lí (trước đây không có quy định về điều này).
 

   4/ Kéo dài thời hạn hợp đồng làm việc của viên chức lên 60 tháng

   Theo đó, Luật Sửa đổi sẽ nâng thời hạn thực hiện hợp đồng xác định thời hạn của viên chức từ 36 tháng như quy định hiện nay lên 60 tháng.
  Trong đó, hợp đồng xác định thời hạn là loại hợp đồng mà hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, áp dụng với những người mới trúng tuyển viên chức.
   Đặc biệt: Trước khi hết hạn 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải kí tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng với viên chức. Trong đó, nếu viên chức đáp ứng đầu đủ các yêu cầu và đơn vị còn nhu cầu thì bắt buộc phải kí tiếp hợp đồng. Ngược lại, nếu từ chối thì phải có văn bản nêu rõ lí do vì sao.
Có thể thấy, việc kéo dài thời hạn này tạo điều kiện cho viên chức được làm quen và phát huy được khả năng của mình trong công việc.
 

   5/ Thêm trường hợp được tuyển dụng vào công chức

   Điều 37 Luật Cán bộ, công chức hiện nay quy định việc tuyển dụng công chức được thực hiện qua hình thức thi tuyển. Trong đó, chỉ nêu 01 trường hợp duy nhất được xét tuyển là người có phẩm chất, trình độ và năng lực, cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo...
Trong khi đó, khi Luật Sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thì ngoài thi tuyển, Luật còn bổ sung thêm hình thức xét tuyển với các trường hợp:
    - Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng;
   - Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương cử đi học.
   Người đứng đầu cơ quan quản lí công chức còn có thể tiếp nhận các trường hợp:
   - Viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập;
    - Cán bộ, công chức cấp xã;
   - Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân; người làm công tác cơ yếu nhưng không phải là công chức;
   - Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lí với người đang là Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong doanh nghiệp Nhà nước,…
   - Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.
 

   6/ Nới lỏng điều kiện xem xét viên chức nghỉ hưu

   Liên quan đến việc xem xét nghỉ hưu của viên chức, Luật mới sửa đổi nhiều quy định theo hướng mở hơn.
   - Nếu như trước đây, Luật Viên chức hiện hành nêu rõ, sẽ không giải quyết nghỉ hưu cho viên chức đang trong thời hạn xử lí kỉ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì Luật mới đã loại bỏ nội dung “không giải quyết nghỉ hưu” ra khỏi điều luật.
   - Khi viên chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo vẫn có thể được bổ nhiệm lại nhưng không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng. Trong khi, hiện nay đang quy định “không bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng.
    Như vậy, khi đang trong thời hạn xử lí kỉ luật, viên chức vẫn được xem xét giải quyết nghỉ hưu và trong thời hạn 12 tháng vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn.
 

   7/ Công khai kết quả đánh giá cán bộ, công chức ở nơi làm việc

    Theo đó, căn cứ vào kết quả đánh giá cán bộ, công chức vẫn được phân loại thành 04 mức. Tuy nhiên, mức “hoàn thành nhiệm vụ (Theo khoản 3 Điều 1 sửa đổi Điều 29 Luật Cán bộ, công chức).
   Kết quả này được lưu vào hồ sơ cán bộ, công chức, thông báo đến người được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đối tượng này công tác
    Như vậy, có thể thấy việc đánh giá cán bộ, công chức hoàn toàn phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, được thực hiện một cách công khai, minh bạch.
 

    8/ Đánh giá viên chức thông qua công việc, sản phẩm cụ thể

    Nếu như trước đây, Điều 41 Luật Viên chức nêu rõ, việc đánh giá viên chức chỉ được xem xét ở kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã kí kết; thái độ phục vụ nhân dân… thì nay đã được quy định rõ theo từng công việc, sản phẩm cụ thể.
    Đồng thời, mỗi ngành nghề lại có đặc thù riêng nên sẽ áp dụng một tiêu chuẩn với nội dung khác nhau khi đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ.
    Do đó, với quy định đánh giá viên chức dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với vị trí việc làm và thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể đã tạo sự rõ ràng, thuận lợi hơn…
 

   9/ Bốn trường hợp công chức không áp dụng thời hiệu xử lí kỉ luật

   Luật sửa đổi đã kéo dài thời hiệu cụ thể:
   - 02 năm nếu bị kỉ luật khiển trách;
   - 05 năm với các hành vi không thuộc trường hợp bị khiển trách.
Đặc biệt, Luật Sửa đổi còn bổ sung 04 hành vi không áp dụng thời hiệu xử lí như:
   - Cán bộ, công chức là đảng viên vi phạm đến mức bị kỉ luật khai trừ;
   - Vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
   - Xâm hại lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
   - Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Có thể thấy, những hành vi này vô cùng nghiêm trọng do đó việc không áp dụng thời hiệu xử lí là quy định hoàn toàn phù hợp.
Đồng thời, dự án Luật này cũng kéo dài thời hạn xử lí kỉ luật với cán bộ, công chức:
   - Thời hạn xử lí kỉ luật không quá 90 ngày;
   - Nếu vụ việc có tình tiết phức tạp cần phải thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2020./.
   (Phòng Tư pháp huyện Lộc Ninh sưu tầm và biên soạn từ Trang điện tử Luật VietNam ra ngày 31/12/2019).

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 9 đánh giá

Xếp hạng: 1.1 - 9 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập120
  • Hôm nay2,531
  • Tháng hiện tại163,834
  • Tổng lượt truy cập16,296,007
Nông thôn mới
Thủ tục hành chính
Văn bản mới ban hành
Người Việt dùng hàng Việt
Tìm hài cốt liệt sĩ
Thông tin người phát ngôn
bank
QC Bên trai 1
QC Bên PHAI 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây