1. Nguồn gốc ra đời của Ngày Pháp luật
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng công cụ pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Ngày 09 tháng 11 năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành và đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam. Hiến pháp 1946 đã thấm nhuần, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Xuất phát từ tư tưởng của Người nên các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 thì những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.
Trên thế giới hiện có nhiều nước tổ chức Ngày Pháp luật hay Ngày Hiến pháp như một ngày hội để “thượng tôn pháp luật”, tôn vinh Hiến pháp – đạo luật gốc của mỗi quốc gia. Hiện nay có hơn 40 quốc gia lấy ngày ký, ban hành hoặc thông qua Hiến pháp để hằng năm tổ chức kỷ niệm “Ngày Hiến pháp” của đất nước mình. Trước khi Ngày Pháp luật được cụ thể hóa trong luật, các hoạt động của Ngày Pháp luật đã được Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ triển khai từ ngày 04 tháng 10 năm 2010, thông qua Công văn số 3535/HĐPH của Hội đồng gửi Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương. Thực hiện Ngày Pháp luật cũng chính là cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Tính đến ngày 31 tháng 5 tháng 2012, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 06 bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện mô hình này và qua đánh giá bước đầu cho thấy, việc thực hiện Ngày Pháp luật ở các địa phương, cơ quan đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Chính vì vậy, theo đề xuất của Chính phủ, ngày 09/11 - Ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật); đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012. Tại Điều 8 của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 quy định: “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Như vậy, sau quy định của Hiến pháp về ngày Quốc khánh, chúng ta có một đạo luật quy định về một sự kiện chính trị, pháp lý được tổ chức hằng năm - Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ngày 911 hằng năm.
2. Mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật
Theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật được tổ chức để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đồng thời tăng cường nhận thức cho mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật; là cơ hội để tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng thông qua những cách thức khác nhau. Những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội; hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.
Ngày Pháp luật khơi dậy trong mọi cá nhân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình khi tham gia vào các sinh hoạt của đời sống chính trị và đời sống xã hội. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.
3. Hưởng ứng tổ chức “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2020
3.1 Về nội dung:
- Lựa chọn nội dung pháp luật để thông tin, phổ biến thiết thực, phù hợp. Trong đó tập trung vào giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật.
- Tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật. Phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật lệch chuẩn xã hội.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong việc chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.
- Tuyên truyền những vấn đề dư luận người dân, xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, vấn đề nóng trong xã hội. Trọng tâm là các lĩnh vực: cải cách hành chính, lao động, khiếu nại, tố cáo, đất đai, an toàn thực phẩm; phòng, chống dịch bệnh; cháy nổ; giao thông đường bộ, biên giới, hải đảo; xử lý vi phạm hành chính…
3.2 Về hình thức:
- Phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng (đài, cổng/trang thông tin điện tử và hệ thống loa truyền thanh cơ sở; truyền thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội.
- Tổ chức mít ting hưởng ứng Ngày Pháp luật gắn với biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.
- Tuyên tuyền, phổ biến pháp luật thông qua các hội nghị, hội thảo, tư vấn pháp luật trực tiếp.
- Tổng kết, xây dựng, nhân rộng mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
- Thực hiện các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan về Ngày Pháp luật qua hệ thống áp phích, băng rôn, cờ phướn trên các tuyến đường QL13, các khu trung tâm. Tổ chức lồng ghép hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật tập trung tổ chức cao điểm trong các ngày, bắt đầu từ ngày 01-11 đến ngày 15-11-2020.
Thường trực Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật huyện xin gợi ý một số khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2020 để các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác thông tin, truyền thông trên các phương tiện trực quan, cụ thể như sau:
1. Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật;
2. Tích cực tìm hiểu pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật là trách nhiệm của mọi công dân;
3. Thượng tôn pháp luật góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả;
4. Cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật;
5. Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Ngoài những khẩu hiệu gợi ý nêu trên, trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan, đơn vị có thể nghiên cứu, lựa chọn những khẩu hiệu phù hợp với điều kiện đặc thù của cơ quan, đơn vị mình để hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2020./.
Nguồn: Trang thông tin điện tử quận Thủ Đức – TP.HCM