HIEN KE
sn bac

Đề cương sinh hoạt “Ngày pháp luật” tháng 02 năm 2022

Thứ tư - 26/01/2022 08:26 3.317 0
Chủ đề: Tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; một số chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 02/2022.
       Nội dung:
       I. Tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
   Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 58/BVHTTDL-VHCS ngày 07/01/2022 về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Tiếp đó, ngày 28/01/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công điện số 351/CĐ-BVHTTDL gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

     Qua đó, tại Công văn số 58/BVHTTDL-VHCS, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán; đảm bảo phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn theo tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 08/12/2021 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nhâm Dần 2022; Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

    Đồng thời tại Công điện số 351/CĐ-BVHTTDL, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

   - Chỉ đạo tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công văn số 58/BVHTTDL-VHCS ngày 07/01/2022 của Bộ VHTT&DL về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL ngày 18/10/2021 của Bộ VHTT&DL hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

     Đối với hoạt động lễ hội truyền thống: Không tổ chức các hoạt động hội, chỉ tổ chức phần nghi lễ. UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động lễ hội trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

    - Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tại địa phương hướng dẫn các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm; yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

   - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của người dân; thường xuyên cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch khi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, tạo sự đồng thuận trong xã hội để người dân vui Xuân, đón Tết.

   - Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán đảm bảo phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tình hình dịch bệnh COVID-19 của từng địa phương.

   II. Một số chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 02/2022
   1. Điều chỉnh tiền lương, thu nhập đóng bảo hiểm xã hội năm 2022
  Mỗi năm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đều có mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Đây là hệ số giúp bù đắp lại sự mất giá của đồng tiền ở các thời điểm khác nhau, vì thế, còn được gọi là hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội. Theo Thông tư số 36/2021/TT-BLĐTBXH ngày 31/12/2021 có hiệu lực từ ngày 20/2/2022, hệ số trượt giá năm nay có sự tăng nhẹ. Cụ thể:

   - Giai đoạn đóng BHXH trước năm 1995: Tăng 0,09.
   - Giai đoạn đóng BHXH năm 1995: Tăng 0,08.
   - Giai đoạn đóng BHXH từ năm 1996-1999: Tăng 0,07.
   - Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2000-2003: Tăng 0,06.
   - Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2004-2007: Tăng 0,05.
   - Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2008-2009: Tăng 0,04. Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2010 - 2013: Tăng 0,03.
   - Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2014-2020: Tăng 0,02. 

   Hệ số trượt giá BHXH năm 2022 “nhích nhẹ” so với năm 2021 khiến mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động cũng sẽ tăng. Nhờ đó, các khoản tiền được tính dựa trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động cũng tăng theo, trong đó có tiền bảo hiểm xã hội một lần, tiền lương hưu hàng tháng, tiền trợ cấp tuất một lần, …

   2. Được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng
  Từ 15/02/2022, Nghị định số 134/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực thi hành.

   Theo đó, người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng. Cá nhân này cũng phải được xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác theo quy định của pháp luật.

   Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cũng phải hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

   Vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (quy định trước đây là từ trên 5 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).

   3. Quy định miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng
Có hiệu lực từ ngày 15/02/2022, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ về nhà ở bằng nhiều hình thức cho người có công với cách mạng như thương binh, bệnh binh, … Cụ thể:

   - Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng.

   Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

    - Những người có công với cách mạng sẽ được hỗ trợ về nhà ở bằng các hình thức: Hỗ trợ khi thuê nhà ở xã hội, nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước; Hỗ trợ khi mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (không bao gồm tiền sử dụng đất); Hỗ trợ giải quyết cho mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; Hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng. Việc hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
    4. Yêu cầu khi tham gia phiên tòa trực tuyến
Thông tư số liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên tịch Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến chính thức có hiệu lực từ ngày 01/02/2022, cụ thể như sau:

   - Tuân thủ quy định nội quy phòng xử án.
   - Luôn để thiết bị điện tử ở trạng thái mở camera và bật âm thanh micro; khi được yêu cầu thì mới phát biểu.
   - Không được tạo các tạp âm khác trong khi thiết bị điện tử đang để chế độ mở tiếng, gây ảnh hưởng đến phiên tòa.
  - Người tham gia phiên tòa phải mặc trang phục nghiêm chỉnh; không đứng dậy hay rời đi trong thời gian xét xử khi chưa được chủ tọa phiên tòa cho phép; không chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh, phát tán tài liệu hoặc phát tán thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến, phát trực tiếp phiên tòa trên không gian mạng.
   - Đương sự, bị hại, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị hại tham gia phiên tòa trực tuyến phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân (như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý) để đối chiếu.
Trường hợp đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thì người được ủy quyền còn phải xuất trình văn bản ủy quyền.

   Theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội, từ ngày 01/01/2022, Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến trong một số trường hợp được quy định tại Nghị quyết.

   5. Người lao động thời vụ được làm thêm đến 40 giờ mỗi tháng
  Từ 01/02/2022, Thông tư số 18/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 của Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng sẽ có hiệu lực.

   Theo đó, thay vì 32 giờ, số giờ làm thêm của người lao động thời vụ tăng lên 40 mỗi tháng. Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần cũng tăng lên 72 một tuần (trước đây là 60). Tổng giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm trong một ngày không quá 12.

   Hàng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hàng tuần thì phải bảo đảm hàng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho người lao động. Chủ sử dụng phải bố trí để người lao động được nghỉ ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác...

    6. Giảm thuế VAT xuống 8%
Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện từ 01/02/2022 đến hết 31/12/2022
.

   Theo đó, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10% sẽ được giảm 2% trong năm 2022, xuống còn 8%. Việc giảm thuế VAT sẽ không áp dụng cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

   Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng quy định trên. Thuế VAT được giảm trực tiếp ngay khi xuất hóa đơn.

   Bên cạnh chính sách giảm VAT, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP cũng cho phép tính khoản chi ủng hộ, tài trợ phòng chống dịch Covid-19 vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022. Dự kiến, ngân sách nhà nước năm 2022 giảm thu 51.400 tỷ đồng, chủ yếu do giảm 49.400 tỷ đồng từ việc hạ VAT, còn lại là phần khấu trừ chi phí tính vào thuế thu nhập doanh nghiệp.

   7. Quy định mới về xuất xứ hàng hóa
   Từ ngày 15/02/2022, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa có hiệu lực thi hành.

   Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 về xuất xứ hàng hóa. Theo đó tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình. Việc này phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

   Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

   Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

    Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.

   8. Bốn hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi
   Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ có hiệu lực từ ngày 02/02/2022.
Thông tư số quy định rõ 04 hình thức xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi, bao gồm:

   1- Khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn: Khắc phục lỗi của sản phẩm áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có thể xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm thực phẩm an toàn; khắc phục lỗi ghi nhãn áp dụng đối với trường hợp thực phẩm ghi nhãn chưa đúng theo quy định.

   2- Chuyển mục đích sử dụng: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, không được sử dụng làm thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào mục đích khác sau khi xử lý phù hợp.

   3- Tái xuất: Áp dụng đối với các trường hợp thực phẩm nhập khẩu không bảo đảm an toàn và thuộc diện tái xuất theo quy định pháp luật.

    4- Tiêu hủy: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố, quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất.

   Sau khi hoàn thành việc tiêu hủy thực phẩm, chủ cơ sở phải báo cáo bằng văn bản về việc tiêu hủy thực phẩm ghi rõ tên, số lượng, thời gian đã hoàn thành việc tiêu hủy, địa điểm tiêu hủy, kèm theo biên bản tiêu hủy thực phẩm có xác nhận của tổ chức thực hiện tiêu hủy đến cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm hoặc cơ quan ra quyết định thu hồi thực phẩm.

Nguồn: Sưu tầm và biên tập từ:
1. Trang thông tin điện tử Báo Điện tử Chính phủ tại địa chỉ website:
https://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-2-2022-10222 0128143702941.htm
2. Trang thông tin điện tử Kênh thông tin của Chính phủ do TTXVN phát hành tại địa chỉ website:
https://baotintuc.vn/chinh-sach-moi/nhungchinh-sach-moi-se-co-hieu-luc-tu-thang- 22022-20220127103710723.htm
3. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Phước tại địa chỉ website:
https://binhphuoc.gov.vn/vi/news/tin-tuc-su-kien-421/tang-cuong-cac-bien-phap-bao-dam-don-tet-nguyen-dan-trong-hoat-dong-van-hoa-the-thao-va-du-lich-27162.html
4. Trang thông tin điện tử Tin tức pháp luật thuộc Công ty Thư viện Pháp luật tại địa chỉ website:
            https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thong-bao-van-ban-moi/chinh-sach/39239/chinh-sach-moi-noi-bat-co-hieu-luc-tu-dau-thang-02-2022

     Trên đây là nội dung Đề cương sinh hoạt “Ngày Pháp luật” tháng 02 năm 2022 của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện./.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 9 đánh giá

Xếp hạng: 1.1 - 9 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập52
  • Hôm nay1,759
  • Tháng hiện tại165,010
  • Tổng lượt truy cập16,094,936
Nông thôn mới
Thủ tục hành chính
Văn bản mới ban hành
Người Việt dùng hàng Việt
Tìm hài cốt liệt sĩ
Thông tin người phát ngôn
bank
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây