Hiện nay, Lộc Ninh có khoảng 3.559 ha diện tích đất trồng tiêu, năng suất đạt 3 đến 4 tấn/ha, chiếm gần 40% diện tích và chiếm 50% sản lượng tiêu trên toàn tỉnh. Với giá tiêu đang ổn định ở mức cao như hiện nay, nhiều hộ nông dân đang phát triển tự phát, diện tích hồ tiêu ở Lộc Ninh dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh là việc làm cần thiết, đã và đang có nhiều hộ nông dân trồng tiêu cũng như các ngành chức năng quan tâm, trăn trở từ nhiều năm nay. Xây dựng “Nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh” sẽ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm, bảo đảm việc xúc tiến thương mại có hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm Hồ tiêu Lộc Ninh, bảo tồn các giống tiêu truyền thống của địa phương, có chất lượng và đặc trưng riêng. Đồng thời, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo quyền và lợi chính đáng của các hộ sản xuất kinh doanh hồ tiêu trên địa bàn huyện.
Thực hiện Quyết định số 940/QĐ-UBND ngày 09/5/2012 của UBND tỉnh Bình Phước về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh – Bình Phước;thực hiện Công văn số 2081/UBND-KTTH ngày 27/6/2012 của UBND tỉnh Bình Phước về việc thuận chủ trương sử dụng địa danh để xây dựng nhãn hiệu tập thể hồ tiêu; thực hiện Công văn số 4154/UBND-KTTH ngày 28/11/2012 của UBND tỉnh Bình Phước về việc thuận chủ trương cho Hội Nông dân huyện Lộc Ninh đứng đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh; Thông báo số 197/TB-UBND ngày 10/12/2012 của UBND huyện Lộc Ninh về kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Thị Bích Lệ tại cuộc họp thống nhất một số vấn đề trong việc xây dựng nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh; được sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch và Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học – Công nghệ tỉnh Bình Phước, trong thời gian qua, Hội Nông dân huyện phối hợp với UBND huyện Lộc Ninh đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến và chọn lôgô nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành của huyện, cán bộ các cấp Hội Nông dân và môt số hộ trồng tiêu tiêu biểu trên địa bàn huyện; Hội Nông dân huyện đã thực hiện hoàn tất hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh” gửi Cục sở hữu Trí tuệ phê duyệt. Đến nay đã được Cục sở hữu Trí tuệ gửi phiếu chấp thuận hồ sơ hợp lệ và đang tiến hành xem xét để công nhận “Nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh”, dự kiến đến đầu năm 2014 sẽ có kết quả. Trên cơ sở đó, Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch và Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học – Công nghệ tỉnh Bình Phước tiến hành các bước tiếp theo trong việc xây dựng nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh.
Trong quá trình thực hiện, Ban Thường vụ Huyện hội đã chỉ đạo Hội Nông dân các cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương chọn được 16 hộ trồng tiêu thật sự tiêu biểu, có diện tích trồng tiêu lớn, có khả năng về tài chính, có kiến thức, có uy tín, tâm huyết với nghề trồng tiêu để tham gia Ban vận động thành lập Hiệp hội Hồ tiêu Lộc Ninh, đây là những thành viên nòng cốt để đảm bảo cho Hiệp hội hoạt động tốt ngay sau khi được thành lập. Tháng 8/2013, Ban Thường vụ Huyện hội trực tiếp đến thăm hỏi, nắm bắt tình hình trồng tiêu đối với từng hộ gia đình này, trao đổi thông tin để hộ gia đình nắm, hiểu rõ về sự cần thiết trong việc xây dựng “Nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh”.
Nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc xây dựng “Nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh”, trong tháng 10 và tháng 11 năm 2013, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học – Công nghệ tỉnh Bình Phước đã triển khai tổ chức được 16 lớp tập huấn xây dựng “Nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh” cho gần 1.000 cán bộ, hội viên, nông dân 16/16 xã, thị trấn tham gia. Tại các buổi tập huấn, cán bộ, hội viên, nông dân của huyện được nghe đồng chí Lê Hữu Hòa – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học – Công nghệ tỉnh trình bày về dự thảo quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh với các nội dung như: Những quy định chung về quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh, điều kiện về sử dụng nhãn hiệu tập thể, các tiêu chuẩn để sản phẩm hạt tiêu được mang nhãn hiệu tập thể, cách quản lý việc sử dụng nhãn hiệu tập thể; quyền và nghĩa vụ của Hội Nông dân huyện Lộc Ninh, tổ chức và cá nhân sử dụng nhãn hiệu tập thể. Qua các buổi tập huấn, hội viên còn được trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc trồng, chăm sóc và bảo quản cây tiêu đạt hiệu quả, cách bón phân, phòng trừ các loại sâu bệnh… đồng thời, các hộ được giải bày những băn khoăn, trăn trở của hội viên trong việc xây dựng “Nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh”. Nhìn chung sau các buổi tập huấn, cán bộ, hội viên, nông dân đã nhận thức được việc cấp thiết phải tiến hành việc đăng ký, xây dựng, bảo vệ thương hiệu Hồ tiêu Lộc Ninh, rất phấn khởi và tin tưởng khi được biết huyện nhà đang xúc tiến việc xây dựng thương hiệu hồ tiêu và hứa quyết tâm thực hiện theo đúng các quy định khi được tham gia Hiệp hội.
Tuy nhiên, việc đăng ký, xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh vẫn còn gặp không ít khó khăn do đây là lần đầu tiên huyện thực hiện việc xây dựng thương hiệu cho nông sản trên địa bàn huyện, vì vậy cũng còn những lúng túng, như: việc xây dựng kế hoạch và hoạt động của Hiệp hội làm sao cho thật sự hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể; một số hộ nông dân cũng còn có tâm lý e ngại, băn khoăn sợ giá cả cũng như đầu ra của sản phẩm khi có thương hiệu cũng không khác gì so với những hộ sản xuất bình thường khác, nông dân chủ yếu sản xuất truyền thống, khi tham gia Hiệp hội đói hỏi phải nâng cao quy trình chất lượng cũng như tiêu chuẩn trong việc chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, tiếp cận khách hàng… để không bị thương lái ép giá, để khẳng định sản phẩm của mình. Vì vậy nông dân rất mong muốn các ngành, cơ quan chức năng nhanh có hướng dẫn về quy trình kỹ thuật canh tác, tăng cường hơn nữa cho công tác quảng bá thương hiệu, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho Hồ tiêu Lộc Ninh là điều quan trọng nhất./.