Tại điểm cầu tỉnh Bình Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Thị Hằng chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
Tại Hội nghị, sau phần phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các đại biểu tham dự và các điểm cầu được nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX; nghe các tham luận trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực phi nông nghiệp; báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012; kinh nghiệm quốc tế về phát triển hợp tác xã và nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận quan trọng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao vai trò và những kết quả quan trọng, những thành tích nổi bật của các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã cùng các thành viên đạt được trong chặng đường 15 năm qua, đã góp phần khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong quá trình thực hiện.
Thủ tướng kết luận, chỉ đạo cần tiếp tục khẳng định quan điểm, định hướng nhất quán của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta như trong Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung năm 2011): “Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa sâu sắc, to lớn của phát triển kinh tế tập thể về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự; vai trò của kinh tế hợp tác đối với việc ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của xã viên, góp phần ổn định, bảo đảm công bằng xã hội. Đảng và Nhà nước mong muốn người dân liên kết, hợp tác sản xuất, tạo năng lực phát triển mới, vươn mạnh ra thị trường thế giới, được hưởng nhiều lợi ích văn hóa, tinh thần, an sinh xã hội, phát triển cộng đồng. Cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để phát huy hiệu quả sức mạnh hợp tác xã kiểu mới và các mô hình kinh tế tập thể.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải xác định phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Phát triển kinh tế tập thể phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia, phải tôn trọng giá trị, nguyên tắc hoạt động của các hợp tác xã, phù hợp điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước. Phải đề cao nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi” trong hoạt động hợp tác xã. Phải quan tâm phát triển, đánh giá toàn diện kinh tế tập thể về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường. Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012. Phải phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp trong vận động đoàn viên, hội viên, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế tập thể. Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã như đối với doanh nghiệp. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phải được củng cố, tầm nhìn là liên minh của tổ chức đại diện cho ba mươi triệu xã viên.
Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong việc xây dựng thể chế, chính sách; định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế hợp tác ngày càng phát triển. Tiếp tục nghiên cứu, khẩn trương đề xuất Chính phủ đề ra kế hoạch hành động khuyến khích các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả.
Tại Hội nghị, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ./.