HIEN KE
sn bac

Đề cương sinh hoạt ngày pháp luật tháng 01 năm 2022

Thứ hai - 03/01/2022 14:15 2.091 0
Ngày đầu tiên của năm 2022, một số luật đã được Quốc hội thông qua và nhiều chính sách mới quan trọng chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó có nhiều luật có phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống, sinh hoạt và quyền lợi của người dân. Hội đồng Phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật huyện xây dựng đề cương sinh hoạt “Ngày Pháp luật” tháng 01 năm 2022 với chủ đề “Những điểm mới nổi bật của một số Luật và chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2022” với nội dung như sau:
I. MỘT SỐ LUẬT VÀ CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT HƯỚNG DẪN THI HÀNH CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 01/2022

1. Luật số 66/2020/QH14 của Quốc hội ban hành ngày 11/11/2020: Luật Biên phòng Việt Nam
Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 thay thế Pháp lệnh Bộ đội biên phòng 1997 và có một số quy định mới nổi bật sau đây:

- Bổ sung chính sách Nhà nước về biên phòng;
- Về nhiệm vụ biên phòng và nguyên tắc thực thi;
- Bổ sung các trường hợp hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền như: xung đột vũ trang; xảy ra khủng bố; bắt cóc con tin; khi có đề nghị hoặc thông báo của Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của nước có chung đường biên giới về việc hạn chế hoặc tạm dừng qua lại biên giới (khoản 1 Điều 11);

- Bổ sung chính sách được ưu tiên giao đất ở khi có nhu cầu đối với Bộ đội biên phòng khi đáp ứng đủ điều kiện:
+ Có thời gian từ 05 năm trở lên;
+ Có nhu cầu chuyển gia đình đến định cư ổn định cuộc sống lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo
Hệ thống tổ chức của Bộ đội biên phòng (BĐBP) gồm có: Bộ Tư lệnh BĐBP; Bộ chỉ huy BĐBP cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP; Đồn Biên phòng, Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải đội Biên phòng (Điều 21).
Ngày 03/3 hàng năm là ngày truyền thống của BĐBP, Ngày Biên phòng toàn dân (Điều 23).

Chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với Bộ đội Biên phòng
Ngày 06/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 106/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực từ ngày 21/01/2022. Nghị định số này quy định chi tiết về hệ thống tổ chức; chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với Bộ đội Biên phòng; phối hợp giữa bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng.
Nghị định số nêu rõ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo có thời gian từ 5 năm trở lên nếu có nhu cầu chuyển gia đình đến định cư ổn định cuộc sống lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo được chính quyền địa phương nơi chuyển đến ưu tiên giao đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai; hỗ trợ về chỗ ở, nhà ở cho gia đình, việc làm cho vợ hoặc chồng của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng và được hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ngoài được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác trong Quân đội còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, hải đảo.

2. Luật số 67/2020/QH14 của Quốc hội ban hành ngày 13/11/2020: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính

So với Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có một số điểm mới nổi bật như sau:

- Sửa đổi nguyên tắc xử phạt hành chính (khoản 2 Điều 1)
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính (VPHC) hoặc VPHC nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi VPHC nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng (trước đây vừa quy định nguyên tắc một người thực hiện nhiều hành vi VPHC hoặc VPHC nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, vừa quy định VPHC nhiều lần là tình tiết tăng nặng).

- Tăng mức xử phạt VPHC tối đa đối với một số lĩnh vực như (điểm a khoản 10 Điều 1): Lĩnh vực giao thông đường bộ: mức phạt tối đa 75.000.000 đồng (Hiện hành là 40.000.000 đồng); Lĩnh vực báo chí: mức phạt tối đa 250.000.000 đồng (Hiện hành là 100.000.000 đồng).

- Bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt VPHC như: Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.

- Bổ sung quy định giảm, miễn tiền phạt cho đối tượng là tổ chức (hiện hành chỉ quy định cho cá nhân); đồng thời, giảm mức quy định được hoãn phạt tiền với cá nhân bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng xuống còn 2.000.000 đồng (khoản 37, 38 Điều 1).

- Bổ sung nhiều lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện VPHC tại Điều 64 như: phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia và lĩnh vực khác do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội (trước đây chỉ áp dụng với lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường).

- Thay đổi đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn và biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng tại Điều 90, 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, đơn cử như:

+ Biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn: Bãi bỏ đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định.

+ Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng: Bổ sung đối tượng là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật Hình sự.

Quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
Ngày 23/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, quy định về: Đối tượng bị xử phạt VPHC; quy định về VPHC và xử phạt VPHC; áp dụng quy định về xử phạt VPHC và quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý VPHC.

Theo đó, việc quy định hành vi VPHC phải bảo đảm các yêu cầu sau: Có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhà nước; hành vi VPHC phải được mô tả rõ ràng, đầy đủ, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn.

Hình thức xử phạt, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi VPHC và phải căn cứ vào các yếu tố sau: Tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm; đối với hành vi vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, thì phải quy định hình thức xử phạt cảnh cáo; mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; mức độ giáo dục, răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt.

3. Luật số 69/2020/QH14 của Quốc hội ban hành ngày 13/11/2020: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 có một số quy định mới nổi bật sau đây:

- Nghiêm cấm đưa người lao động Việt Nam hoặc người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với 09 công việc như công việc mát-xa tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí; công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ; công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập, … (Điều 7)

- Nghiêm cấm việc thu tiền môi giới của người lao động (trước đây người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định) (Điều 7)
- Có thể thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (trước đây quy định bắt buộc phải thông qua hợp đồng) (Điều 5).

- Không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần (điểm g khoản 1 Điều 6).

4. Luật số 72/2020/QH14 của Quốc hội ban hành ngày 17/11/2020: Luật Bảo vệ môi trường
Luật Bảo vệ môi trường 2020 thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2014 với một số điểm mới nổi bật sau đây:
- Hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác, không sử dụng bao bì đúng quy định có thể bị từ chối thu gom. Cụ thể: Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của HGĐ, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định (Điều 77)

(Trừ trường hợp HGĐ, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75).

Trước đây, theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP năm 2016, không phân loại rác có thể sẽ bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.

- Tính giá thu gom rác sinh hoạt theo khối lượng/thể tích (khoản 1 Điều 79). Theo đó, một trong những căn cứ để tính toán giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân là dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Trước khi Luật 2020 có hiệu lực thi hành, phí thu gom rác thải được tính theo cơ chế cào bằng, người xả nhiều hay xả ít cùng đều đóng phí như nhau. Điều này được cho là không công bằng và không tạo động lực để người dân hạn chế xả rác, góp phần bảo vệ môi trường. Kể từ ngày 01/01/2022, gia đình, cá nhân nào xả nhiều rác thì phải trả nhiều tiền.

- Quy định về hoạt động kiểm toán môi trường:
Là việc xem xét, đánh giá có hệ thống, toàn diện hiệu quả quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện kiểm toán môi trường.

- Các đối tượng được quy định phải có giấy phép bảo vệ môi trường:
+ Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.
+ Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định ở trên. (Điều 39)

5. Luật số 73/2021/QH14 của Quốc hội ban hành ngày 30/3/2021: Luật Phòng, chống ma túy
Một số điểm mới của Luật phòng, chống ma túy 2021 bao gồm:
- Nghiêm cấm việc kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy (Điều 5).
- 04 trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể:
+ Người bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
+ Người mà cơ quan, người có thẩm quyền có căn cứ cho rằng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;
+ Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản lý;
+ Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; đang cai nghiện ma túy; đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy (Điều 22)
- 04 trường hợp phải đi cai nghiện ma túy bắt buộc:
+ Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
+ Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
+ Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị do vi phạm quy định về điều trị nghiện;
+ Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.
(Luật phòng, chống ma túy 2000 quy định người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại cấp xã mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc)
- Ban hành quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
Ngày 04/12/2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, trong đó quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 01 năm, kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định quản lý.

Trong thời hạn quản lý, nếu người đang có quyết định quản lý bị phát hiện tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy mà không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 23 của Luật Phòng, chống ma túy thì Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền ra quyết định quản lý mới, trong đó xác định lại thời hạn quản lý là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định quản lý mới.

6. Luật số 01/2021/QH15 của Quốc hội ban hành ngày 12/11/2021: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê 2021 có những mới sau đây:

- Định kỳ 05 năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với bộ, ngành và địa phương rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước.

- Thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê 2015 bằng Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia mới được ban hành theo Luật Thống kê sửa đổi 2021.

- Phụ lục Danh mục mới có 21 nhóm với 230 chỉ tiêu và một số nội dung được bổ sung như:
+ Nhóm 01 (đất đai, dân số) được bổ sung chỉ tiêu: Số vụ ly hôn và tuổi ly hôn trung bình; Tỷ lệ đô thị hóa.
+ Nhóm 02 (Lao động, việc làm và bình đẳng giới) được bổ sung chỉ tiêu: Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức; Tỷ lệ người từ 05-17 tuổi tham gia lao động.

II. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH NỔI BẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 01/2022
1. Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong năm 2022
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động khó khăn do Covid-19 đã được Chính phủ ban hành năm 2021 và tiếp tục được áp dụng trong năm 2022, trong đó có nội dung về mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (xem chi tiết tại Phụ lục I, trang 10).

2. Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động
Thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo Bộ luật lao động 2019, năm 2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ tiếp tục được điều chỉnh tăng.

Cụ thể, năm 2022, lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 6 tháng, tăng 3 tháng so với tuổi nghỉ hưu quy định của năm 2021, lao động nữ được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi 8 tháng, tăng 4 tháng so với năm 2021.

Trong trường hợp sức khỏe suy giảm hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn 5-10 tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu hàng năm của người lao động nhằm tiến tới đến 2028, nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi.
(Xem chi tiết tại Phụ lục II, trang 12).

3. Điều chỉnh cách tính lương hưu với lao động nam
Về cơ bản, lương hưu năm 2022 vẫn được tính theo công thức sau:
Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Tuy nhiên, với lao động nam nghỉ hưu từ năm 2022 lại có sự điều chỉnh. Cụ thể: Tại khoản 2 Điều 56 Luật BHXH 2014 quy định: “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.”
Như vậy, theo quy định này thì từ năm 2022 trở đi, lao động nam phải đóng BHXH đủ 20 năm mới được tính tỷ lệ hưởng thấp nhất là 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (trong khi tỷ lệ ở lao động nữ chỉ là 15 năm đóng BHXH).
Để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% khi nghỉ hưu thì từ năm 2022, lao động nam phải có thời gian đóng BHXH từ đủ 35 năm trở lên.

4. Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Kể từ ngày 01/01/2022, mức lương hưu và mức trợ cấp của người lao động chính thức được tăng theo Nghị định số 108/NĐ-CP của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.

Mức tăng sẽ là 7,4% so với mức lương hưu, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội của tháng 12/2021 cho các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 108/2021/NĐ-CP, đơn cử như sau:

- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; Quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.

- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại các nghị định của Chính phủ: Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019, …

- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/8/2000 và Quyết định 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010, ...

Sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức tăng trên mà mức lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng, người nghỉ hưu trước năm 1995 còn được tăng thêm với với các mức cụ thể, gồm: Tăng 200.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống; hoặc tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.

5. Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu
Từ ngày 01/01/2022, sẽ điều chỉnh tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu do có sự điểu chỉnh về mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Cụ thể, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Trong đó, mức thu nhập tháng (Mtnt) do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.
Mtnt = CN + m x 50.000 (đồng/tháng)
Trong đó:
- CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng (đồng/tháng).
- m: Tham số tự nhiên có giá trị từ 0 đến n.

Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Từ ngày 01/01/2022, theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng/người/tháng, nên mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 có sự điều chỉnh.

Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất kể từ ngày 01/01/2022 là 330.000 đồng/tháng (22% x 1.500.000 đồng).

6. Thực hiện dân chủ trong thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của Công an nhân dân
Ngày 01/12/2021, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 117/2021/TT-BCA Quy định về thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của Công an nhân dân có hiệu lực từ ngày 15/1/2022.

Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ CAND trong công tác. Công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của CAND. Phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, chiến sĩ CAND khi thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng.

7. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới
Ngày 28/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Trong đó, Nghị định số quy định, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với cá nhân là 30 triệu đồng.

8. Xử phạt ôtô kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát
Bắt đầu từ ngày đầu tiên của năm mới 2022, ôtô không có camera giám sát sẽ bị xử phạt theo quy định trong Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ.
Quy định xử phạt này được áp dụng từ ngày 01/7/2021 theo Nghị định số 100/NĐ-CP của Chính phủ. Sau đó, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP tạm ngưng việc xử phạt nêu trên hết ngày 31/12/2021.
Do vậy, từ ngày 01/01/2022, ô tô kinh doanh vận tải gồm: taxi, xe khách, xe buýt, xe hợp đồng, … bắt buộc phải lắp camera giám sát, nếu không sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng.

9. Người dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online
Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Thông tư số 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; trong đó, bổ sung quy định: Tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.

10. Xăng điều chỉnh giá 10 ngày 1 lần
Có hiệu lực từ ngày 02/01/2022, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu.
Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào các ngày mùng 1, 11 và ngày 21 hàng tháng, tức là 10 ngày một lần. Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kì điều chỉnh tiếp theo.
Trước đây, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP quy định khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Việc rút ngắn khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá, xăng của Nghị định số 95/NĐ-CP nhằm tránh tình trạng tăng giá sốc, giảm giá chậm như hiện nay.

11. Quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công
Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ban hành ngày 11/11/2021 của Chính phủ Quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Nghị định này quy định chi tiết về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công cho dự án, công trình, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

Nguồn: Sưu tầm và biên tập từ:
1. Trang thông tin điện tử Tin tức pháp luật thuộc Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tại địa chỉ website: https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/38850/tong-hop-diem-moi-06-luat-co-hieu-luc-tu-ngay-01-01-2022;https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thong-bao-van-ban-moi/chinh-sach/38860/toan-bo-06-luat-co-hieu-luc-thi-hanh-tu-01-01-2022; https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/38862/04-chinh-sach-ve-lao-dong-tien-luong-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-01-2022.

2. Website Báo Điện tử Chính phủ: https://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-1-2022-102306492.htm

3. Website Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: https://dangcongsan.vn/thoi-su/mot-so-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-1-2022-601202.html

4. Website Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT): https://moit.gov.vn/tin-tuc/thong-bao/chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-1-2022.html

Trên đây là nội dung Đề cương sinh hoạt “Ngày Pháp luật” tháng 01 năm 2022 của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện./.

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 1.1 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập61
  • Hôm nay1,784
  • Tháng hiện tại165,035
  • Tổng lượt truy cập16,094,961
Nông thôn mới
Thủ tục hành chính
Văn bản mới ban hành
Người Việt dùng hàng Việt
Tìm hài cốt liệt sĩ
Thông tin người phát ngôn
bank
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây