Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Công an, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lộc Ninh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, lãnh đạo các ban Hội đồng nhân dân huyện, hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông Lộc Ninh, Lộc Hiệp, Lộc Thái, chủ tịch ủy ban nhân dân và cán bộ phụ trách tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo các xã, thị trấn đã tham dự Hội nghị. Ông Phạm Văn Thuấn - Phó Chánh Thanh tra tỉnh là Báo cáo viên triển khai Luật Tố cáo năm 2018.
Luật Tố cáo năm 2018 bao gồm 9 chương, 67 điều, trong đó Chương I: Những quy định chung, gồm 8 điều, từ Điều 1 đến Điều 8; Chương II: Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, gồm 3 điều, từ Điều 9 đến Điều 11; Chương III: Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, gồm 28 điều, từ Điều 12 đến Điều 40; Chương IV: Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, gồm 3 điều, từ Điều 41 đến Điều 43; Chương V: Trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, gồm 3 điều, từ Điều 44 đến Điều 46; Chương VI: Bảo vệ người tố cáo, gồm 12 điều, từ Điều 47 đến Điều 58; Chương VII: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo, gồm 3 điều, từ Điều 59 đến Điều 61; Chương VIII: Khen thưởng và xử lý vi phạm, gồm 9 điều, từ Điều 62 đến Điều 65 và Chương IX: Điều khoản thi hành, gồm 2 điều, từ Điều 66 đến Điều 67 quy định về hiệu lực thi hành và quy định chi tiết các điều khoản thi hành Luật.
Luật Tố cáo năm 2018 tiếp tục kế thừa quy định của Luật Tố cáo năm 2011 về phạm vi điều chỉnh, trong đó quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hai nhóm hành vi vi phạm pháp luật: (1) tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ; (2) tố cáo hành vi vi phạm pháp lý nhà nước trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Luật Tố cáo năm 2018 còn quy định về vấn đề bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.
Đồng thời, để phân biệt việc giải quyết tố cáo trong Luật này với việc giải quyết tố cáo đối với tố giác và tin báo về tội phạm, Khoản 2, Điều 3 của Luật quy định: “Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”.
Luật Tố cáo năm 2018 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 14, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, là văn bản luật quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý để các cơ quan nhà nước giải quyết tốt việc tố cáo của công dân, đồng thời cũng giúp cho người dân thực hiện quyến tố cáo theo quy định của pháp luật.