Lộc Ninh: Tổng kết công tác triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 28/12/2012 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và Kế hoạch số 10/KH-HĐND ngày 16/01/2013 của HĐND tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Qua gần 02 tháng triển khai thực hiện, hôm qua, tại Hội trường B -Huyện uỷ Lộc Ninh, Ban chỉ đạo huyện tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá việc triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn huyện Lộc Ninh. Đây là một quyết sách lớn của Đảng và nhà nước ta nhằm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh và Văn kiện của Đại hội Đảng khóa XI về sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Về dự hội nghị có ông Diệp Hoàng Vũ -Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ -Chủ tịch HĐND huyện -Trưởng Ban chỉ đạo huyện; các ông/bà là thành viên Ban chỉ đạo. Tại hội nghị, ông Đào Tuấn Long -Uỷ viên Thường trực HĐND huyện -Thành viên Ban chỉ đạo -Tổ trưởng Tổ biên tập báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn huyện Lộc Ninh. Theo đó có 77 cơ quan, đơn vị tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đội ngũ trí thức và các tầng lớp nhân dân. Việc tổ chức lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trên địa bàn huyện được thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, đảm bảo đúng quy trình, quy định. Hầu hết các ý kiến đóng góp đều thể hiện tính sát thực, phù hợp với tình hình đổi mới của đất nước ta hiện nay.
Phát biểu tại hội nghị, ông Diệp Hoàng Vũ-Trưởng Ban chỉ đạo khẳng định: Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, thể hiện rõ nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh; tổ chức tinh gọn, hợp lý, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ. Xác lập cơ chế bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiệu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dự thảo Hiến pháp đã đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng đảm bảo quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp; xây dựng mô hình chính quyền địa phương có sự phân biệt về tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo.
Điểm đặc biệt là nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Hiến pháp đã giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Đảm bảo là đạo luật cơ bản có tính pháp lý cao nhất của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài.