Đề cương tháng 3-2015 - ý nghĩa Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3
Hạnh phúc là đích đến trong cuộc đời của mỗi người. Dù ở giai đoạn lịch sử nào, con người luôn trên hành trình đi tìm hạnh phúc. Mục đích thì rõ ràng là vậy, song có không ít người vẫn tranh luận thế nào là hạnh phúc, làm thế nào để có được hạnh phúc. Bắt đầu từ năm 2012, Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 20/3 hàng năm là “Ngày Quốc tế Hạnh phúc” nhằm gia tăng nhận thức của dư luận thế giới trong việc công nhận hạnh phúc là một trong những chỉ tiêu phát triển toàn cầu.
Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc cùng cam kết ủng hộ ngày này, trong đó có Việt Nam với mục tiêu đây không chỉ là một ngày mang ý nghĩa biểu tượng đơn thuần – mà là ngày của hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho người người trên trái đất.
Liên Hiệp Quốc quyết định kỷ niệm ngày hạnh phúc theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, một quốc gia nhỏ bé nằm ở khu vực Nam Á, nằm giữa hai quốc gia là Ấn Độ và Trung Quốc, phía Đông dãy Himalaya có dân số chỉ hơn 02 triệu người, diện tích chưa đến 50 ngàn km2.
Còn về lý do chọn ngày 20/3 thì đây là ngày đặc biệt trong năm khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo nên trong ngày này, ngày và đêm có độ dài bằng nhau. Vì thế ngày này còn là biểu tượng cho sự hài hòa, cân bằng của vũ trụ. Thế nên việc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp rằng: cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.
Đối với Việt Nam, một đất nước có bề dày lịch sử với truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình. Đạt đến cái đích của hạnh phúc là mong ước của nhân loại nói chung và người Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, để đến được cái đích ấy, nó là cả một quá trình. Lịch sử Việt Nam đã từng ghi nhận những giai đoạn phát triển hưng thịnh của dân tộc: Nếu như triều đại nhà Lý mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh của đất nước Đại Việt thì các triều đại tiếp theo như Trần, Lê… đã đẩy lùi các cuộc xâm lăng của các thế lực ngoại xâm, dần ổn định đất nước, từng bước đưa đất nước phát triển, đem lại cuộc sống ổn định hạnh phúc cho mọi người.
Đó là điều mà chúng ta cần phải trân trọng, gìn giữ trong việc xây dựng gia đình hiện nay. Nếu chúng xem nhẹ và buông lỏng quá trình giáo dục lòng nhân ái, khoan dung ngay từ trong môi trường gia đình sẽ góp phần làm gia tăng lối sống ích kỉ, giữa chủ nghĩa cá nhân cực đoan, sự vô trách nhiệm của cá nhân với chính gia đình và cả xã hội. Trong xây dựng gia đình, trong giáo dục một nền đạo đức mới thì việc giáo dục, hình thành lòng nhân ái, sự gắn bó, yêu thương, tôn trọng, tinh thần trách nhiệm đối với người thân trong gia đình là một việc làm không thể bỏ qua; bởi lẽ, đó chính là tiền đề cho quá trình hình thành và phát triển những tình cảm đối với tập thể, cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, cũng sẽ là sai lầm nếu tuyệt đối hóa những tình cảm đó, bởi không phải bất kì người nào có tình yêu sâu nặng, gắn bó bền chặt, có trách nhiệm với người thân cũng sẽ là người có tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm cao với quê hương, đất nước.
Thực tế cuộc sống hiện nay cũng cho thấy sự xuất hiện chiều hướng gia tăng những biểu hiện vô trách nhiệm trong quan hệ cha mẹ và con cái. Tình cảm và mối quan hệ gắn bó giữa cha mẹ và con cái bị xem nhẹ, sự kính trọng của con cái đối với cha mẹ có phần suy giảm. Tình trạng bố mẹ đánh đập con cái, con cái ngược đãi ông, bà và cha mẹ… có chiều hướng gia tăng ở ca thành thị lẫn nông thôn. Trong khi đấu tranh xóa bỏ những tàn tích, di hại của lễ giáo cũ, chúng ta cũng cần chú ý thiết lập những mối quan hệ cha con lành mạnh, tiếp thu có chọn lọc những yếu tố tích cực, hợp lí mà Nho giáo đã đóng góp cho truyền thống: Quan tâm nuôi dạy con cái, chăm lo đến sự nghiệp và tương lai hạnh phúc cho con cái là trách nhiệm, tình cảm của cha mẹ, cha mẹ phải là tấm gương tốt về mọi mặt của cuộc sống để con cái học tập, noi theo. Trong mỗi gia đình, cha mẹ gương mẫu và giáo dục con cái chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống có văn hóa sẽ tạo ra nét đẹp trong lối sống, gia đình và xã hội sẽ ngày một tiến bộ và văn minh. Ngược lại, đứa trẻ sống trong một gia đình không hạnh phúc thì dù nhà trường hay xã hội có tuyên truyền, giáo dục những bài học về lễ phép, kính trọng người trên, yêu thương cha mẹ, ông bà… cũng khó lòng đạt kết quả.
Chính vì ý nghĩa đó, hưởng ứng các hoạt động của thế giới về Ngày Hạnh phúc cho toàn thế giới 20-3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26/12/2013 phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm”. Năm nay 2015 với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 được tổ chức từ ngày 01 đến 29/3/2015, tập trung cao điểm các hoạt động trong Tuần lễ Hạnh phúc (từ 16-22/3/2015) nhằm đem thông điệp tới mọi người hãy yêu thương và chia sẻ cùng nhau trong gia đình, trong dòng tộc, trong mỗi cộng đồng, giữa những người bạn, người đồng chí, trong mỗi đơn vị, cơ quan, trường học đem lại hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần phát triển an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Để thiết thực hưởng ứng, ngày 03/3/2015 Ban chỉ đạo Phòng, chống bạo lực gia đình huyện Lộc Ninh đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-BCĐ-PCBLGĐ triển khai các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2015, trong đó chỉ đạo các ngành, các cấp từ huyện đến cơ sở triển khai các hoạt động phù hợp với nội dung, bám sát chủ đề và các thông điệp hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc một cách hiệu quả nhất.
Như vậy, để hưởng ứng ngày này, cách đơn giản nhất là hãy mang hạnh phúc đến cho người thân của bạn bằng món quà ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là sự quân tâm chia sẻ với những cảnh đời khó khăn xung quanh, là cử chỉ thương yêu với bạn bè, người thân của mình.
Hãy hòa cùng thế giới mang lại hạnh phúc cho nhau trong ngày Quốc tế hạnh phúc “Yêu thương và chia sẻ” 20/3./.
Phòng Tư pháp huyện Lộc Ninh Sưu tầm