Một số điểm, nội dung cơ bản của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch sẽ c
Thứ hai - 30/03/2015 13:558.9290
Một số điểm, nội dung cơ bản của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch sẽ có hiệu lực kể từ ngày 10/4/2015.
Ngày 16/02/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Một số nội dung nổi bật cụ thể như sau:
1. Về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực cần lưu ý Điểm a Khoản 2 Điều 5 quy định UBND cấp xã có thẩm quyền và trách nhiệm " a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;". Như vậy, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thì UBND cấp xã không chứng các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận.
2. Việc thực hiện chứng thực cần lưu ý Khoản 5 Điều 5 quy định "Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.
3. Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao theo Khoản 1 Điều 6 quy định "Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao,không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính".
4. Đối với sổ chứng thực và số chứng thực được quy định cụ thể trong Điều 13, đặc biệt là Mẫu sổ chứng thực được quy định cụ thể tại khoản 4
5. Đối với thủ tục cấp bản sao từ sổ gốc cần lưu ý khoản 1 Điều 17 quy định "1. Người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc phải xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra. Trong trường hợp người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc là người được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 16 của Nghị định này thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ với người được cấp bản chính".
6. Về thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính cần lưu ý Điểm b Khoản 3 Điều 20 quy định "Đối với bản sao có từ 02 (hai) trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu bản sao có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.
Mỗi bản sao được chứng thực từ một bản chính giấy tờ, văn bản hoặc nhiều bản sao được chứng thực từ một bản chính giấy tờ, văn bản trong cùng một thời điểm được ghi một số chứng thực.
7. Các bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để cấp bản sao được quy định tại Điều 22, đây là điểm mới cuả Nghị định này, theo đó có 6 loại giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao.
8. Đối với thủ tục chứng thực chữ ký cần lưu ý Điểm a Khoản 1 Điều 24 quy định "1. Người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây: a) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;..."
9. Đối với người khai lý lịch cá nhân khi có yêu cầu thì cũng sẽ được thực hiện theo thủ tục chứng thực chữ ký được quy định tại Khoản 4 Điều 24.
10. Quy định đối với tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch được mở rộng theo Khoản 2 Điều 27 quy định "2. Có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch. Đối với ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học theo quy định tại Khoản này thì phải thông thạo ngôn ngữ cần dịch".
11. Quy định đối với cộng tác viên dịch thuật cần lưu lý Khoản 1 Điều 28 quy định" Người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này được làm cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp trong phạm vi cả nước. Phòng Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra tiêu chuẩn, điều kiện của cộng tác viên dịch thuật và lập danh sách cộng tác viên dịch thuật của phòng, báo cáo Sở Tư pháp phê duyệt"
12. Về thủ tục chứng thực hợp đồng, giao địch được quy định cụ thể tại Điều 36, tuy nhiên cần lưu ý khoản 1, 3 và 4 của Điều 36.
13. Về sửa lỗi sai sót trong hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực cần lưu ý Khoản 2 Điều 39 quy định "Người thực hiện chứng thực gạch chân lỗi sai sót cần sửa, đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào bên lề của hợp đồng, giao dịch nội dung đã sửa, họ tên, chữ ký của người sửa, ngày tháng năm sửa"
14. Về trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý nhà nước về chứng thực được quy định tại Điều 43, tuy nhiên cần lưu ý:
- Điểm g Khoản 2 Điều 43 quy định "Định kỳ 6 tháng và hằng năm, tổng hợp tình hình và thống kê số liệu về chứng thực, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định. Phòng Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và g Khoản này và thực hiện các việc chứng thực thuộc thẩm quyền của Phòng Tư pháp theo quy định của Nghị định này. Trưởng Phòng Tư pháp, Phó Trưởng Phòng Tư pháp phải thông báo mẫu chữ ký khi ký chứng thực cho Sở Tư pháp"
- Điểm e Khoản 3 Điều 43 quy định "Định kỳ 6 tháng và hằng năm, tổng hợp tình hình và thống kê số liệu về chứng thực báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định. Công chức Tư pháp - Hộ tịch giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các Điểm a, b, c, d và e Khoản này. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo mẫu chữ ký khi ký chứng thực cho Sở Tư pháp.
http://locninh.net/hinh2015/53.pdf * Đính kèm theo File: Nghị định số 23/2015/NĐ-CP