HIEN KE
sn bac

Đề Cương tuyên truyền Ngày pháp luật tháng 8/2015 - Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Thứ ba - 18/08/2015 08:46 4.823 0

Đề Cương tuyên truyền Ngày pháp luật tháng 8/2015 - Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Đề Cương tuyên truyền Ngày pháp luật tháng 8/2015 - Luật Công an nhân dân (sửa đổi)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG, BAN HÀNH LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI) (SAU ĐÂY GỌI LÀ LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN NĂM 2014). Luật Công an nhân dân hiện hành được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/11/2005, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2006, đã tạo cơ sở pháp lý để lực lượng Công an nhân dân tổ chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu với Đảng, nhà nước, thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Trong mười năm qua, Luật CAND đã góp phần quan trọng xây dựng tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sỹ, nâng cao vị thế, mở rộng quan hệ quốc tế, góp phần quan trọng giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số quy định của Luật CAND đã bộc lộ vướng mắc, bất cập hoặc chưa đầy đủ như: nhiệm vụ, quyền hạn của CAND; cấp bậc hàm, hạn tuổi phục vụ, chế độ, chính sách đối với sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ… Bên cạnh đó, Nhà nước ta đã ban hành nhiều luật có quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CAND như: Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật phòng, chống mua bán người năm 2011, Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013… đòi hỏi Luật Công an nhân dân năm 2005 phải được sửa đổi, bổ sung cho đồng bộ, thống nhất với các luật nêu trên. Trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương mới về bảo vệ Tổ quốc, về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đòi hỏi phải quán triệt, thể chế hóa các luật, trước hết là Luật Công an nhân dân. Từ những vấn đề nêu trên có thấy, việc xây dựng Luật CAND (sửa đổi) là rất cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn mới, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta. II. NỘI DUNG 1. Đối với Luật Công an nhân dân (sửa đổi) hay còn gọi là Luật Công an nhân dân năm 2014: Luật được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2014 có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, thay thế Luật Công an nhân dân năm 2005. Luật ban hành nhằm khắc phục những bất cập của Luật CAND năm 2005 và phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 (Luật CAND năm 2014 trước khi được Quốc hội thông qua đã được Ban soạn thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 05 lần, Chính phủ xem xét 02 lần). 2. Về tên gọi của Luật và phạm vi điều chỉnh: vẫn giữ nguyên như Luật Công an nhân dân năm 2005. 3. Bố cục của Luật CAND năm 2014: gồm 7 chương, 45 Điều, so với Luật CAND 2005 không thay đổi về số chương, tăng 02 Điều. Cơ cấu của Luật được điều chỉnh theo hướng: tách khoản 2, Điều 4 của Luật CAND năm 2005 thành Điều 14 quy định về chức năng của CAND; ghép 03 Điều (14, 15, 16) thành Điều 15 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của CAND; tách điểm c, khoản 3, Điều 22 và bổ sung, chỉnh lý thành Điều 22 quy định về phong, thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và vượt bậc; bổ sung 02 Điều mới (Điều 26 quy định về thủ tục phong, thăng cấp bậc hàm; Điều 44 quy định về điều khoản chuyển tiếp); điều chỉnh thứ tự 32 điều cho phù hợp với logic, bảo đảm kỹ thuật lập pháp và cấu trúc mới. III. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN NĂM 2014 1. Chương I. Những quy định chung Chương này gồm 13 Điều (từ Điều 1 đến Điều 13) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; vị trí, cơ cấu của CAND; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của CAND; ngày truyền thống của CAND; tuyển chọn công dân vào CAND; nghĩa vụ tham gia CAND; chế độ phục vụ của sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ CAND và công nhân công an; xây dựng CAND; giám sát hoạt động của CAND; quan hệ phối hợp giữa Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ với Công an nhân dân; trách nhiệm và chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ CAND. So với Luật CAND năm 2005, Chương này của Luật CAND năm 2014 có những sửa đổi, bổ sung như sau: - Tại Điều 3 (Giải thích từ ngữ): thay cụm từ “giữ gìn trật tự, an toàn xã hội” bằng cụm từ “bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” tại khoản 2 cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013; thay cụm từ “phục vụ có thời hạn” bằng cụm từ “nghĩa vụ” tại khoản 5 cho phù hợp với Điều 8 của Luật; chỉnh lý khoản 6 giải thích về “công nhân công an” để tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và bảo đảm chế độ, chính sách đối với đối tượng này; - Bổ sung, chỉnh lý quy định về vị trí, cơ cấu của CAND (Điều 4) cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013, quy định Công an xã thuộc cơ cấu lực lượng CAND; - Tại Điều 8 quy định mới về công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND (thay quy định về công dân phục vụ có thời hạn trong CAND của Luật CAND 2005) bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền và nghĩa vụ của công dân; xác định là một trong các hình thức thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân, khẳng định địa vị pháp lý của đối tượng này; - Bổ sung, chính lý Điều 13 về trách nhiệm và chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, giúp đỡ CAND. 2. Chương II. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của CAND Chương này gồm 02 điều (Điều 14 và Điều 15), quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của CAND. So với Luật CAND năm 2005, Chương này của Luật CAND năm 2014 có những sửa đổi, bổ sung như sau: - Về tên chương được bổ sung thành: “Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của CAND”; Luật CAND năm 2005 quy định “Nhiệm vụ và quyền hạn của CAND”; - Bổ sung Điều 14 quy định về chức năng của CAND (trên cơ sở tách khoản 2 Điều 4 Luật CAND năm 2005, bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp); - Trên cơ sở gộp các điều 14, 15, 16 Luật CAND năm 2005 thành Điều 15 Luật CAND năm 2014 với tên gọi là “Nhiệm vụ và quyền hạn của CAND”, bổ sung, chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp với các luật chuyên ngành đã được ban hành trong thời gian qua có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CAND và “luật hóa” nhiệm vụ, quyền hạn của CAND đã được quy định trong các văn bản dưới luật được thực tiễn kiểm nghiệm trong nhiều năm qua. 3. Chương III. Tổ chức của CAND Chương này gồm 3 điều (từ Điều 16 đến Điều 18), quy định về tổ chức của CAND; thẩm quyền quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CAND; chỉ huy trong CAND. So với Luật CAND năm 2005, Chương này của Luật CAND năm 2014 có những sửa đổi, bổ sung như sau: - Bổ sung một khoản (khoản 2 Điều 16) như sau: “2. Căn cứ yêu cầu công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Chính phủ quy định việc thành lập Cảnh sát PCCC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” về tên gọi, không gọi “Sở Cảnh sát PCCC” mà gọi là “Cảnh sát PCCC”; - Chỉnh lý quy định về Công an xã (khoản 3 Điều 16) cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013, theo đó, khẳng định vị trí, vai trò của Công an xã, tiến tới xây dựng Luật Công an xã. Lần đầu tiên quy định cơ cấu lực lượng CAND, gồm: An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân và Công an xã (Luật CAND năm 2005 mới chỉ quy định Công an xã là lực lượng nòng cốt ở cơ sở). 4. Chương IV. Sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ CAND: Chương này gồm 13 điều (từ Điều 19 đến Điều 31), quy định về phân loại sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ CAND; hệ thống cấp bậc hàm và đối tượng, điều kiện, thời hạn xét phong, thăng cấp bậc hàm sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ CAND; phong, thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và phong, thăng cấp bậc hàm vượt bậc; chức vụ của sỹ quan CAND; cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sỹ quan CAND; thẩm quyền phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ trong CAND; thủ tục phong, thăng cấp bậc hàm trong CAND; điều động sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ CAND; biệt phái sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ CAND; những việc sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ CAND không được làm. So với Luật CAND năm 2005, Chương này của Luật CAND năm 2014 có những sửa đổi, bổ sung như sau: - Điều 20 được chỉnh lý kỹ thuật theo hướng quy định hệ thống cấp bậc hàm từ cao xuống thấp (từ đại tướng đến binh nhì); Luật CAND năm 2005 quy định ngược lại. - Tại Điều 21, bổ sung quy định thời hạn thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng và trong mỗi cấp tướng tối thiểu là 4 năm; bổ sung quy định tuổi của sỹ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng không quá 57; trường hợp cao hơn khi có yêu cầu của Chủ tịch nước; - Bổ sung Điều 22 (trên cơ sở tách điểm c khoản 3 Điều 22 Luật CAND năm 2005 và bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp); bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch nước đối với việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và phòng, thăng cấp bậc hàm vượt bậc đối với cấp bậc hàm cấp tướng; - Điều 23 được chỉnh lý kỹ thuật theo hướng quy định về hệ thống chức vụ cơ bản trong CAND từ cao xuống thấp (từ bộ trưởng đến tiểu đội trưởng); - Điều 24 Luật CAND quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sỹ quan CAND theo đúng chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tương quan giữ CAND và Quân đội nhân dân; kế thừa dác quy định hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm và đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ ANQG và bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm của CAND trong giai đoạn mới. Theo đó, Luật CAND năm 2014 quy định chặt chẽ, cụ thể các vị trí, chức vụ của sỹ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng (kể cả chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương). Các vị trí cấp phó có trần cấp bậc hàm thiếu tướng được quy định rõ số lượng; Ở địa phương, Luật quy định chức vụ Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và Công an thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá; trưởng Công an cấp huyện đều có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tá. Các vị trí, chức vụ thuộc Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương và sỹ quan CAND biệt phái có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng cũng được quy định rõ trong Luật. Cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng đối với chức vụ của sỹ quan ở đơn vị thành lập mới do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Luật cũng quy định cụ thể các chức vụ có trần cấp bậc hàm từ đại tá trở xuống; - Chỉnh lý quy định tại Điều 25, theo đó, Chủ tịch nước có thẩm quyền phòng, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng đối với sỹ quan CAND cho phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; - Bổ sung mới (Điều 26) quy định về thủ tục phong, thăng cấp bậc hàm trong CAND, theo đó Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước phòng, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; thủ tục phong, thăng, giáng, tước các cấp bậc hàm còn lại do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; - Chỉnh lý Điều 29 quy định hạn tuổi phục vụ của sỹ quan CAND theo hướng: nâng tuổi phục vụ đối với nam và nữ sỹ quan cấp úy lên 53 tuổi (cả nam và nữ như nhau). Chỉnh lý quy định kéo dài tuổi phục vụ của sỹ quan có cấp bậc hàm từ thượng tá trở xuống do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định, bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi đối với một số trường hợp cho phù hợp với Bộ Luật lao động và cấp có thẩm quyền, theo đó “sỹ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia cao cấp, nữ sỹ quan cấp tướng có thể được kéo dài hạn tuổi phục vụ hơn 60 đối với nam và hơn 55 đối với nữ theo quy định của Chính phủ; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài khi có yêu cầu theo quyết định của Chủ tịch nước”. 5. Chương V. Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với CAND Chương này gồm 9 điều (từ Điều 32 đến Điều 40), quy định về bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của CAND; trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ của CAND; trang phục, Công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh CAND; chính sách đào tạo, bồi dưỡng và chế độ tiền lương, phụ cấp, nhà ở và điều kiện làm việc đối với sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ CAND; chăm sóc sức khỏe đối với sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, sinh viên, học sinh CAND; chế độ, chính sách đối với sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ CAND nghỉ hưu, chuyển ngành, xuất ngũ, nghỉ theo chế độ bệnh binh, hy sinh, từ trần; chế độ, chính sách đối với sinh viên, học sinh, công nhân công an, hạ sỹ quan, chiến sỹ nghĩa vụ trong CAND. So với Luật CAND năm 2005, Chương này của Luật CAND năm 2014 có những sửa đổi, bổ sung như sau: - Bổ sung, chỉnh lý Điều 36: để có cơ sở nghiên cứu, tách lương ra khỏi cấp bậc hàm để việc phong, thăng cấp bậc hàm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy của cấp có thẩm quyền(Luật CAND năm 2014 chưa quy định việc tách lương ra khỏi cấp bậc hàm); tiền lương của sỹ quan, hạ sỹ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp được tính theo chức vụ, chức danh đảm nhiệm và cấp bậc hàm, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của CAND; sỹ quan được hưởng trợ cấp, phụ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc và trợ cấp, phụ cấp đặc thù công an (trước đây chỉ được hưởng đối với công chức công an); bổ sung quy định sỹ quan nghiệp vụ và chuyên môn kỹ thuật được hưởng phụ cấp nhà ở, được bảo đảm nhà ở công vụ; sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ CAND được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật; - Để thống nhất thực hiện chế độ của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang, tại Điều 39 Luật CAND năm 2014, bổ sung quy định về các trường hợp sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ CAND đang công tác mà hy sinh, từ trần thì thân nhân của sỹ quan, hạ sỹ quan đó được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và được hưởng trợ cấp một lần theo quy định của Chính phủ; sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ CAND đang công tác mà từ trần thì thân nhân của sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ đó được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và được hưởng trợ cấp một lần theo quy định của Chính phủ. 6. Chương VI. Khen thưởng và xử lý vi phạm Chương này gồm 2 điều (Điều 41 và Điều 42), quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm. Nội dung của các điều luật cơ bản giữ nguyên như Luật CAND năm 2005; có chỉnh lý kỹ thuật cho phù hợp. 7. Chương VII. Điều khoản thi hành Chương này gồm 3 điều (Điều 43, Điều 44 và Điều 45), quy định về hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp và quy định chi tiết. So với Luật CAND năm 2005, Chương này của Luật CAND năm 2014 có những sửa đổi, bổ sung như sau: - Điều 43 quy định Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015. Các quy định về phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này được công bố. Luật CAND số 54/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. - Để đảm bảo tính liên tục và khả thi, Điều 44 Luật CAND năm 2014 quy định điều khoản chuyển tiếp; theo đó, việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của CAND thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành cho đến thời điểm Luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được ban hành; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của Công an xã, chế độ, chính sách đối với Công an xã thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành cho đến thời điểm Luật về Công an xã được ban hành. - Điều 45 quy định Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật. Phòng Tư pháp huyện Lộc Ninh sưu tầm và giới thiệu từ Trang thông tin điện tử congannamdinh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập214
  • Hôm nay3,074
  • Tháng hiện tại82,461
  • Tổng lượt truy cập15,814,242
Nông thôn mới
Thủ tục hành chính
Văn bản mới ban hành
Người Việt dùng hàng Việt
Tìm hài cốt liệt sĩ
Thông tin người phát ngôn
bank
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây