Đề cương tuyên truyền pháp luật tháng 7-2015: Luật Giáo dục nghề nghiệp – Những đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam
Thứ tư - 15/07/2015 22:273.9050
Luật Giáo dục nghề nghiệp – Những đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.
Sau gần 3 năm chuẩn bị, ngày 27/11/2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2015. Có thể nói, đây là một đạo luật đã thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, giải quyết nhiều bất cập trong thực tiễn, tạo nên một diện mạo mới của hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.
1. Về cấu trúc của Luật Giáo dục nghề nghiệp
Luật Giáo dục nghề nghiệp có 8 chương, 79 điều bao gồm:
Chương 1: Quy định những vấn đề chung, bao gồm 9 điều về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; quy định về mục tiêu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chính sách của nhà nước, xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp; .v.v...
Chương 2: Quy định về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 3 mục với 32 điều về tổ chức cơ sở giáo dục nghề nghiệp (cơ cấu tổ chức, hội đồng trường, hội đồng quản trị; thành lập, đăng ký hoạt động...); chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (chính sách chung, chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật); tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục nghề nghiệp (nguồn tài chính, học phí, cơ sở vật chất, thiết bị...);
Chương 3: Quy định về hoạt động đào tạo và hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 3 mục với 19 điều về đào tạo nghề nghiệp chính quy (tuyển sinh, thời gian, chương trình, giáo trình, tổ chức quản lý, văn bằng, chứng chỉ...), đào tạo nghề nghiệp thường xuyên (chương trình, thời gian, người dạy, tổ chức quản lý, lớp đào tạo nghề, văn bằng, chứng chỉ...) và hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp (các hình thức hợp tác, liên kết đào tạo với nước ngoài, văn phòng đại diện, chính sách hợp tác...);
Chương 4: Quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo giáo dục nghề nghiệp (2 điều);
Chương 5: Quy định về nhà giáo và người học, bao gồm 2 mục với 12 điều (trình độ chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, chính sách đối với nhà giáo...; nhiệm vụ, quyền hạn, chính sách đối với người học...).
Chương 6: Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (6 điều), bao gồm: Mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc kiểm định; tổ chức, quản lý kiểm định; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; sử dụng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp...;
Chương 7: Quy định về quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (4 điều);
Chương 8: Quy định về điều khoản thi hành (5 điều), bao gồm: Quy định về hiệu lực thi hành; sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục; sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học, điều khoản chuyển tiếp và quy định chi tiết.
Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015 và bãi bỏ các quy định về trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp tại Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12 và Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13.
2. Một số nội dung chính của Luật Giáo dục nghề nghiệp
a) Đổi mới hệ thống, trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp
Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2005, giáo dục nghề nghiệp chỉ bao gồm: trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Trong dạy nghề lại có các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Như vậy, vô hình trung, hệ thống giáo dục Việt Nam có 2 trình độ trung cấp, 2 trình độ cao đẳng và do 2 cơ quan quản lý nhà nước khác nhau.
Theo đó, để khắc phục bất cập nêu trên, Luật Giáo dục nghề nghiệp cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, làm thay đổi toàn diện cấu trúc hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp mới bao gồm:
- Trình độ sơ cấp;
- Trình độ trung cấp;
- Trình độ cao đẳng.
Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm:
- Trung tâm giáo dục nghề nghiệp (là sự thống nhất của trung tâm kỹ thuật, tổng hợp, hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề);
- Trường trung cấp (là sự thống nhất của trường trung cấp chuyên nghiệp và trường trung cấp nghề);
- Trường cao đẳng (là sự thống nhất của cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề). Thực chất là đưa trình độ cao đẳng tách khỏi giáo dục đại học. Giáo dục đại học chỉ còn các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Việc quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương sẽ do Chính phủ quy định.
b) Đổi mới về tổ chức, quản lý đào tạo
Đổi mới phương thức đào tạo
Cùng với tổ chức giáo dục nghề nghiệp theo truyền thống (niên chế), Luật Giáo dục nghề nghiệp bổ sung thêm phương thức tổ chức đào tạo nghề nghiệp mới là đào tạo nghề theo tích lũy mô đun, tín chỉ. Đây được coi là một sự đổi mới căn bản, toàn diện nhất trong tổ chức, quản lý giáo dục nghề nghiệp.
Phương thức này tạo ra sự khác biệt cơ bản so với phương thức đào tạo theo niên chế (truyền thống). Theo phương thức này, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ là hệ thống mở, linh hoạt, đảm bảo liên thông thuận lợi giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng nghề hoặc với các nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân; người học được coi là trung tâm của quá trình đào tạo, được học theo năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, có thể học nhiều mô đun, nội dung trong cùng thời gian và được công nhận theo hình thức tích lũy các năng lực; người học có thể học rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân người học.
Đổi mới về thời gian đào tạo
Thời gian đào tạo trình độ trung cấp đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ còn từ một đến hai năm học tùy theo nghề đào tạo khi học theo niên chế (theo quy định hiện hành là từ 3 - 4 năm). Đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao hơn thì phải tích lũy thêm nội dung văn hóa trung học phổ thông theo quy định.
Như vậy, nội dung văn hóa trung học phổ thông không trở thành nội dung bắt buộc đối với người học như quy định của Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục.
Thời gian học nghề theo tích lũy mô-đun, tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun, tín chỉ quy định cho từng chương trình đào tạo (Điều 33).
Một số đổi mới khác về tổ chức, quản lý đào tạo
Về hình thức giáo dục nghề nghiệp bao gồm cả chính quy và thường xuyên. Người học có thể học theo hình thức vừa học vừa làm, tự học có hướng dẫn hoặc học từ xa để lấy chứng chỉ sơ cấp, bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng (Mục 1, 2 Chương 3);
Về tuyển sinh: Các trường được tự chủ xác định quy mô, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm; được tuyển sinh nhiều lần trong năm; được xét tuyển hoặc thi tuyển hoặc kết hợp cả hai (Điều 32);
Về chương trình, giáo trình: Các trường được tự chủ trong việc xây dựng chương trình đào tạo dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề; Nhà nước không ban hành chương trình khung. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn chương trình của nước ngoài đã được kiểm định để giảng dạy; được lựa chọn giáo trình đã có làm giáo trình của trường mình (Điều 34, Điều 35);
Về thi, xét tốt nghiệp: Thi tốt nghiệp chỉ áp dụng cho đào tạo theo niên chế. Người học theo mô-đun, tín chỉ, sau khi tích lũy đủ mô-đun hoặc tín chỉ theo quy định thì được xét tốt nghiệp (không phải thi tốt nghiệp cuối khóa) (Điều 38).
c) Đổi mới chính sách cho nhà giáo, người học
Nhà giáo trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp có các chức danh: Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp; giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp, đồng thời có thang, bảng lương theo chức danh (quy định hiện hành không có). Ngoài ra, đối với những nhà giáo dạy thực hành, dạy cả lý thuyết và thực hành thì được hưởng phụ cấp đặc thù ngoài các phụ cấp hiện nay quy định chung cho nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Nhà giáo là tiến sĩ, nghệ nhân hoặc có trình độ kỹ năng nghề cao công tác trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu. nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu theo quy định của pháp luật (Điều 58).
Luật Giáo dục nghề nghiệp có thêm nhiều chính sách cho người học nhằm tạo sự phân luồng tự động, thu hút người học vào đào tạo nghề nghiệp, cụ thể:
+ Người học tốt nghiệp trình độ cao đẳng được công nhận danh hiệu: Kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành (Điều 38).
+ Người học được miễn học phí đối với các đối tượng chính sách xã hội; đối với người học tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9) khi học trung cấp; đối với những nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu và những ngành nghề đặc thù;
+ Người học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật; người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú khi học trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được hưởng chính sách nội trú;
+ Người học sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập; được hưởng tiền lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động dựa trên vị trí việc làm, năng lực làm việc nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu, mức lương cơ sở hoặc khởi điểm (Điều 62).
d) Đổi mới chính sách cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thêm một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước như:
- Được ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
- Miễn thuế đối với phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để lại để đầu tư phát triển;
- Miễn, giảm thuế theo quy định đối với lợi nhuận thu được từ sản phẩm, dịch vụ được tạo ra từ hoạt động đào tạo;
- Ưu đãi về thuế đối với việc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với hoạt động đào tạo, xuất bản giáo trình, tài liệu dạy học, sản xuất và cung ứng thiết bị đào tạo, nhập khẩu sách, báo, tài liệu, thiết bị đào tạo.
Ngoài ra, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không phân biệt công lập hay tư thục, được tham gia đấu thầu, nhận đặt hàng đào tạo của Nhà nước theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; được vay vốn ưu đãi từ các chương trình, dự án trong nước và nước ngoài; được tham gia chương trình bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp trong nước và nước ngoài bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước;
đ) Đổi mới, nâng cao tính tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm hơn so với trước đây, cụ thể:
+ Tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm (không phải do nhà nước quy định quy mô trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động);
+ Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ, nhân viên, tự quyết định số người làm việc và quyết định trả lương theo hiệu quả, chất lượng công việc;
+ Tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn và duyệt chương trình đào tạo, giáo trình đào tạo;
+ Tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo niên chế hoặc tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ tùy thuộc vào điều kiện của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
+ Được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh theo từng nghề, nằm trong khung học phí, lệ phí tuyển sinh theo quy định của pháp luật; cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo;
+ Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước được quyền quyết định việc huy động vốn, sử dụng vốn, tài sản gắn với nhiệm vụ được giao để mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo; tự chủ, tự chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng tài sản hình thành từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước;
+ Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tự chủ về cơ cấu tổ chức bộ máy.
Ngoài những nội dung nêu trên, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã quy định về nhiều nội dung quan trọng khác như đổi mới mục tiêu; đổi mới kiểm định chất lượng đào tạo nghề nghiệp; đổi mới hoạt động hợp tác quốc tế, công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia về bằng, chứng chỉ đào tạo nghề nghiệp; về chính sách xã hội hóa, quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đặt hàng đào tạo nghề nghiệp.v.v…
Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp đổi mới giáo dục là: "Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Thống nhất tên gọi các trình độ đào tạo, chuẩn đầu ra…". Theo đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đã thực hiện tốt một trong những nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI./.
Phòng Tư pháp huyện Lộc Ninh sưu tầm
và giới thiệu từ Trang thông tin điện tử caodangnghe-qn.edu.vn