Ngày 20/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Hộ tịch gồm 7 chương và 77 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.
Việc xây dựng Luật Hộ tịch là nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở nước ta theo hướng từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm một cách thuận lợi cho người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch theo quy định của Bộ luật Dân sự, các luật chuyên ngành khác, góp phần tăng cường quản lý dân cư trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Theo đó, việc đăng ký hộ tịch phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
Thứ 1. Tôn trọng và bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân.
Thứ 2. Mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân phải được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác; trường hợp không đủ điều kiện đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thứ 3. Đối với những việc hộ tịch mà Luật này không quy định thời hạn giải quyết thì được giải quyết ngay trong ngày; trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.
Thứ 4. Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định của Luật này.
Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Trường hợp cá nhân không đăng ký tại nơi thường trú thì ủy ban nhân dân cấp huyện, ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan đại diện nơi đã đăng ký hộ tịch cho cá nhân có trách nhiệm thông báo việc đăng ký hộ tịch đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó thường trú.
Thứ 5. Mọi sự kiện hộ tịch sau khi đăng ký vào sổ hộ tịch phải được cập nhật kịp thời, đầy đủ vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Thứ 6. Nội dung khai sinh, kết hôn, ly hôn, khai tử, thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại giới tính, xác định lại dân tộc của cá nhân trong cơ sở dữ liệu hộ tịch là thông tin đầu vào của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thứ 7. Bảo đảm công khai, minh bạch thủ tục đăng ký hộ tịch.
Bên cạnh đó, Luật cũng nghiêm cấm cá nhân thực hiện các hành vi sau đây: Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; làm hoặc sử dụng giấy tờ giả, giấy tờ của người khác để đăng ký hộ tịch; đe dọa, cưỡng ép, cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch; can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đăng ký hộ tịch; cam đoan, làm chứng sai sự thật để đăng ký hộ tịch; làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ hộ tịch hoặc thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch; đưa hối lộ, mua chuộc, hứa hẹn lợi ích vật chất, tinh thần để được đăng ký hộ tịch; lợi dụng việc đăng ký hộ tịch hoặc trốn tránh nghĩa vụ đăng ký hộ tịch nhằm động cơ vụ lợi, hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước hoặc trục lợi dưới bất kỳ hình thức nào; người có thẩm quyền quyết định đăng ký hộ tịch thực hiện việc đăng ký hộ tịch cho bản thân hoặc người thân thích theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; truy cập trái phép, trộm cắp, phá hoại thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Luật Hộ tịch chủ yếu luật hóa các quy định hiện hành (trong các nghị định của Chính phủ, thông tư và thông tư liên tịch của Bộ, liên Bộ) đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời quy định một số nội dung mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch, hiện đại gắn kết với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch, nhằm bảo đảm lợi ích của người dân và tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch. So với quy định pháp luật hộ tịch hiện hành, Luật Hộ tịch có những nội dung mới cơ bản sau đây:
- Luật đề cao tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh, đồng thời quy định việc cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Số định danh cá nhân là số được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác; số này cũng chính là số thẻ căn cước công dân được cấp khi đủ 14 tuổi. Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định cấu trúc số định danh cá nhân; trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân.
- Luật quy định xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (song song với cơ sở dữ liệu giấy), đồng thời kết nối, với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin hộ tịch của người dân sẽ được quản lý tập trung, thống nhất; các bộ, ngành, địa phương có thể lấy thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
- Luật Hộ tịch mở ra cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn phương thức phù hợp, thuận tiện nhất để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch, như việc gửi hồ sơ trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến trong điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho phép. Cùng với đó, Luật cũng đã quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Theo quy định của Luật thì cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống.
- Luật quy định rõ việc miễn lệ phí Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật; đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
- Với quan điểm thực hiện phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương/cơ sở, Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài và thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, trừ việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam. Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký các việc hộ tịch còn lại. Quy định này nhằm phát huy tối đa năng lực, trách nhiệm của chính quyền địa phương; bảo đảm tăng cường vai trò quản lý nhà nước của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tiến tới mục tiêu lâu dài là phân cấp triệt để thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho chính quyền cơ sở khi điều kiện cho phép.
- Thủ tục đăng ký hộ tịch được quy định theo hướng đơn giản, cắt giảm tối đa những giấy tờ không cần thiết. Đồng thời, Luật quy định khi đăng ký hộ tịch, người dân được cấp trích lục hộ tịch. Đối với một số việc hộ tịch quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân là khai sinh, kết hôn, Luật Hộ tịch quy định sau khi đăng ký người dân vẫn được cấp bản chính giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn.
- Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém của đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch hiện nay, Luật Hộ tịch đã luật hóa những quy định về tiêu chuẩn công chức làm công tác hộ tịch, đặc biệt công chức Tư pháp - Hộ tịch phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên, được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và có trình độ tin học phù hợp theo yêu cầu công việc để Luật được triển khai đi vào cuộc sống, trên cơ sở quy định của Luật, Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định chi tiết các nội dung đã được giao trong Luật, bảo đảm các nội dung của Luật được triển khai thực hiện có hiệu quả. Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an khẩn trương rà soát, nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định các nội dung được giao trong Luật.
Phòng Tư pháp huyện Lộc Ninh sưu tầm và giới thiệu