HIEN KE
sn bac

Đề cương tuyên truyền Ngày Pháp luật tháng 01/2016 - Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Thứ hai - 25/01/2016 21:44 5.710 0

Đề cương tuyên truyền Ngày Pháp luật tháng 01/2016 - Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 19/6/2015. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH - Nhằm cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, định hướng của Đảng về chính quyền địa phương cần thiết phải được điều chỉnh bằng Luật Tổ chức chính quyền địa phương. - Nhằm phân biệt rõ giữa chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo; đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. - Do đó, việc ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương để thay thế Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, kế thừa những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện là cần thiết. II. BỐ CỤC CỦA LUẬT - Luật gồm 08 chương và 143 điều, tăng 02 chương và 03 điều so với Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, cụ thể : Chương I. Những quy định chung Chương II. Chính quyền địa phương ở nông thôn Chương III. Chính quyền địa phương ở đô thị Chương IV. Chính quyền địa phương ở hải đảo Chương V. Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Chương VI. Hoạt động của chính quyền địa phương Chương VII. Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Chương VIII. Điều khoản thi hành III.Những điểm mới trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 1/ Về phân định thẩm quyền giữa trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền, luật quy định có 06 nguyên tắc về phân định thẩm quyền gồm: - Bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia. - Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa chính quyền địa phương các cấp đối với các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn lãnh thổ. - Việc phân định thẩm quyền phải phù hợp điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đặc thù của các ngành, lĩnh vực. - Công việc liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cùng cấp trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cấp trên, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ có quy định khác. - Chính quyền địa phương được bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp. 2/ Về phân quyền, Luật quy định việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong các luật; chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền. 3/ Về phân cấp, Luật quy định căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể khác của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước thực hiện phân cấp. 4/ Về ủy quyền, Luật quy định trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền bằng văn bản cho UBND cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định. 5/Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo hướng chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh, giảm dần xuống cấp huyện đến cấp xã để tránh tình trạng dồn việc về cấp cơ sở mà không tính đến khả năng đáp ứng của từng cấp chính quyền; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn tập trung thực hiện quản lý theo lãnh thổ; chính quyền địa phương ở đô thị chú trọng thực hiện quản lý theo ngành, lĩnh vực. Luật đã phân biệt rõ chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị. Theo đó chính quyền đô thị gồm: thành phố trực thuộc TW, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố trực thuộc TW, thị trấn). Chính quyền nông thôn gồm: tỉnh, huyện xã. Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng của chính quyền đô thị nhằm thể hiện sự khác biệt với chính quyền nông thôn. Chính quyền đô thị ngoài việc quyết định các vấn đề của địa phương như đối với địa bàn nông thôn, còn tập trung quyết định các vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, quản lý và tổ chức đời sống dân cư đô thị... Một điểm mới khác là Luật đã quy định chi tiết hơn về số lượng, cơ cấu tổ chức của HĐND và thành viên UBND các cấp, nguyên tắc hoạt động của HĐND và UBND; phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của các thành viên UBND. 6. Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân Kế thừa các nội dung hợp lý của Luật năm 2003, Luật bổ sung những điểm mới nhằm quy định chi tiết hơn về tổ chức và hoạt động của HĐND, kỳ họp HĐND, thường trực HĐND, các ban của HĐND và đại biểu HĐND (về giám sát của HĐND do Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định cụ thể). Theo đó, cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND có những nội dung mới sau: - Thứ nhất, quy định tiêu chuẩn, số lượng đại biểu HĐND các cấp (chuyển từ Luật Bầu cử đại biểu HĐND hiện nay sang quy định tại Luật này), trong đó có việc tăng thêm số lượng đại biểu HĐND ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ 95 lên 105 đại biểu. - Thứ hai, tăng cường vai trò của Thường trực HĐND, bảo đảm hoạt động thường xuyên giữa 2 kỳ họp HĐND; quy định rõ thường trực HĐND họp thường kỳ mỗi tháng 1 lần. - Thứ ba, thay chức danh ủy viên thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bằng chức danh phó chủ tịch HĐND; mở rộng thành viên thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên là trưởng ban của HĐND; thường trực HĐND cấp xã vẫn gồm chủ tịch và phó chủ tịch HĐND. - Thứ tư, ở HĐND thành phố trực thuộc trung ương thành lập thêm ban đô thị; ở HĐND cấp xã thành lập thêm 2 ban là ban pháp chế và ban kinh tế - xã hội. Thành viên các ban HĐND cấp xã hoạt động kiêm nhiệm. - Thứ năm, quy định đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Theo đó, chủ tịch HĐND, Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; phó chủ tịch HĐND, phó trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; ở cấp xã, quy định phó chủ tịch HĐND cấp xã là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; trưởng ban, phó trưởng ban và ủy viên của các ban của HĐND xã hoạt động kiêm nhiệm. - Thứ sáu, quy định khi có từ 10% trở lên trong tổng số cử tri trên địa bàn cấp xã yêu cầu, thường trực HĐND cấp xã có trách nhiệm xem xét tổ chức kỳ họp HĐND để bàn về nội dung kiến nghị của cử tri. - Thứ bảy, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện thành lập tổ đại biểu HĐND; HĐND cấp xã không thành lập tổ đại biểu HĐND. 7. Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân Kế thừa các nội dung hợp lý của Luật năm 2003, Luật bổ sung những điểm mới nhằm quy định chi tiết hơn về số lượng, cơ cấu thành viên UBND, nguyên tắc hoạt động của UBND; phiên họp UBND; phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của các thành viên UBND; mối quan hệ phối hợp công tác của UBND; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND. Theo đó, cơ cấu tổ chức và hoạt động của UBND có những nội dung mới sau: - Thứ nhất, quy định thành viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND, ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an để bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể của UBND bao quát đầy đủ các lĩnh vực chuyên môn, tạo điều kiện thực hiện việc giám sát của HĐND và lấy phiếu tín nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND và cơ quan quân sự, công an ở địa phương; quy định thành viên UBND cấp xã gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an. - Thứ hai, quy định số lượng phó chủ tịch UBND các cấp theo phân loại đơn vị hành chính, cụ thể như sau: + Đối với cấp tỉnh: Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 05 phó chủ tịch UBND; các thành phố trực thuộc trung ương còn lại và các tỉnh loại I có không quá 04 phó chủ tịch UBND; tỉnh loại II và loại III có không quá 03 phó chủ tịch UBND. + Đối với cấp huyện: Loại I có không quá 03 phó chủ tịch UBND; loại II và loại III có không quá 02 phó chủ tịch UBND. + Đối với cấp xã: Loại I có không quá 02 phó chủ tịch UBND; Loại II và loại III có 01 phó chủ tịch UBND. - Thứ ba, quy định kết quả bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND do người đứng đầu cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp phê chuẩn, trường hợp không phê chuẩn thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và yêu cầu HĐND tổ chức bầu lại chức danh không được phê chuẩn. Riêng đối với chức danh ủy viên UBND không thực hiện việc phê chuẩn kết quả bầu cử như Luật năm 2003. Chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên UBND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình ngay sau khi được HĐND bầu. - Thứ tư, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể UBND và chủ tịch UBND theo hướng đề cao trách nhiệm của chủ tịch UBND trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình và trong việc điều động, cách chức, đình chỉ chức vụ đối với chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp, chỉ định quyền chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp trong trường hợp khuyết chủ tịch UBND giữa hai kỳ họp HĐND. - Thứ năm, quy định UBND cấp xã mỗi năm có trách nhiệm tổ chức ít nhất một lần hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân về tình hình hoạt động của UBND và những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân ở địa phương. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến khi bầu ra Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại các đơn vị hành chính tiếp tục giữ nguyên cơ cấu tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. 2. Chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tiếp tục giữ nguyên cơ cấu tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11, Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho đến khi bầu ra chính quyền địa phương ở huyện, quận, phường theo quy định của Luật này. Trên đây là một số nội dung cơ bản của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015./. Phòng Tư pháp huyện Lộc Ninh sưu tầm và giới thiệu từ Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (http://moj.gov.vn/)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập407
  • Hôm nay3,309
  • Tháng hiện tại82,696
  • Tổng lượt truy cập15,814,477
Nông thôn mới
Thủ tục hành chính
Văn bản mới ban hành
Người Việt dùng hàng Việt
Tìm hài cốt liệt sĩ
Thông tin người phát ngôn
bank
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây