Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2016
Thứ năm - 17/12/2015 20:3829.5570
Chiều ngày 19/6/2015, với 100% đại biểu có mặt tán thành (433/433 đại biểu Quốc hội có mặt), Quốc hội đã thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) (sửa đổi). Luật gồm 9 chương, 62 điều, quy định về NVQS; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách trong việc thực hiện NVQS. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT
Trước yêu cầu phát triển của đất nước và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 (sửa đổi, bổ sung năm 1990, năm 1994 và năm 2005) về đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ; độ tuổi gọi nhập ngũ; đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ trong thời bình; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự và chế độ, chính sách về thực hiện nghĩa vụ quân sự... đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp thực tiễn, gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng quân đội.
II. BỐ CỤC CỦA LUẬT
Luật Nghĩa vụ quân sự gồm 09 chương, 62 Điều
1. Chương I. Những quy định chung: Gồm 10 điều (từ Điều 1 đến Điều 10), quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nghĩa vụ quân sự; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong thực hiện nghĩa vụ quân sự; nghĩa vụ phục vụ tại ngũ; nghĩa vụ phục vụ trong ngạch dự bị; chức vụ, cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ; quyền và nghĩa vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ; các hành vi bị nghiêm cấm.
2. Chương II. Gồm 10 điều (từ Điều 11 đến Điều 20), quy định về nguyên tắc đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự; đối tượng không được đăng ký nghĩa vụ quân sự; đối tượng miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự; cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự; đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu; đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung, khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập, tạm vắng, đăng ký miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến; đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị; đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
3. Chương III. Gồm 9 điều (từ Điều 21 đến Điều 29), quy định về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ; cách tính thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ; phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật; hạng của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị; độ tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị; nhóm tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị; huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị; kiểm tra sức khỏe đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị; giải ngạch dự bị.
4. Chương IV. Gồm 11 điều (từ Điều 30 đến Điều 45), quy định về độ tuổi phục vụ tại ngũ; tiêu chuẩn công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân; thẩm quyền quyết định việc gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân;nhiệm vụ của hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp tỉnh, huyện, xã.
5. Chương V. Gồm 03 điều (từ Điều 46 đến Điều 48), quy định về gọi nhập ngũ khi có lệnh động viên; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện lệnh động viên; xuất ngũ khi có lệnh bãi bỏ tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
6. Chương VI. Gồm 05 điều (từ Điều 49 đến Điều 53), quy định về chế độ chính sách của công dân trong thời gian đăng ký nghĩa vụ quân sự, khám, kiểm tra sức khỏe; chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ và thân nhân; chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thực hiện chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ.
7. Chương VII. Gồm 05 điều (từ Điều 54 đến Điều 58), quy định về cơ quan quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân các cấp.
8. Chương VIII. Xử lý vi phạm: Gồm 02 điều (từ Điều 59 đến Điều 60), quy định về xử lý vi phạm; hình thức kỷ luật đối với hạ sĩ quan, binh sĩ.
9. Chương IX. Điều khoản thi hành: Gồm 02 điều (Điều 61 và Điều 62), quy định về hiệu lực thi hành; quy định chi tiết.
III. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT
1. Những quy định chung
Chương này gồm các điều khoản có tính nguyên tắc chỉ đạo và các điều khoản chung, bao gồm những nội dung chủ yếu:
1.1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Luật Nghĩa vụ quân sự quy định về nghĩa vụ quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nghĩa vụ quân sự và chế độ, chính sách trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
1.2. Nghĩa vụ quân sự
“Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam; thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Đồng thời, bổ sung nội dung quy định mang tính nguyên tắc về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự: “Công dân không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú, trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này”.
2. Đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự
Đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với công dân đủ 17 tuổi trong năm phải được thực hiện tại ban chỉ huy quân sự cấp xã nơi công dân cư trú và quy định việc đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung, khi thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc, học tập, tạm vắng, đăng ký miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến, đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị và đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự.
3. Nhập ngũ và xuất ngũ trong thời bình
Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức
Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo và tổ chức thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự tại địa phương; tổ chức việc đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng công dân nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân và công dân phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự tại địa phương./.
Phòng Tư pháp huyện Lộc Ninh sưu tầm và giới thiệu từ Trang thông tin điện tử http://tambinh.vinhlong.gov.vn/ http://tambinh.vinhlong.gov.vn và http://bantuyengiao.cantho.gov.vn