Đề cương tuyên truyền Ngày pháp luật tháng 4/2016 - Cử tri cần biết: Bầu cử là quyền của công dân
Thứ sáu - 22/04/2016 08:146.0540
Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.
Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.
I/ Quyền bầu cử bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu.
Quyền bầu cử
Theo quy định của pháp luật, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì đều có quyền bầu cử.
Công dân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân chỉ được ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân không quá hai cấp; nếu đã ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân một cấp.
Cơ cấu, thành phần đại biểu Hội đồng nhân dân:
Cơ cấu, thành phần đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được dự kiến, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi đơn vị hành chính, theo các định hướng sau: Đại biểu trẻ dưới ba mươi lăm tuổi, phấn đấu đạt tỷ lệ chung không dưới 15%; đại biểu là phụ nữ, phấn đấu đạt tỷ lệ chung khoảng 30% trở lên, đại biểu là người ngoài Đảng, phấn đấu đạt tỷ lệ chung không dưới 10%.
Số người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó ít nhất hai người, trừ trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng theo hướng dẫn của Chính phủ.
Người đã có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố về hình sự, bị bắt giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị chết, thì Uỷ ban bầu cử, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, quyết định xoá tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử:
Kể từ ngày công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, thì công dân có quyền khiếu nại, tố cáo về người ứng cử; khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với Ban bầu cử. Ban bầu cử phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo thẩm quyền. Trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại với Ủy ban bầu cử. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng. Trong thời hạn mười ngày trước ngày bầu cử, Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử, ngưng việc tiếp nhận, tố cáo mới về người ứng cử và khiếu nại, kiến nghị về sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử.
Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đủ tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân thì Uỷ ban bầu cử các cấp quyết định xoá tên người đó trong danh sách những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết. Không xem xét, giải quyết đối với đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, đơn tố cáo mạo tên người tố cáo hoặc không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký, đơn tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới. Uỷ ban bầu cử chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị chưa được giải quyết và những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đã được giải quyết nhưng đương sự vẫn không đồng ý đến Thường trực đại biểu Hội đồng nhân dân khoá mới để giải quyết theo thẩm quyền.
II/ Các nguyên tắc bầu cử:
Ở nước ta, việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
* Nguyên tắc phổ thông: thể hiện tính toàn dân và toàn diện của bầu cử, bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, theo quy định của pháp luật.
Nhà nước phải đảm bảo để cuộc bầu cử thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
* Nguyên tắc bình đẳng: là nguyên tắc bình đẳng nhằm bảo đảm sự khách quan, không thiên vị, để mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử; nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào. Nguyên tắc này được thể hiện trong các quy định của pháp luật về quyền bầu cử và ứng cử của công dân: Mỗi cử tri được ghi tên ứng cử ở một nơi cư trú; mỗi người chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử; mỗi cử tri chỉ được bỏ phiếu một phiếu bầu; giá trị phiếu bầu của mọi cử tri như nhau mà không có sự phân biệt; số lượng dân cư như nhau thì được bầu số đại biểu bằng nhau. Bên cạnh đó, cần có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu để bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các vùng dân tộc thiểu số và tỷ lệ đại biểu nữ thích đáng..
* Nguyên tắc bầu cử trực tiếp: nghĩa là cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu để lựa chọn ra người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình, không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư.
Trường hợp cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì có thế nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu, người viết hộ phải đảm bảo bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và bầu.
* Nguyên tắc bỏ phiếu kín: Nguyên tắc này bảo đảm cho cử tri tự do chọn lựa người mình tín nhiệm mà không bị tác động bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài. Cử tri bầu ai, không bầu ai đều được đảm bảo bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến xem, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri viết phiếu bầu trong phòng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu. Các tổ chức phụ trách bầu cử không được vận động bầu cử cho những người ứng cử. Các thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử nói trên không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vận động bầu cử cho những người ứng cử nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng đối với những người ứng cử.
Về cử tri:
Cử tri là người có quyền bầu cử. Danh sách cử tri là cơ sở pháp lý để cử tri nhận thẻ cử tri, thực hiện quyền bầu cử của mình. Vì vậy, pháp luật quy định rất chặt chẽ về việc lập danh sách cử tri. Trong thời gian lập danh sách cử tri, công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri. Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách một nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Quy định như vậy nhằm đảm bảo để tất cả các cử tri đều được thực hiện quyền bầu cử. Mặt khác, nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong bầu cử, không ai có thể đi bỏ phiếu ở nhiều nơi.
Những người không được ghi tên vào danh sách cử tri là người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự.
Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu hai mươi bốn giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri.
Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Toà án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù, bị bắt tạm giam hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án nhân dân hoặc cơ quan hữu quan phải thông báo cho uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn đã lập danh sách cử tri xoá tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.
Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu thấy có sai sót thì trong thời hạn hai mươi lăm ngày, kể từ ngày niêm yết, mọi người có quyền khiếu nại bằng miệng hoặc bằng văn bản với cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu kiện, Toà án nhân dân phải giải quyết xong. Quyết định của Toà án nhân dân là quyết định cuối cùng.
Xác định, công bố kết quả bầu cử: Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Sau khi kiểm phiếu xong, Tổ bầu cử phải lập biên bản kết quả kiểm phiếu, gứi đên Ban bẩu cử và Ủy ban nhân dân, ban thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn chậm nhất là ba ngày sau ngày bầu cử./.
Phòng Tư pháp huyện Lộc Ninh sưu tầm và giới thiệu từ Trang thông tin điện tử http://phunudanang.org.vn