Từ nhiều năm nay, cứ vào dịp 8/3 hàng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Lộc Ninh thường tổ chức Họp mặt truyền thống kết hợp với việc tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sôi nổi và ý nghĩa như: hội diễn văn nghệ, hội thi nấu ăn, hội thi “Nét đẹp truyền thống phụ nữ dân thiểu số”, hái hoa dân chủ…Tháng 3 năm 2007, khi cả nước quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhận thức sâu sắc đây là một Cuộc vận động, là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cả nước, là cuộc vận động có ý nghĩa vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã nhanh chóng triển khai học tập, quán triệt nội dung đến các cơ sở Hội và đã cụ thể hóa thành những hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm, tình hình và điều kiện của chị em phụ nữ, do đó được hầu hết các cơ sở Hội đồng tình hưởng ứng và thực hiện hiệu quả.
Hội đã tiến hành tổ chức học tập các chuyên đề theo Kế hoạch, Hướng dẫn của Huyện ủy và Hội cấp trên như: ”Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay”; “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”;”Thực hành tiết kiệm chống tham ô, lãng phí, quan liêu”;”Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”; “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; tuyên truyền Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh; “Xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh,“là đạo đức, là văn minh”; “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời cần kiệm, liêm chính, chí, công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”.
Hội cụ thể hóa việc học tập các chuyên đề qua rèn luyện phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam “Tự trọng, tự tin, đảm đang, trung hậu”, hàng năm thu hút hàng chục ngàn lượt cán bộ, hội viên và phụ nữ quần chúng tham gia học tập thông qua các buổi sinh hoạt Hội, sinh hoạt Câu lạc bộ hàng tháng, quý, trong đó tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: xây dựng câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc tham gia bảo vệ an ninh biên giới”, câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ 3”, câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội”, câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia phòng, chống bạo lực gia đình”, câu lạc bộ “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, câu lạc bộ đờn ca tài tử, câu lạc bộ “Tiếp sức”, câu lạc bộ “Phụ nữ Công giáo không có người thân vi phạm pháp luật”, mô hình phụ nữ liên kết sản xuất - kinh doanh…; tổ chức các hội thi, hội diễn, qua đó gây quỹ giúp phụ nữ nghèo…Các mô hình này đã phát huy tác dụng, phù hợp, đáp ứng được nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng và điều kiện sinh hoạt của hội viên phụ nữ.
Hội luôn quan tâm động viên giáo dục mỗi cán bộ, hội viên thường xuyên thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày, trong tổ chức tiệc cưới, tiệc mừng, việc tang; hỗ trợ vốn, ngày công, cây trồng, vật nuôi giúp đỡ phụ nữ nghèo, phụ nữ tàn tật, đơn thân; tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, đấu tranh chống những biểu hiện quan liêu, xa hoa, lãng phí v.v...
Nhằm cụ thể hóa hơn nữa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để thực hiện; họp Ban thường vụ, Ban chấp hành để lấy ý kiến của tập thể. Các kế hoạch này được các cơ sở Hội nhất trí cao.
Dịp 8/3/2007, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện phát động phong trào nuôi “Heo đất tiết kiệm” lần thứ I đến 17 cơ sở Hội và Chi hội phụ nữ Công an huyện. 22 chú heo đất xinh xắn được trao tặng cho các cơ sở Hội, 05 chị em cán bộ cơ quan thường trực và tập thể Ban chấp hành với quyết tâm là dịp 8/3 năm sau sẽ tổ chức “Ngày hội đập heo đất – Tấm lòng vàng” và tiếp tục phát động cho năm sau. Từ những chú heo ban đầu này, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện mong muốn các cơ sở Hội sẽ hưởng ứng, nhân rộng ra đến các chi, tổ hội, hội viên phụ nữ, sẽ có hàng trăm chú heo được sinh ra và được nuôi lớn.
Đến tháng 3/2013 này, phong trào nuôi “Heo đất tiết kiệm” đã được Hội phát động lần thứ 7 và tổ chức “Ngày hội đập heo đất – Tấm lòng vàng” lần thứ 6 với những kết quả thật ấn tượng. Qua 6 lần tổ chức Ngày hội, các cấp Hội đã nuôi và đập 1.856 heo đất, tiết kiệm được 704.994.000 đồng. Từ số tiền này, các cơ sở Hội cấp Hội đã vận động thêm từ các mạnh thường quân, các đơn vị, tổ chức, cá nhân để lựa chọn và triển khai xây dựng được 125 công trình phúc lợi phục vụ cho phụ nữ, trẻ em tại cơ sở tổng trị giá 217.254.000 đồng (miệng giếng nước sạch, bồn nước, nhà vệ sinh, ti vi, công trình vui chơi cho trường mẫu giáo, làm đường, sửa chữa cầu, cống thoát nước, sân bóng chuyền, thăm bệnh, tặng quà, giúp vốn phát triển kinh tế, tặng học bổng, quà khuyến học...); giúp HVPN sửa chữa 34 căn nhà xuống cấp, hư hỏng với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng, vận động thêm trong hội viên, phụ nữ tặng 283 sổ tiết kiệm cho gia đình hội viên, phụ nữ khó khăn, gia đình chính sách với tổng trị giá 137.119.500 đồng. Hội cũng đã vận động thêm các mạnh thường quân hỗ trợ thêm vào nguồn tiền heo đất để xây tặng 67 “Mái ấm tình thương” với tổng trị giá 1.675.606.000 đồng. Nhiều điển hình tập thể, cá nhân như chi hội ấp K57 - Lộc Tấn, chi hội ấp 5 - Lộc Thái, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lộc Thiện, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lộc Hưng, Lộc Quang; chị Hà Thị Nhu – hội viên ấp 11B - Lộc Thiện, chị Phạm Thị Hữu – chi hội trưởng Chi hội ấp 4 - Lộc Thái, chị Phan Ngọc Tuyết – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lộc Quang và rất nhiều tập thể, cá nhân khác đã tích cực tham gia tiết kiệm, đóng góp nhằm giúp đỡ cho nhiều chị em phụ nữ khó khăn trong toàn huyện.
Phong trào “Hũ gạo tình thương” cũng là mô hình thiết thực được Hội triển khai từ năm 2007, mới đầu chỉ có 02 chi hội tham gia bằng cách mỗi gia đình hội viên mỗi ngày tiết kiệm một nắm gạo vào trong hũ. Các hũ gạo trong gia đình hội viên đơn giản chỉ là những lon sữa, ống tre, chai nhựa, túi nilon hoặc các dụng cụ có thể tái chế nhưng hàng năm đã tiết kiệm được hàng nghìn kg gạo giúp cho hàng trăm hộ gia đình khó khăn, hỗ trợ gạo hàng tháng cho hàng chục cụ già neo đơn. Đến nay, toàn huyện có 45 mô hình với hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. 6 năm qua Hội đã tiết kiệm được 18.031 kg gạo giúp được cho 1.218 lượt hộ gia đình nghèo, khó khăn, hoạn nạn. Điển hình trong phong trào này là chi hội phụ nữ ấp 4 - Lộc Hưng, ấp Tà Tê - Lộc Thành, ấp Quyết Thành - Lộc Khánh, chi hội phụ nữ ấp Chà Là – Lộc Thịnh, chi hội phụ nữ ấp Việt Tân – Lộc Quang; chị Nguyễn Thị Thanh - nữ kháng chiến thị trấn Lộc Ninh, chị Võ Thị Mật - chi hội K57- Lộc Tấn và rất nhiều tập thể, cá nhân khác đã tích cực thực hiện và đạt hiệu quả thiết thực đối với mô hình này.
Hội cũng đã tổ chức Hội thi “Kể chuyện và tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thu hút 32 thí sinh tham gia với 04 phần thi: trắc nghiệm tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác; kể chuyện về Bác, văn nghệ và một phần thi hết sức hấp dẫn và ý nghĩa: sử dụng các nguyên, vật liệu phế thải để tái chế thành những vật dụng có giá trị sử dụng, sau đó được trao tặng cho các trường mẫu giáo vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc.
Năm 2009, khi đọc trên báo Thanh niên có bài viết về phong trào viết Nhật ký làm theo lời Bác” của một Đoàn cơ sở, Hội đã nghiên cứu, vận dụng và phát động đến các cơ sở Hội trong huyện phong trào viết Nhật ký. Ban đầu các chị em rất bỡ ngỡ, e ngại, số người tham gia ít. Hội đã nâng phong trào lên thành cuộc thi và được chị em hưởng ứng nhiệt tình. Ban giám khảo đã được thành lập, chấm điểm khách quan, công bằng với kết quả thật phấn khởi. Nhiều cuốn nhật ký viết thật xúc tích, ấn tượng, sâu sắc, nội dung rất thiết thực, đời thường, nói lên những người thật, việc thật mà chính các chị là người trong cuộc hoặc tận mắt chứng kiến. Chị Võ Thị Mật - ấp K57 xã Lộc Tấn đạt giải nhất cuộc thi. Đến nay, Hội vẫn tiếp tục duy trì phong trào này với 339 cuốn nhật ký đang được viết, trong đó có 114 cuốn của tập thể và 225 cuốn của cá nhân.
Hội cũng phát động và thành lập đội phụ nữ tham gia “Hiến máu tình nguyện” đến 16/16 cơ sở Hội, mỗi đội có từ 8-10 thành viên thường xuyên tham gia hiến máu trong các đợt thực hiện và sẵn sàng hiến máu cứu người khi cần thiết. Từ năm 2007 đến nay, các cấp Hội từ huyện đến cơ sở đã phối hợp Hội Chữ thập đỏ vận động gần 2500 lượt hội viên, người thân đăng ký hiến máu tình nguyện, trong đó đã có gần 2000 lượt hội viên, phụ nữ, người thân đã được hiến máu với gần 2000 đơn vị máu.
Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, xây dựng các tổ nhóm phụ nữ tiết kiệm, huy động các nguồn vốn tín dụng tiết kiệm giúp cho phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo được Hội triển khai hiệu quả. Đến nay, tổng nguồn vốn do các cấp Hội khai thác và quản lý hơn 60 tỷ đồng, giúp cho hơn 13 ngàn lượt phụ nữ vay phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hội còn thăm hỏi ốm đau, bệnh tật, ma chay, thiên tai, hỏa hoạn, vận động quà tặng phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với hơn 2.018 lượt người với tổng trị giá gần 550 triệu đồng; tặng 47 suất học bổng trị giá 25.300.000 đồng cho các học sinh nghèo hiếu học.
Nhìn lại một chặng đường 6 năm qua thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TW và nay là Chỉ thị số 03/CT-TW, có thể thấy rằng Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Lộc Ninh là một trong những đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả, có những cách làm hay, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của chị em phụ nữ. Chi bộ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện và 01 cá nhân là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã (chị Phan Ngọc Tuyết – xã Lộc Quang) vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động; nhiều tập thể, cá nhân của Hội được tuyên dương tại Hội nghị sơ kết 2 năm, Hội nghị tổng kết 4 năm cấp huyện và cấp tỉnh.
Qua quá trình thực hiện, Hội đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm quan trọng, đó là: Xây dựng kế hoạch triển khai các cuộc vận động, các phong trào lớn nói chung phải chú trọng thực hiện ngay từ đầu để đi vào nề nếp, quy củ; phải phân công cán bộ phụ trách cụ thể từng cuộc vận động, từng nội dung để theo dõi, nắm bắt tiến độ thực hiện và chịu trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao; biết lựa chọn công việc, hoạt động phù hợp với điều kiện, đặc thù, khả năng của từng người, từng tổ chức sẽ đem đến hiệu quả, thành công; việc sắp xếp các văn bản chỉ đạo của cấp trên, tài liệu học tập, nghiên cứu, quản lý hồ sơ sổ sách phải khoa học, ngăn nắp, sạch đẹp, mở sổ theo dõi và thường xuyên cập nhật số liệu, có thể bố trí ngăn riêng để cất giữ tài liệu, văn bản liên quan để việc sơ, tổng kết, xây dựng báo cáo được xuyên suốt, kịp thời và hiệu quả, có thể cung cấp ngay khi cần (kiểm tra, đánh giá, phân loại, so sánh, đối chiếu, bình xét, khen thưởng); công tác kiểm tra luôn là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết đảm bảo cho cuộc vận động hay phong trào thành công.
Trong năm 2013 và những năm tới, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, của Hội; tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước với các đức tính “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, tuyên truyền luật pháp, chính sách đến cán bộ, hội viên phụ nữ.
Hội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với tiếp tục thực hiện các cuộc vận động, các phong trào khác của Trung ương, tỉnh, huyện tổ chức, qua đó, kêu gọi sự ủng hộ nhiệt tình của cá nhân, tập thể giúp cho phong trào ngày càng lan rộng và đạt hiệu quả, từng bước nâng cao nhận thức, từ đó việc “làm theo” trở thành hành động tự giác, tự nguyện đối với mỗi người.
Tin tưởng rằng với sự năng động, sáng tạo, quyết tâm của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Lộc Ninh, sự đồng thuận, nhất trí cao của cán bộ, hội viên phụ nữ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, Hội cấp trên, sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn trong huyện, việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong các cấp Hội phụ nữ Lộc Ninh sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công mới, góp phần vào thành công chung của huyện nhà trong việc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TW của Bộ Chính trị./.