Trường có bốn mươi cán bộ, giáo viên, nhân viên, có 23 lớp với 539 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 63%. Trường được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1986, đến nay có nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng, còn thiếu, như nhà vệ sinh, hàng rào, phòng học xuống cấp…, nhất là ở các điểm lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học của nhà trường. Sân trường mịt mù đất đỏ vào mùa nắng, lầy lội vào mùa mưa, không có lấy một chỗ để các em vui chơi đàng hoàng. Quần áo các em học sinh đều lấm lem, nhem nhuốc sau mỗi buổi tan trường. Những giờ sinh hoạt dưới cờ cả thầy và trò đều rất chật vật, khó khăn. Thường xuyên chứng kiến những hình ảnh đó, Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường – thầy Trần Xuân Thìn không khỏi bức xúc, băn khoăn, trăn trở, mong muốn phải làm một điều gì đó để khắc phục tình trạng này.
Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, đắn đo, vào dịp đầu năm học 2012-2013, tại phiên họp Hội đồng giáo dục nhà trường tháng 10, thầy Thìn đã đưa ra ý tưởng với cán bộ, giáo viên về việc cải tạo sân trường để có chỗ cho các em sinh hoạt, vui chơi.
Sau khi đã bàn bạc, tập thể nhà trường thống nhất là sẽ đổ bê tông sân trường. Vấn đề lớn nhất ở đây là kinh phí. Lấy kinh phí ở đâu ra để làm, khi ngân sách của huyện phân bổ về có hạn, đã ưu tiên cho các hạng mục khác cần thiết hơn? Cha mẹ các em học sinh ở đây phần lớn kinh tế khó khăn, lại là người đồng bào dân tộc thiểu số. Phải làm thế nào để có thể thực hiện được công trình này, đó là một thách thức đối với bản thân hiệu trưởng, Ban Giám hiệu nhà trường và tất cả các giáo viên, nhân viên.
Chính vì thế thầy Thìn đã đề xuất với chi bộ nhà trường phương án là kêu gọi sự ủng hộ đóng góp vật chất, tinh thần của tập thể nhà trường. Sau khi đã được sự chấp thuận của chi bộ nhà trường, Chi bộ đã giao trách nhiệm cho thầy Thìn bàn với Công đoàn nhà trường kêu gọi, phát động tập thể hội đồng nhà trường đi tiên phong trong đóng góp, ủng hộ, thầy cũng xung phong đi đầu ủng hộ với số tiền là 600.000 đồng. Khi nghe thầy trình bày xong, mọi người đều tán thành và ủng hộ được gần mười hai triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, thầy cũng tham mưu với Ban Đại diện Cha mẹ học sinh của trường kêu gọi các bậc phụ huynh ủng hộ. Thấy được mục đích, ý nghĩa to lớn và quyết tâm của nhà trường, Ban Đại diện Cha mẹ học sinh trường đã vận động, đóng góp, hỗ trợ hai mươi hai triệu đồng. Một số tiền có thể nói là không nhiều, thậm chí là còn khiêm tốn so với những nơi khác, nhưng đối với trường Tiểu học Lộc An đó là cả một sự cố gắng rất lớn.
Với số tiền ba mươi bốn triệu đồng, việc thi công sân trường chắc chắn sẽ khó khăn, kết quả chẳng được bao nhiêu. Một lần nữa, thầy Thìn và Công đoàn lại vận động các thầy, cô giáo, nhân viên nhà trường đóng góp ngày công lao động và được mọi người nhiệt tình ủng hộ. Vậy là bắt đầu từ tháng 11 đến hết tháng 12 năm 2012, từ lãnh đạo Ban Giám hiệu, giáo viên cho đến nhân viên nhà trường không biết đến ngày thứ bảy, chủ nhật là gì. Họ trở thành những người thợ xây, tự khiêng, đổ, xếp đá, cát, tự trộn, đổ bê tông. Có hôm mải làm việc, đến tận một, hai giờ chiều mọi người mới được gói mì tôm lót dạ. Gương mặt các thầy, cô phút chốc đen sạm, những đôi tay chỉ quen cầm bút giờ trở nên chai sần, rất mệt nhưng ai nấy đều háo hức, sung sướng về công việc mình đang làm. Có hôm mọi người làm việc từ sáu giờ sáng đến sáu giờ chiều mới chịu nghỉ. Cuối cùng, sau hai tháng trời ròng rã, với hàng trăm ngày công của đội quân xây dựng không chuyên, một khuôn viên sân trường bằng bê tông khang trang, chắc chắn, sạch đẹp với diện tích gần 700m2, tổng trị giá khoảng 49 triệu đồng đã hoàn thành trước ánh mắt ngỡ ngàng, khâm phục của học sinh, cha mẹ các em, chính quyền và người dân trong xã.
Học sinh tập thể dục giữa giờ trên sân trường sạch, đẹp
Các em học sinh thoải mái vui chơi trên sân trường
Vậy là từ nay các em học sinh trường Tiểu học Lộc An đã có thể tự hào vì có một nơi sinh hoạt dưới cờ, một sân chơi sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo sức khỏe. Các thầy, cô giáo lại nhận thức sâu sắc được rằng thông qua công trình nhỏ bé nhưng đậm tính nhân văn này đã thể hiện tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, từ đó đã tạo nên một sức mạnh tập thể, việc gì dù khó khăn đến đâu, nhưng nếu có tình yêu thương, cảm thông, chia sẻ với các em học sinh thân yêu của mình, các thầy, cô và tất cả mọi người đều có thể làm được.
Sau khi hoàn thành công trình, trường đã họp rút kinh nghiệm, đánh giá những việc làm được, chưa làm được, xem thành công bước đầu này là cơ sở để thực hiện cho những năm tiếp theo vì diện tích sân trường còn nhiều. Đồng thời, trong quá trình thực hiện nhà trường cũng sẽ chủ động kêu gọi thêm sự ủng hộ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để kết quả đạt được tốt hơn.
Công trình đã góp phần tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục triệu đồng. Đây cũng là hoạt động thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của tập thể nhà trường trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời cụ thể hóa việc thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các trường, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc với các trường, xã trung tâm trên địa bàn huyện Lộc Ninh nói chung, xã Lộc An nói riêng./.