Thế nhưng tinh thần tình nguyện được hiểu như thế nào cho đúng? Làm sao để hai chữ “tình nguyện” vừa thiêng liêng vừa gần gũi thiết thực khiến cả người thực hiện nó lẫn người được nó phục vụ đều có chung một cảm giác dễ chịu.
Thế nào là tình nguyện? Đôi lúc chúng ta đã hiểu lệch tình nguyện thành tự nguyện. Tự nguyện chỉ là tinh thần tự giác tham gia một việc gì đó mang tính chất cá nhân nhiều hơn. Dựa trên tinh thần tự nguyện chúng ta làm những việc có ích cho cộng đồng, đó mới là tình nguyện. Tôi rất thích câu nói của một người thầy đã dạy chúng tôi năm xưa: "Làm những gì người khác cần, cho dù mình không thích, đó là đỉnh cao của tinh thần tình nguyện”.
Đẹp thay hai tiếng “tình nguyện” nhưng có nhiều bạn không những hiểu không đúng mà thậm chí còn “đo đạc” một cái giá cho tinh thần tình nguyện. Họ cho rằng mình đã bỏ ra công sức thì phải được trả công. Và với suy nghĩ đó, họ đi “tình nguyện” mà hoàn toàn không phải vì mục đích đích thực của tình nguyện. Làm tình nguyện bạn sẽ nhận được rất nhiều, điều quan trọng là bạn thấy mình có ích, vẫn còn hạnh phúc và may mắn hơn nhiều người khác. Được sống hoà nhập với cộng đồng, vì cộng đồng, thể hiện được sức trẻ dồi dào…, thiết nghĩ đáng quí hơn nhiều so với số tiền kia.
(Tiếp nhận chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh năm 2015)
Song nói đi cũng cần nói lại, các bạn cũng cần có điều kiện để tinh thần tình nguyện được đảm bảo. Nào là chi phí vận chuyển, sức khoẻ,…. sẽ là cản trở để các bạn có thể cống hiến hết mình nếu không được hỗ trợ. Khó khăn này được giải quyết theo 2 hướng: một mặt, tổ chức (Nhà trường, Đoàn, Hội) quan tâm và có kế hoạch, kinh phí hỗ trợ; mặt khác, chúng ta tự tìm nguồn tài trợ, coi đây là một phần của kế hoạch trình nguyện (vận động người khác cùng tham gia tình nguyện với mình). Ngày trước, người ta gọi hoạt động tình nguyện là “lao động công ích”. Có một vài bạn đã tâm sự: “Những bạn trẻ giờ đây không biết rằng trước kia khái niệm lao động công ích không có nghĩa là mấy chục ngàn, mà hơn thế đó là một hình thức để mọi công dân thực hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng, thể hiện một cách đẹp đẽ nhất việc làm chủ tập thể của mỗi người dân. Hình thức lao động ấy có thể không mang lại hiệu suất cao, nhưng đó là việc cần thiết bởi người ta sẽ có ý thức nhiều hơn về lao động, về cuộc sống cộng đồng”.
Không ít ý kiến cho rằng đã là tình nguyện thì phải làm những “việc lớn”, đi về những vùng xa xôi chứ không “bõ công” làm những việc nhỏ ở những nơi mà ta thường xuyên qua lại. Đa số các bạn tham gia chỉ muốn đi về các mặt trận vùng xa chứ không muốn “trực chiến” tại mặt trận của đơn vị mình. Đồng ý rằng mặt trận tại những vùng, tỉnh khác có nhiều khó khăn và khi đi về đó các bạn sẽ cảm thấy vui hơn với môi trường mới, được sống chung với nhau và hoà nhập với bà con ở đó. Nhưng ngay tại đơn vị, địa phương cũng có rất nhiều nơi cần chúng ta. Phải chăng không phải thấy vui thì mới đi tình nguyện?
Những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng càng lúc càng có nhiều bạn tham gia, đó là một tín hiệu đáng mừng nhưng không phải tất cả tình nguyện viên đã cảm nhận được hết ý nghĩa hai chữ ”tình nguyện”. Thiết nghĩ điều đó cũng dễ hiểu, nhưng quan trọng hơn là đằng sau mỗi hoạt động ấy còn đọng lại trong bạn những gì? Cho nên việc nâng cao chất lượng các hoạt động cũng như tổ chức nhiều hơn các cuộc nói chuyện ĐVTN về tinh thần tình nguyện, công tác xã hội là điều cần thiết để nâng cao ý thức, với hy vọng sau mỗi hoạt động, ý nghĩa cao đẹp của hai chữ tình nguyện dần tự hình thành trong tâm thức mỗi người.
Nếu cứ mãi hỏi hạnh phúc là gì thì bạn sẽ suốt đời không tiếp cận được với nó. Hạnh phúc của mình là làm cho người khác được hạnh phúc – đó là phương châm của tinh thần tình nguyện. Hãy đi, hãy làm, hãy sống hết mình rồi bạn sẽ thấu hiểu điều ấy. Hãy cống hiến để thấy không hối hận vì những năm sống hoài sống phí, bạn đang có trong tay những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời - những năm tháng của tuổi trẻ để nghe tinh thần tình nguyện trong tim.