Huyện Lộc Ninh với Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2012
Căn cứ Công văn số 6975/BYT-UBQG50 ngày 15/10/2012 của Uỷ ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm về việc triển khai thực hiện Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2012 (từ ngày 10/11/2012 đến ngày 10/12/2012); thực hiện Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 21/11/2012 của UBND tỉnh Bình Phước về việc “Triển khai thực hiện Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2012 (từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2012); chương trình công tác năm 2012 của UBND huyện; nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và nhận thức về công tác phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong huyện, vừa qua, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2012 và đã tổ chức Lễ phát động, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2012 vào sáng ngày 01/12/2012.
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay nhằm tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào việc thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”; thu hút sự quan tâm và tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các tổ chức dựa vào cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của những người dễ tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người; mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và tăng cường quảng bá các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ thay đổi hành vi, thực hiện hành vi an toàn tự phòng tránh lây nhiễm HIV đến mọi người dân, đồng thời qua đó tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.
Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) phát động nhân Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm nay (01/12) tiếp tục là “Getting to Zero - Hướng tới mục tiêu ba không” và chủ đề mà Việt Nam tập trung vào tiếp tục là “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”, với nội dung chủ yếu là truyền thông, vận động thay đổi hành vi tự phòng tránh lây nhiễm HIV và tăng cường tiếp cận, cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
Nhằm thực hiện Tháng hành động, Ủy ban nhân dân huyện đã đề ra một số nội dung chủ yếu như:
- Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc huyện và Ban tổ chức thực hiện các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các ban, ngành, đoàn thể, UBND xã, thị trấn và thành viên BCĐ cùng cấp thực hiện nghiêm túc Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và tổ chức tốt Lễ kỷ niệm Ngày thế giới phòng, chống AIDS 2012.
- Tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, đánh giá việc thực hiện triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ cụ thể của ngành.
- Tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa Chương trình can thiệp giảm tác hại bằng bao cao su và cung cấp bơm, kim tiêm sạch trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao trên địa bàn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ lây nhiễm ra cộng đồng.
- Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình thương yêu đồng loại giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống, xoá bỏ rào cản, kì thị đối với người không may bị nhiễm HIV/AIDS. Tổ chức các buổi Hội thảo, toạ đàm, các cuộc gặp mặt thân thiện giữa lãnh đạo địa phương, các phòng, ban, tổ chức xã hội với người nhiễm HIV và gia đình của họ, động viên, khuyến khích tạo điều kiện cho họ xoá bỏ tự ti, vươn lên hoà nhập cộng đồng.
- Tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là nhóm người có nguy cơ cao thực hiện các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS và chủ động tiếp cận sớm với các dịch vụ can thiệp giảm tác hại, dịch vụ chăm sóc giảm tác hại HIV/AIDS, dịch vụ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
- Tiếp tục đẩy mạnh và nhân rộng mô hình “Toàn dân tích cực tham gia phòng, chống HIV/AIDS ”, phối hợp thực hiện cuộc vận động “Xây dựng mô hình nông thôn mới”, “Khu phố, xã – thị trấn văn hoá”.
- Trong công tác truyền thông, tùy tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị có thể lựa chọn một hoặc một số nội dung hoạt động để triển khai thực hiện như: tăng cường các hoạt động truyền thông và vận động hưỏng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS; chú trọng đến những người dễ tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường phổ biến Luật phòng, chống HIV/AIDS, Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 tầm nhìn 2030, Chỉ thị số 16 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản qui phạm pháp luật khác, đặc biệt chú trọng truyền thông về quyền và trách nhiệm của mọi ngưòi dân nói chung bao gồm cả người nhiễm HIV trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và dự phòng lây nhiễm HIV, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp các dịch vụ này đến mọi người dân có nhu cầu; tập trung vào việc tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp như nói chuyện sức khoẻ cá nhân, với nhóm, thăm hỏi, động viên các gia đình có người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao và các hình thức truyền thông có hiệu quả khác như: Đội tuyên truyền lưu động, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, hái hoa dân chủ với nội dung phòng, chống HIV/AIDS…phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đơn vị; tăng cường viết bài, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức các đêm văn nghệ truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, nhất là ở các xã, ấp; tăng cường các buổi tuyên truyền, nói truyện trực tiếp, các buổi tập huấn kiến thức cho mọi đối tượng về Chương trình phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt chú trọng tuyên truyền thay đổi hành vi cho đối tượng có nguy cơ cao; tổ chức các sự kiện truyền thông có sự tham gia của người nhiễm HIV/AIDS và gia đình người nhiễm; xây dựng các cụm panô, khẩu hiệu, treo băng rôn tại các cơ quan, địa điểm công cộng có đông người qua lại như các trục đường giao thông chính, bến xe, trung tâm các xã, thị trấn, ấp, khu phố… và cổng các cơ quan đơn vị, trường học, bệnh viện.
Huyện cũng chỉ đạo 100% xã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đồng loạt tổ chức cùng một thời điểm lúc 7h 00 phút (thứ 7, ngày 01/12/2012), tùy điều kiện, tình hình cụ thể để lựa chọn địa điểm phù hợp (có thể tại xã hoặc tại các trường)…Riêng thị trấn Lộc Ninh không tổ chức tại thị trấn mà tham dự Lễ tại huyện.
Đối với cấp huyện, huyện tổ chức Lễ phát động Tháng hành động và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12 tại Nhà Giao tế huyện vào lúc 7h 00 phút (thứ 7, ngày 01/12/2012) với sự tham gia của khoảng 900 người, trong đó về đại biểu có đại diện Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các thành viên Ban chỉ đạo, đại diện các phòng, ban, đoàn thể huyện, đại diện lãnh đạo Đảng ủy - Ủy ban nhân dân thị trấn; về các lực lượng tham gia gồm Đoàn thanh niên, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện, cán bộ, viên chức Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế, Phòng Y tế, phòng Giáo dục & Đào tạo, cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, đoàn viên Công đoàn thuộc Liên đoàn lao động huyện và cán bộ, nhân dân thị trấn Lộc Ninh. Ngoài ra lực lượng giáo viên và học sinh trường THPT Lộc Ninh tham gia hùng hậu nhất với hơn 600 người.
Ngoài những hoạt động nêu trên, Ủy ban nhân dân huyện cũng chỉ đạo triển khai thực hiện các Chương trình hành động phòng, chống HIV/AIDS thiết thực nhằm thu hút các nhà lãnh đạo và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia như: tăng cường giám sát phát hiện người nhiễm HIV, quản lý điều trị bệnh nhân AIDS, thực hiện tốt việc chuyển tiếp, chuyển tuyến nhằm mục đích để mọi người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ; mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, đặc biệt dịch vụ cung cấp bao cao su, bơm tiêm sạch cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao; rà soát chấn chỉnh, giám sát, hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo tính luôn sẵn có, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ và chăm sóc người nhiễm HIV, vận động người nhiễm HIV và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức các đợt giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS của các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương, đơn vị …
Để triển khai thực hiện Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân huyện đã giao Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS huyện tiến hành họp Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng ngành, thành viên, bàn bạc giải pháp thực hiện. Nhất là công tác chuẩn bị cho Lễ phát động. Nhờ đó, năm nay buổi Lễ phát động đã thu hút hơn 900 người đến tham dự, cổ vũ. Kết thúc buổi lễ, Ban tổ chức đã tổ chức cho các đại biểu đi diễu hành trên trục quốc lộ 13.
Qua theo dõi, tổng hợp, nhiều xã cũng đã có các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động rất sôi nổi, hiệu quả trong điều kiện kinh phí và tình hình thực tế của địa phương, góp phần để Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS huyện Lộc Ninh thật sự thành công, hiệu quả như: tổ chức Lễ phát động, nói chuyện chuyên đề, tập huấn, hái hoa dân chủ, thăm, tặng quà cho người bị nhiễm HIV và con của họ để chia sẻ, cảm thông./.