Căn cứ Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 414/QĐ-UBDT ngày 11/7/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt Danh sách thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; theo đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, ngày 18/7/2018; thừa ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Dũng đã ký ban hành Quyết định số 1663/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt Phương án thực hiện Mô hình điểm về giảm nghèo bền vững thông qua việc hỗ trợ người dân xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập và người dân xã Lộc Khánh, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh “chăn nuôi bò sinh sản”.
Tại Điều 1 Quyết định nêu rõ: “Phê duyệt Phương án thực hiện mô hình điểm về giảm nghèo bền vững thông qua việc hỗ trợ người dân 03 xã: Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập; xã Lộc Khánh và xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh “chăn nuôi bò sinh sản” (theo Phương án tại từng xã cụ thể do Ban Dân tộc tỉnh xây dựng kèm Tờ trình số 16/TTR-BDT ngày 06/7/2008)”.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện Bù Gia Mập chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Đắk Ơ; Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Lộc Khánh, Ủy ban nhân dân xã Lộc Quang triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định.
Theo số liệu thống kê, cuối năm 2017, xã Lộc Khánh có 244 hộ nghèo/1.575 khẩu, chiếm 15,75% dân số; 265 hộ cận nghèo/1.098 khẩu, chiếm 14,44% dân số toàn xã. Xã Lộc Quang có 286 hộ nghèo/1.144 khẩu, chiếm 15,18% dân số; 159 hộ cận nghèo/721 khẩu, chiếm 8,44% dân số toàn xã.
Trước đó, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng các Phương án mô hình điểm cụ thể đối với từng xã. Trong đó, đối với huyện Lộc Ninh, xã Lộc Khánh có 15 hộ nghèo, cận nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được chuyển giao 15 con bò giống sinh sản; xã Lộc Quang có 20 hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng, sẽ được chuyển giao 20 con bò giống sinh sản.
Nội dung thực hiện mô hình gồm: Tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc bò giống; Hỗ trợ xây dựng mô hình; Kiểm tra, nghiệm thu; Duy trì chế độ hội họp của các hộ tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản.
Tổng kinh phí thực hiện mô hình tại xã Lộc Khánh là 385 triệu 500 ngàn đồng, trong đó nguồn vốn thực hiện từ kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 310 triệu đồng; từ kinh phí của Ủy ban nhân dân xã Lộc Khánh 2 triệu đồng; số kinh phí từ nguồn vận động đóng góp của nhân dân 73 triệu 500 ngàn đồng. Tổng kinh phí thực hiện mô hình tại xã Lộc Quang 512 triệu đồng, trong đó nguồn vốn thực hiện từ kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 412 triệu đồng; kinh phí của Ủy ban nhân dân xã Lộc Quang 2 triệu đồng; kinh phí từ nguồn vận động đóng góp của nhân dân 98 triệu đồng.
Để thực hiện được mô hình, Ban Dân tộc tỉnh đã phân công trách nhiệm cụ thể của các cấp, các đơn vị liên quan, cụ thể là Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc - Tôn giáo huyện Lộc Ninh, Ủy ban nhân dân xã Lộc Khánh, Ủy ban nhân dân xã Lộc Quang và các đối tượng thụ hưởng.
Tin tưởng rằng, các mô hình này sẽ góp phần giải quyết khó khăn trong lao động, sản xuất và sinh hoạt của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, qua đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, tạo lòng tin vững chắc của người dân tộc thiểu số luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước./.