HIEN KE
sn bac

Một chuyến đi học tập kinh nghiệm thiết thực, bổ ích

Thứ năm - 22/06/2017 10:23 4.068 0

Một chuyến đi học tập kinh nghiệm thiết thực, bổ ích

Thực hiện Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 03/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, từ ngày 09/5 đến ngày 12/5/2017 vừa qua, Đoàn cán bộ tỉnh Bình Phước do ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi giao lưu, học tập kinh nghiệm về thực hiện chính sách dân tộc tại hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. Lãnh đạo Ban Dân tộc, một số sở, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện Bù Đăng, Chơn Thành, Bù Đốp, Lộc Ninh và thị xã Phước Long đã tham gia cùng Đoàn.
Tuy thời gian giao lưu, học tập kinh nghiệm diễn ra không nhiều nhưng các thành viên trong Đoàn đã trao đổi, giao lưu, học tập được rất nhiều kinh nghiệm quý báu từ các đơn vị bạn.Chuyến đi diễn ra theo đúng lịch trình của Kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Lãnh đạo, cán bộ của ba tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Khánh Hòa và một số huyện, thị trực thuộc đã chia sẻ, trao đổi cởi mở về tình hình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của địa phương mình, từng cán bộ đã chia sẻ trực tiếp những vấn đề mà mình quan tâm. Các tỉnh bạn đã tổ chức đón tiếp rất nhiệt tình chu đáo, nồng hậu, chuẩn bị nội dung, bố trí thành phần, địa điểm làm việc kỹ lưỡng, tạo cho chuyến đi thuận lợi, hiệu quả, qua đó góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa các cơ quan chuyên môn của ba tỉnh và các địa phương. Ngoài làm việc tại trụ sở hai tỉnh, Đoàn cán bộ tỉnh Bình Phước còn được hướng dẫn đến làm việc, trao đổi, học tập kinh nghiệm với lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Đoàn đã đi tham quan thực tế một số mô hình, trong đó có mô hình sản xuất rau quả của Trang trại Phong Thúy, xã KNai, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng – một mô hình rất hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao trong quy trình sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo nhiều công ăn, việc làm ổn định cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua chuyến đi, theo báo cáo của các tỉnh cũng như quá trình đi thực tế ở các địa phương, cho thấy, việc triển khai thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc ở các tỉnh bạn cũng như tỉnh Bình Phước là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi các ngành, các địa phương phải ra sức phấn đấu triển khai thực hiện và phải không ngừng sáng tạo, vận dụng phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng địa phương. Song, so với tỉnh Bình Phước, các tỉnh bạn gặp nhiều thuận lợi hơn do điều kiện thu ngân sách cao hơn, từ đó công tác chi ngân sách cũng tốt hơn. Ngoài chi từ ngân sách do Trung ương cấp, tỉnh còn sử dụng ngân sách địa phương để chi cho công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc. Ở tỉnh Lâm Đồng, công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm, chú trọng: thực hiện tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp ra trường, đưa đi đào tạo, bồi dưỡng sáu tháng tại Trường Chính trị tỉnh, sau đó giới thiệu về bầu chức danh lãnh đạo của các xã nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tỷ lệ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở cấp xã của tỉnh Lâm Đồng chiếm 19,8% (590/2.988 cán bộ, công chức toàn tỉnh). Tỉnh cũng vận dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn theo quy định, sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho các thôn, xã còn khó khăn nhưng chưa đủ tiêu chí đặc biệt khó khăn để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Hàng năm, huyện Đức Trọng tiết kiệm chi 2% ngân sách địa phương để chi cho công tác khuyến nông, hỗ trợ cây giống, con giống, khoa học - kỹ thuật cho vùng dân tộc thiểu số để đẩy mạnh phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững vùng dân tộc thiểu số. Huyện cũng chú trọng hỗ trợ hình thành các vùng sản xuất tập trung, thành lập các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để thực hiện ký hợp đồng với các doanh nghiệp, nhằm thực hiện hỗ trợ áp dụng khoa học - kỹ thuật cây giống, con giống chất lượng cao, giúp bà con sản xuất theo hướng hàng hóa thị trường, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để đảm bảo về giá cả và đầu ra ổn định. Đồng bào dân tộc thiểu số của huyện nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa, thấy được hiệu quả việc tham gia các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, nhất là các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, từ đó tích cực hưởng ứng, tham gia. Tại tỉnh Khánh Hòa, để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được triển khai thực hiện hiệu quả, tỉnh giao cho các trường dạy nghề ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu về lao động, liên kết với các cơ sở đào tạo nghề của thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo nghề theo kế hoạch, nhu cầu của các doanh nghiệp, gắn với việc bố trí việc làm để nâng cao hiệu quả thực hiện; học viên đi học không phải đóng tiền khi đăng ký học nghề. Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề như: Chính sách về tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số; Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ, giảm nghèo bền vững; Hỗ trợ thực hiện các chính sách an sinh xã hội: đào tạo nghề, hỗ trợ về nhà ở, điện, nước sinh hoạt; Hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn vào khu sản xuất tập trung của người dân tộc thiểu số để tạo điều kiện luân chuyển hàng hóa, giao thông đi lại; Ban hành quyết định phân công nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ hộ gia đình khó khăn tại các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi; Các chính sách hỗ trợ về y tế: mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh, hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân điều trị nội trú là đồng bào dân tộc thiểu số; Chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo; Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số;… Huyện Cam Lâm cũng đề ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả như: tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống gắn với phát triển kinh tế, cung cấp dịch vụ cho khách tham quan, du lịch; ưu tiên tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục (350 tỷ đồng); có chính sách đào tạo dài hạn: (phối hợp với các trường trung học phổ thông trên địa bàn, lựa chọn các em có học lực khá, giỏi, hỗ trợ kinh phí học tập cho các em, sau đó, hướng cho các em lựa chọn, thi vào các trường mà địa phương có nhu cầu, sau khi tốt nghiệp ra trường, địa phương thi tuyển, xét tuyển, bố trí sử dụng); tăng cường đưa y, bác sĩ luân phiên về cơ sở;… Huyện Cam Lâm nói riêng, nhiều huyện thị của tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện tốt việc vận động các doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký, cam kết và có những biện pháp cụ thể giúp đỡ cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cụ thể trên địa bàn. Đây là một giải pháp rất hay, sáng tạo, phù hợp và nhận được sự quan tâm, đồng thuận của doanh nghiệp và nhân dân. Có thể nói, những chuyến đi giao lưu, học tập kinh nghiệm như thế này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các ngành, địa phương thấy được những cách làm hay, sáng tạo của các đơn vị bạn, từ đó có thể nghiên cứu, vận dụng phù hợp với địa phương mình, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng về chính sách dân dân tộc trong thời gian tới./.

Tác giả: Họa My - VP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay375
  • Tháng hiện tại6,396
  • Tổng lượt truy cập16,138,569
Nông thôn mới
Thủ tục hành chính
Văn bản mới ban hành
Người Việt dùng hàng Việt
Tìm hài cốt liệt sĩ
Thông tin người phát ngôn
bank
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây