Với đặc thù của xã Lộc Phú là rất phù hợp cho con Dê phát triển, thuận lợi về nguồn thức ăn tận dụng tại các vườn nhà không phải đầu tư tiền thức ăn cho con Dê, từ các cây trụ sống của Hồ tiêu là cây Me keo, khí hậu, thổ nhưỡng nên đàn Dê phát triển rất mạnh. Tuy nhiên phát triển chăn nuôi theo tính tự phát, không theo định hướng, thường bị thương lái ép giá rất thiệt thòi cho người dân chăn nuôi Dê.
Mục đích của mô hình là tạo điều kiện đa dạng hóa tổ chức chăn nuôi, tập hợp các hộ dân có cùng nghề chăn nuôi Dê, từ đó tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững. Việc thành lập mô hình tổ hợp tác chăn nuôi, kinh doanh dê của phụ nữ xã Lộc Phú góp phần thúc đẩy xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, tăng cường mối liên kết giữa hộ chăn nuôi với thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng liên kết tập trung có đầu ra ổn định. Xây dựng chương trình đầu tư thiết thực, tạo điều kiện cho tổ viên và người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng chính sách, sản phẩm làm ra được cơ quan nhà nước kiểm định là sản phẩm sạch, mời chuyên gia về tư vấn kỹ thuật chăm sóc, nâng cao chất lượng cho sản phẩm.
Đặt tên Tổ hợp tác là “Tân Thắng” xuất phát từ mong muốn của 34 thành viên chủ yếu ở hai ấp Thắng Lợi và Tân Lợi , qua đó Hội LHPN xã sẽ định hướng nhân rộng ra các ấp khác và tiến tới sẽ thành lập Hợp tác xã, từ đó, định hướng cho người dân chuyển đổi sang mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả nhằm góp phần phát triển kinh tế ổn định góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.