Những con người ấy thật đáng biểu dương, tôn vinh và học tập. Mời các bạn hãy cùng gặp gỡ với một trong những gương mặt ấy.
Căn nhà – tiệm hớt tóc của gia đình anh Hùng)
Đó là anh Lê Minh Hùng, cư trú tại ấp Bù Núi B, xã Lộc Tấn. Năm nay mới chỉ 36 tuổi, nhưng trông anh có vẻ già hơn những người cùng trang lứa rất nhiều. Anh kể rằng lúc mới sinh ra anh cũng là người bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng khi lên hai tuổi anh bị teo cơ cả hai chân sau một trận sốt nặng, việc đi lại hết sức khó khăn. Nhiều lúc anh rất bi quan khi nghĩ đến tương lai của mình. Nhưng rồi, anh đã quyết tâm học nghề cắt tóc với hy vọng có một cái nghề làm kế sinh nhai. Được một người con gái đồng cảm, năm 2010 anh đã lập gia đình và vợ chồng anh đã có hai mặt con.
Tưởng rằng hạnh phúc đã mỉm cười với anh chị, nhưng thật không may, đứa con trai thứ hai của anh chị - cháu Lê Minh Nghĩa sinh năm 2012 lại bị bướu mỡ ở lưng khi cháu vừa mới chào đời. Khi cháu được 9 tháng, vợ chồng anh phải đưa cháu đi điều trị. Hoàn cảnh khó khăn như thế thì lấy đâu ra tiền để chữa chạy cho con? Không thể khoanh tay ngồi nhìn cảnh con đau đớn, vợ chồng anh phải đi vay nợ, lãi suất 5%/tháng để lo cho con, mỗi lần đi bệnh viện hết cả chục triệu đồng, đã mổ rồi nhưng bướu vẫn tái lại.
Không có nhà cửa, vợ chồng anh phải thuê một ngôi nhà trong xóm, gọi là nhà nhưng trống trước, hở sau, mỗi khi mưa gió cả nhà không dám ngủ vì nước mưa dột từ trên nóc, nước tạt từ bên hông nhà. Ngôi nhà ấy là chỗ nương thân cho từng ấy con người, lại còn là nơi anh hành nghề hớt tóc nữa. Khó khăn chồng chất, bệnh tật đeo mang vào người, vào cả đứa trẻ tội nghiệp. Ốc còn không mang nổi mình ốc, ấy vậy mà khi thấy một cháu bé người dân tộc mồ côi, vợ chồng anh Hùng đã quyết định cưu mang, đùm bọc, đưa cháu về nuôi, dạy cho cháu học nghề hớt tóc với mong ước là cháu sẽ có một cái nghề, sau này lớn lên có thể tự nuôi sống bản thân, anh Hùng chia sẻ.
Qua giới thiệu của chính quyền xã Lộc Tấn, Hội Bảo trợ Người tàn tật- Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo huyện đã tiếp cận, gặp gỡ, tìm hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, báo cáo và tham mưu Tỉnh Hội có hướng giúp đỡ. Được sự phối hợp giữa Tỉnh Hội và Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã đến tận nơi khảo sát và thực hiện chương trình “Chia sẻ nỗi đau”. Thông qua chương trình, các nhà hảo tâm ở nhiều nơi đã biết đến hoàn cảnh, cuộc sống gia đình anh, đã giúp đỡ, tài trợ số tiền 31.200.000 đồng, trong đó giúp anh trả nợ số tiền vay 11.000.000 đồng, số còn lại giúp vợ chồng anh làm ăn, buôn bán, mở rộng tiệm hớt tóc của mình.
(Gia đình anh Hùng nhận tiền ủng hộ từ Chương trình “Chia sẻ nỗi đau”)
Giờ đây, hạnh phúc có lẽ đã mỉm cười với vợ chồng anh khi gia đình được Hội Bảo trợ tỉnh Bình Phước vận động Công ty Tây Nam - Quân khu 7 tài trợ 43.000.000 đồng để xây dựng một căn nhà tình thương trị giá 50.000.000 đồng. Vậy là từ nay, gia đình của anh chị đã có một mái ấm thật sự, có thể yên tâm để làm ăn, sinh sống và giúp cháu bé được chữa trị tốt hơn.
Địa phương cũng đã họp, xét đề nghị đưa gia đình anh vào danh sách hộ nghèo, được mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế, hàng tháng, anh cũng được hưởng trợ cấp số tiền 180 ngàn đồng – chế độ đối với người khuyết tật. Ngoài ra, khi có các chương trình nhân đạo, từ thiện, gia đình anh luôn được xã, ấp, các đoàn thể quan tâm, giúp đỡ để gia đình anh bớt đi khó khăn.
(Anh Hùng – người thứ hai từ phải sang nhận quà Người khuyết tật tiêu biểu tại Hội nghị)
Được thay mặt cho những người khuyết tật vượt khó phát biểu tại hội nghị tổng kết, tuyên dương lần thứ I của Hội Bảo trợ huyện, anh Hùng đã xúc động bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình trước tấm lòng, sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người dành cho gia đình anh, anh cũng nói rằng cuộc sống trước mắt của anh sẽ còn rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng anh và gia đình sẽ cố gắng, nỗ lực hơn nữa để không phụ tấm lòng thương yêu, đùm bọc của tất cả mọi người./.