và
thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” và “Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, qua đó giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS thân thiện đến mọi người dân trong huyện; thực hiện Kế hoạch số 1822/KH-SYT của Sở Y tế tỉnh Bình Phước; Chương trình công tác năm 2014 của Ủy ban nhân dân huyện; những ngày qua huyện Lộc Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động.
Với chủ đề của Tháng hành động là “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”, huyện đã tập trung đẩy mạnh chỉ đạo công tác truyền thông, vận động nhằm thay đổi hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS; giao cho Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS huyện tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ban, ngành, đoàn thể, ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và thành viên ban chỉ đạo cùng cấp thực hiện nghiêm túc Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ ngày 10/11/2014 đến ngày 10/12/2014) và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2014 (01/12).
Huyện đã tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình để triển khai thực hiện. Trong công tác tuyên truyền, huyện tập trung chỉ đạo ngành văn hóa- thông tin phối hợp ngành y tế, các hội, đoàn thể, các xã, thị trấn đẩy mạnh phổ biến Luật phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS; Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” giai đoạn 2012-2020 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, đặc biệt chú trọng truyền thông vận động thay đổi hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS.
Các hình thức tuyên truyền được huyện chú trọng chỉ đạo như: xây dựng trang chuyên mục, đăng tải tin, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền qua hệ thống Đài truyền thanh-Truyền hình, hệ thống loa truyền thanh tại các xã, thị trấn; xây dựng các cụm panô, khẩu hiệu, treo băng rôn tại các địa điểm công cộng, tại trụ sở các xã, thị trấn, ấp, khu phố và cổng các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện; phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng hoặc lồng ghép trong các sự kiện khác tuyên truyền khác của nhà trường, sinh hoạt đoàn, hội...
Huyện cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động và hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế; phổ biến về sự cần thiết, quyền lợi, mức đóng, mức hưởng và thủ tục tham gia, cách sử dụng khi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khoẻ, tư vấn, cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho người dân có nhu cầu.
Các ngành, đoàn thể đã phối hợp vận động những người có nguy cơ cao thực hiện các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, khuyến các họ chủ động tiếp cận sớm với các dịch vụ can thiệp giảm tác hại, dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS, dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Trong chỉ đạo các hoạt động chuyên môn, huyện chú trọng công tác nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo, năng lực quản lý cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS các xã, thị trấn về công tác tư vấn, hỗ trợ quản lý điều trị tại cộng đồng; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV/AID, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể tiếp cận với dịch vụ về dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Song song đó, huyện chú trọng công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng và cụ thể hóa trong chỉ đạo thực hiện Công văn số 3905/UBND-VX ngày 24/11/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc “Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế”…
Nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng sự nhận thức, mục đích, ý nghĩa, chủ đề của Tháng hành động năm nay, sáng ngày 01/12/2014, huyện đã tổ chức Lễ Phát động, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện với sự tham gia của hơn 800 người là các vị lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các xã, thị trấn, giáo viên, học sinh các trường trong huyện và nhân dân thị trấn Lộc Ninh.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện đã có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh về chủ đề của Tháng hành động năm nay, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS cũng như công tác tư vấn, hỗ trợ quản lý điều trị của đơn vị làm chuyên môn trong thời gian qua. Theo số liệu báo cáo của Trung tâm y tế huyện, từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện trên địa bàn huyện năm 1997 cho đến hết ngày 25/11/2014,tổng số trường hợp nhiễm HIV lũy kế là 138, trong đó có 46 cas chuyển sang giai đoạn AIDS, 16 trường hợp đã tử vong và 06 cas bệnh nhân lao/HIV. Số phát hiện mới trong năm 2014 là 07 (do Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh phát hiện gửi danh sách về), số phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV là 01 cas (sinh sống tại huyện Bù Đốp). Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi, trên thực tế, số liệu chắc chắn sẽ còn lớn hơn với các đối tượng có nguy cơ cao như: người nghiện chích ma tuý, mại dâm, tình dục đồng giới… Điều đáng lo ngại hơn là tình trạng lây nhiễm HIV đã có dấu hiệu lan ra cộng đồng và ngày càng có xu hướng trẻ hoá. Mặc dù số người mắc phải HIV/AIDS có giảm nhưng vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ rất cao, vì Lộc Ninh là huyện có đường biên giới dài, địa hình tương đối phức tạp, người dân qua lại làm ăn, mua bán, thăm thân, không tránh khỏi bị lây nhiễm. Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực đẩy lùi căn bệnh thế kỷ, trong những năm qua các cấp, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân đã tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, giúp đỡ, hỗ trợ cho người bị nhiễm HIV đã được thực hiện, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc, giúp đỡ của cộng đồng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện để những người nhiễm bệnh và gia đình họ thấy rõ trách nhiệm, tự giác tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Tại buổi Lễ phát động, một bạn học sinh đại diện giới trẻ đã phát biểu, bày tỏ sự quan tâm đặc biệt của mình tới căn bệnh thế kỷ này, hậu quả nghiêm trọng của nó đối với bản thân, gia đình và xã hội, với lời hứa quyết tâm là sẽ cùng các bạn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân không vi phạm các tệ nạn xã hội, đồng thời biết sẻ chia, đồng cảm, giúp đỡ những người bị nhiễm HIV/AIDS, để họ có thể hòa nhập tốt với cộng đồng.
Ngay sau buổi lễ phát động, các đại biểu tham dự đã tham gia diễu hành trên tuyến quốc lộ 13, từ trung tâm huyện đến giáp xã Lộc Thái và lên đến khu vực bến xe Lộc Ninh.
Tin tưởng rằng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng với ý thức của mỗi người và sự sẻ chia của cộng đồng, huyện Lộc Ninh cũng như các nơi khác trong cả nước sẽ ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của đại dịch HIV/AIDS, những người không may bị nhiễm phải căn bệnh này sẽ được hỗ trợ điều trị khỏi bệnh, không có bất cứ sự phân biệt đối xử, xa lánh nào, giúp họ vượt qua nỗi đau, bệnh tật, vươn lên hòa nhập với cộng đồng./.