Đại diện các đơn vị Ban Kinh tế Trung ương; Cục Công nghiệp địa phương; Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ; Hiệp hội điều Việt Nam; Hiệp hội điều Bình Phước; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện, thị xã trong tỉnh; đại diện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất khẩu điều trên địa bàn tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh và các phóng viên, báo chí trung ương và địa phương đã đến dự, đưa tin cho Hội thảo.
Tại Hội thảo, sau phần phát biểu khai mạc của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các đại biểu tham dự đã được nghe lãnh đạo Sở Công Thương trình bày tóm tắt báo cáo thực trạng và giải pháp về sản xuất, chế biến và xuất khẩu điều trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Theo báo cáo và các số liệu thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có 77.612 hộ trồng điều với 31 hợp tác xã, 46 tổ hợp tác và câu lạc bộ; diện tích cây điều tương đối ổn định với 134.127 ha. Năm 2015, tổng sản lượng điều của tỉnh Bình Phước đạt 198.851 tấn, chiếm 57,7% tổng sản lượng điều của cả nước với 344.900 tấn.
Năm 2016 cũng là năm khó khăn với người trồng và chế biến, kinh doanh điều do chịu tác động, ảnh hưởng lớn của thời tiết; khoảng hơn 26.000 ha /134.127 ha cây điều hiện có đã già cỗi; 80% diện tích vườn điều được trồng bằng hạt. Những nguyên nhân này đã làm cây điều cho năng suất thấp, giảm từ 20-40% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, đa phần các hộ dân trồng điều nhỏ lẻ, chưa hình thành được chuỗi giá trị trong sản xuất hạt điều.
Mặc dù hạt điều Bình Phước được đánh giá có ưu thế vượt trội về chất lượng, ngon số một thế giới so với bất kỳ loại hạt điều nhập khẩu nào, nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh phải nhập một lượng lớn hạt điều thô. Hiện tỉnh Bình Phước có khoảng 226 doanh nghiệp và 328 cơ sở chế biến hạt điều với công suất thiết kế khoảng 500.000 tấn/năm. Tuy nhiên, trên thực tế tổng sản lượng hạt điều của Bình Phước chỉ đạt 198.851 tấn, không đáp ứng đủ công suất chế biến hạt điều của các nhà máy. Do vậy, các doanh nghiệp phải nhập khẩu hạt điều thô từ một số nước châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria, Mozambique và Campuchia về để chế biến, xuất khẩu. Cũng theo báo cáo, năm 2015, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 45.719 tấn và 9 tháng đầu năm 2016 đã nhập hơn 40.000 tấn hạt điều thô.
Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến hạt điều Bình Phước có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, đi lên từ hộ gia đình; năng lực quản lý, am hiểu pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, mua bán còn ít, chưa quan tâm đầu tư xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO, HACCP). Sản phẩm chế biến đa phần không đạt yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu điều, các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ…Kim ngạch xuất khẩu hạt điều của tỉnh chỉ chiếm 11/7% so với tổng kim ngạch xuất khẩu điều của cả nước, bởi lẽ hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nhỏ không tham gia xuất khẩu trực tiếp mà thường chỉ thực hiện một số công đoạn trong chế biến rồi bán lại cho các công ty trung gian để xuất khẩu. Toàn tỉnh chỉ có 34 doanh nghiệp chế biến hạt điều tham gia xuất khẩu trực tiếp nhờ có quy mô sản xuất lớn, có năng lực tài chính, đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe nhiều tham luận quan trọng, chất lượng của đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Hiệp Hội điều Việt Nam, Hội điều Bình Phước và đại diện một số doanh nghiệp chế biến điều trong tỉnh. Các đại biểu đều thống nhất nhận định Bình Phước là địa phương có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển cây điều như: khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng và hiện đang sở hữu bộ giống điều giống chất lượng cao, vượt trội trên thị trường. Lực lượng lao động dồi dào, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, chăm sóc cây điều, đội ngũ doanh nhân năng động, sáng tạo và có nhiều bước đột phá trong đầu tư máy móc, trang thiết bị cũng như úng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kinh doanh…
Bên cạnh những thuận lợi, phát biểu tham luận tại Hội thảo, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng ngành điều Bình Phước còn gặp không ít khó khăn như: việc giữ gìn, phát triển, nhân rộng các giống điều cho năng suất và chất lượng cao; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong đổi mới sản xuất; cơ giới hóa các khâu sản xuất các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng thương hiệu và phát triển điều Bình Phước mang tầm quốc tế và tính bền vững. Các doanh nghiệp mong muốn được Trung ương, tỉnh quan tâm hỗ trợ trong đầu tư các nguồn vốn, đổi mới máy móc, công nghệ chế biến điều, hỗ trợ đăng ký bảo hộ và phát triển tài sản, trí tuệ cho ngành điều, thực hiện Dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý “Điều Bình Phước”…
Các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở khi lượng điều sản xuất tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu chế biến của họ, đồng thời cũng mong muốn có sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nước trong lĩnh vực này.
Cũng có ý kiến đề xuất các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ điều cần phân loại riêng để thị trường, người tiêu dùng trong nước và thế giới phân biệt được một cách chính xác đâu là hạt điều Bình Phước, đâu là hạt điều ngoại nhập. Làm được điều này, uy tín và giá cả hạt điều Bình Phước chắc chắn sẽ được nâng lên.
Các đại biểu tham dự cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những chính sách đặc thù riêng cho ngành điều, đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang phát triển để tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ cao, chú trọng quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật giúp người nông dân tham gia trực tiếp vào chuỗi sản xuất hạt điều sạch. Đại biểu cũng kiến nghị cần xây dựng các nhóm chuyên gia tư vấn giỏi trong lĩnh vực điều để hỗ trợ cho người nông dân và doanh nghiệp.
Kết luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Anh Minh tiếp thu, ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp, phát biểu tham luận của đại biểu. Ông yêu cầu các sở, ngành liên quan; đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh phối hợp chặt chẽ, cụ thể hóa việc thực hiện các quan điểm, chủ trương của tỉnh về ngành điều, tích cực, chủ động hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, giúp nông dân và doanh nghiệp ngành điều phát triển theo hướng đạt chuẩn xuất khẩu và phát triển bền vững. Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp cần phải nghiêm túc tuân thủ các tiêu chí đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo các yêu cầu của đối tác xuất khẩu để giữ vững uy tín, thương hiệu điều Bình Phước. Phó Chủ tịch Huỳnh Anh Minh cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội điều Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ ngành điều Bình Phước phát triển tốt nhất trong thời gian tới.
Có thể nói, Hội thảo lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, hứa hẹn những chuyển biến tích cực cho ngành điều Bình Phước. Người nông dân trong tỉnh hoàn toàn có thể tin tưởng, yên tâm hơn khi đầu tư vào trồng điều, lựa chọn những giống điều phù hợp, năng suất, chất lượng cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kết nối với doanh nghiệp, liên kết nhau trong các khâu để đẩy mạnh sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ, xuất khẩu điều, để hạt điều Bình Phước luôn là nữ hoàng của các loại hạt, để không tái diễn cảnh chặt – trồng, trồng – chặt cây điều ở Bình Phước nói riêng, một số tỉnh, thành có cây điều nói chung như trong những năm qua, góp phần đưa Bình Phước ngày càng phát triển vững mạnh, nhất là sau hai mươi năm từ ngày tái lập tỉnh./.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Anh Hoàng báo cáo thực trạng và giải pháp về sản xuất, chế biến và xuất khẩu điều trên địa bàn tỉnh
Sản phẩm hạt điều rang muối của Công ty TNHH MTV hạt điều
Hoàng Phú, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh chuẩn bị được giao cho khách hàng
Du khách tham quan gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm điều của Công ty TNHH MTV
Hạt điều Hoàng Phú trong Hội chợ triển lãm tại Trung Quốc năm 2013