Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học; đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Tây Ninh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh các mặt hàng chủ lực của các địa phương trên địa bàn tỉnh; các cơ quan thông tấn, báo chí đã về tham dự.
Các đại biểu được nghe lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ; dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lí hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh; nghe các tham luận:“Một số vấn đề cơ bản về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và chính sách của tỉnh”,“Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản: thực trạng và một số vấn đề đặt ra”;“Thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”;“Kết quả thực hiện giải pháp truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh Sóc Trăng đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”;“Thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh”; “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc”; nghe một số đơn vị, doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp các phầm mềm để truy xuất nguồn gốc như “Ứng dụng hoạt động mã số, mã vạch vào sản phẩm, dịch vụ” (Trung tâm Mã số, mã vạch Bình Phước), “VNPT Check” (VNPT Bình Phước);…
Các ý kiến phát biểu, tham luận tại Hội thảo rất sâu sắc, thiết thực, giúp cho các cấp lãnh đạo, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp thấy rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt là các tham luận của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bến Tre, đã giúp đại biểu tham dự hình dung được quá trình, bước đi, cách tiếp cận của từng địa phương đối với hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với các hoạt động này, từ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi để hàng chục sản phẩm địa phương đã được bảo hộ, xây dựng được chỉ dẫn địa lí, truy xuất nguồn gốc.
Các nhà khoa học cũng đưa ra nhiều giải pháp hữu ích cho tỉnh Bình Phước, đó là ngoài việc các doanh nghiệp chủ động, tự đăng kí thực hiện truy xuất nguồn gốc, phải có sự hỗ trợ, tài trợ của Nhà nước cho hoạt động này. Nhất là trong giao đoạn hiện nay, hơn bao giờ hết, dù tỉnh có triển khai chậm hơn nhiều địa phương khác trong cả nước nhưng phải quyết tâm làm, quyết tâm thực hiện bởi tính cấp thiết của nó.
Với tâm huyết, nhiệt tình và những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình nghiên cứu, áp dụng, các đại biểu đã mang đến, trao đổi, chia sẻ, cung cấp cho hội thảo rất nhiều thông tin bổ ích, thiết thực, giúp các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, người nông dân, nhà sản xuất nâng cao nhận thức về khái niệm, ý nghĩa, mục đích, các phương pháp, công cụ truy xuất nguồn gốc; nắm bắt được Đề án, Kế hoạch triển khai của tỉnh Bình Phước trong thời gian tới.
Cũng trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu còn gặp gỡ, giao lưu với một số doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm chủ lực của địa phương. Các doanh nghiệp cung cấp phần mềm truy xuất nguồn gốc cũng tiếp cận doanh nghiệp để giới thiệu, tư vấn, quảng bá công dụng, tính năng, lợi thế, ưu đãi các phần mềm của đơn vị mình cung cấp để doanh nghiệp lựa chọn, đăng kí thực hiện.
Tin tưởng rằng Hội thảo lần này sẽ mở ra những cơ hội mới để các doanh nghiệp, nhà sản xuất, người tiêu dùng cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về vấn đề truy xuất nguồn gốc, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa của mình sản xuất ra, đáp ứng như cầu, yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và thế giới./.