Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Tổ chức, Ban Thư ký Hội thi theo Quyết định 2252/QĐ-UBND ngày 29/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Các thành viên dự họp đã được nghe Thường trực Ban Tổ chức Hội thi – Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh báo cáo tiến độ tổ chức, triển khai Hội thi và kết quả đánh giá chung khảo Hội thi và nhiều ý kiến phát biểu, đóng góp cho báo cáo cũng như những thuận lợi, khó khăn khi triển khai Hội thi tại đơn vị mình.
Theo báo cáo, qua hai năm phát động và triển khai Hội thi, Ban Tổ chức đã nhận được 277 hồ sơ dự thi ở 07 lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; vật liệu, hóa chất, năng lượng; cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông, vận tải; nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; y dược; giáo dục, đào tạo và cải cách thủ tục hành chính quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng 126 mô hình, sản phẩm, giải pháp so với Hội thi lần thứ II. Các thí sinh dự thi thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, trong đó có nhiều kỹ sư, giáo viên, sinh viên, công nhân viên chức và nông dân. Các đơn vị có nhiều mô hình, sản phẩm, giải pháp dự thi là thị xã Đồng Xoài 54; thị xã Bình Long 51; huyện Đồng Phú 45. Đơn vị tham gia ít nhất là huyện Chơn Thành với 10 mô hình, sản phẩm, giải pháp. Huyện Lộc Ninh có 15 mô hình, sản phẩm, giải pháp tham gia dự thi.
Sau khi chấm vòng sơ khảo, Ban Tổ chức đã chọn được 113 mô hình, sản phẩm, giải pháp đưa vào chấm vòng chung khảo, kết quả đã chọn được 29 mô hình, sản phẩm, giải pháp để trao giải. Huyện Lộc Ninh có 10 mô hình, sản phẩm, giải pháp được vào vòng chung khảo, kết quả đạt 01 giải nhì lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; 01 giải ba và 02 giải khuyến khích lĩnh vực cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông, vận tải.
Đánh giá tại báo cáo cho thấy, Hội thi lần này đã được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc Hội thi được duy trì thường xuyên. Kết quả Hội thi có nhiều sản phẩm, mô hình, giải pháp thiết thực, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cao. Các lĩnh vực thu hút sự quan tâm tham gia dự thi và có chất lượng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông, vận tải; nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường. Hội thi lần này cũng có một số sản phẩm máy móc, phần mềm đang được ứng dụng và được đánh giá cao. Cũng có những sản phẩm, giải pháp do chính người nông dân sáng tạo ra, được hội đồng giám khảo và bà con nông dân trong vùng đánh giá cao vì hiệu quả rất lớn mà sản phẩm mang lại trong lĩnh vực nông nghiệp. Hội thi đã thu hút nhiều đối tượng thí sinh dự thi là các tác giả đạt giải tại các kỳ thi trước và một số tác giả là những nhà nông ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, điều này chứng tỏ sự say mê lao động, sáng tạo trong nhân dân Bình Phước đã được nuôi dưỡng và phát triển.
Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được rất phấn khởi của Hội thi, Ban Tổ chức cũng nhận thấy một số tồn tại, hạn chế như: nhận thức của một vài lãnh đạo địa phương, đơn vị về mục đích, ý nghĩa Hội thi chưa sâu sắc, chưa xem đây là phong trào lớn để toàn dân tỉnh nhà tiến quân vào khoa học – kỹ thuật, chưa gắn Hội thi với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XI) về khoa học, công nghệ ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình, do đó chưa quan tâm đến việc triển khai tổ chức Hội thi; có nơi thay đổi trưởng, phó, thành viên ban tổ chức; có nơi chưa làm hết trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ thí sinh hoàn thành hồ sơ dự thi. Chất lượng Hội thi giữa các địa phương không đồng đều. Có huyện không đạt giải nào cấp tỉnh. Một số công ty, doanh nghiệp lớn trên địa bàn chưa quan tâm đến việc tham gia Hội thi. Một vài thành viên ban tổ chức các cấp chưa phát huy vai trò, trách nhiệm đối với việc tổ chức, tuyên truyền hội thi trên trang web, bản tin nội bộ ngành, đơn vị đến cán bộ, nhân viên mình. Kinh phí tổ chức còn hạn chế, nhất là ở một số ban tổ chức cấp huyện. Việc xã hội hóa Hội thi còn gặp nhiều khó khăn.
Kết luận và chỉ đạo cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi Phạm Văn Tòng thống nhất với các kết quả đánh giá vòng chung khảo, báo cáo của Thường trực Ban tổ chức Cuộc thi, thống nhất sẽ tổ chức Lễ trao giải và phát động Hội thi lần thứ IV, năm 2016-2017 vào ngày 30/12/2015 tại Hội trường tỉnh và sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Phước từ 8h30’ đến 11h00’.
Phó Chủ tịch cũng giao Thường trực Ban Tổ chức Hội thi – Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh phối hợp các sở, ban, ngành tuyên truyền kết quả Hội thi; chuẩn bị tốt công tác khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt giải; có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, tuyên truyền và chấm thi Hội thi lần thứ III; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch, thể lệ Hội thi lần thứ IV.
Ông cũng yêu cầu lãnh đạo các huyện, thị xã tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí theo yêu cầu, tạo điều kiện cho công tác tổ chức, triển khai Hội thi ở cơ sở, đồng thời tích cực liên hệ, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia để Hội thi lần thứ IV có nhiều mô hình, sản phẩm, giải pháp chất lượng hơn./.