Hiệu quả Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh được các sở ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai tích cực, hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng nội dung lẫn hình thức tuyên truyền.
Năm 2013, UBND tỉnh ban hành Đề án tuyên tuyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ và người sử dụng lao động trong loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2013-2016. Trong đề án này, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu cụ thể là đến hết năm 2016: Phấn đấu đạt 95% người sử dụng lao động và 95% NLĐ làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; 100% lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Đề án này cũng hướng đến mục tiêu hạn chế thấp nhất các cuộc đình công hoặc tranh chấp lao động tập thể, đặc biệt là các cuộc đình công trái pháp luật; nâng cao năng lực công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể có liên quan về nội dung, phương pháp thực hiện tuyên tuyền, phổ biến pháp luật. Do đó, Đề án đã đưa ra 3 giải pháp quan trọng về chính sách, cơ chế, chuyên môn nghiệp vụ để triển khai có hiệu quả.
Đáng chú ý là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi triển khai thực hiện phải đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, phương pháp phổ biến tuyên truyền; kết hợp các phương thức truyền thống với các phương thức hiện đại, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng nội dung và từng đối tượng. Ngoài ra, phải xây dựng mô hình điểm, kết hợp biểu dương điển hình tiên tiến cũng như xử phạt nghiêm minh đối với các đơn vị, doanh nghiệp có hành vi thực hiện trái quy định.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), kể từ khi UBND tỉnh ban hành Đề án trên, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các sở ngành, đơn vị liên quan đã quan tâm, đồng loạt triển khai phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật cho NLĐ và người sử dụng lao động.
Trong năm 2014-2015, Sở LĐ-TB&XH đã biên soạn và phối hợp công đoàn các khu công nghiệp, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cấp phát hơn 55.000 tờ rơi về bảo hiểm xã hội, chính sách pháp luật mới về lao động, hợp đồng lao động, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ tiền lương cho NLĐ. Ngoài ra, sở còn phối hợp các đơn vị liên quan in và cấp phát 1.200 sổ tay pháp luật về lao động, 1.500 cuốn Bộ Luật lao động năm 2012, 1.300 cuốn tài liệu triển khai Bộ Luật lao động, 280 cuốn sổ tay hướng dẫn pháp luật lao động, giải quyết tranh chấp, hòa giải lao động; trực tiếp hướng dẫn NLĐ ở các khu công nghiệp 2 đợt với khoảng 3.000 lượt NLĐ tham gia.
Đặc biệt, trong năm 2014, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các sở ngành liên quan ký kết ban hành Quy chế phối hợp thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh. Quy chế nhằm phát huy tối đa hiệu quả, hiệu lực của việc thực hiện các quy định pháp luật, các văn bản của Đảng, Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tự nguyện; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đơn vị, tổ chức và nhân dân về tham gia các chính sách bảo hiểm nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Hưởng ứng Đề án trên, Sở Công thương đã mở các lớp huấn luyện, sát hạch vật liệu nổ công nghiệp và cấp giấy chứng nhận cho hơn 100 đối tượng là cán bộ, công nhân, NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp; tổ chức sát hạch cấp giấy huấn luyện an toàn hóa chất cho 319 học viên là người trực tiếp liên quan đến hóa chất trong công nghiệp. Bên cạnh đó, Sở Công thương còn tổ chức tập huấn 3 lớp với sự tham gia của 210 cán bộ quản lý doanh nghiệp về kiến thức pháp luật và kỹ năng ứng dụng trong hoạt động thương mại điện tử./.
Nguồn tin: Từ Cổng thông tin điện tử http://www.binhphuoc.gov.vn