Theo số liệu tổng hợp của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện huyện (Hội Chữ thập đỏ), năm năm qua, huyện Lộc Ninh được tỉnh giao chỉ tiêu vận động 4.558 đơn vị máu, bình quân mỗi năm 912 đơn vị. Qua năm năm thực hiện, huyện đã vận động được hơn 6.000 lượt người đăng ký tham gia hiến máu, trong đó đã thu được 5.335 đơn vị máu, đạt 117% so với chỉ tiêu tỉnh giao. Tỷ lệ người hiến máu nhắc lại luôn đạt trên 35%; tỷ lệ máu bệnh dưới 3,5%. Có 05 người có nhóm máu hiếm tham gia câu lạc bộ máu hiếm của tỉnh, 132 người tình nguyện tham gia ngân hàng máu sống.
Là địa phương còn rất nhiều khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm và trách nhiệm của mình, hàng năm, huyện đều tổ chức Lễ hội “Xuân Hồng”, Lễ “Tuyên dương các tập thể, cá nhân và gia đình tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện”…. Năm năm qua đã có 35 tập thể, 636 cá nhân và 44 gia đình đạt thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động và tham gia hiến máu nhiều lần được tuyên dương. Trong đó 02 gia đình được Bộ Y tế tặng Bằng khen năm 2013 và 2014; 02 cá nhân, 22 tập thể, 03 gia đình được Ban Chỉ đạo Hiến máu tình nguyện quốc gia khen thưởng qua các năm 2011, 2012, 2013, 2014, 2015; năm 2012 có 01 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và năm 2013 có 01 cá nhân được UBND tỉnh Bình Phước tặng Bằng khen. Năm 2015 và 2016 huyện có 02 cá nhân vinh dự được tỉnh chọn cử đi tham dự Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc tại thủ đô Hà Nội.
Tại Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước ngày 01,02/12/2016 vừa qua, Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện huyện Lộc Ninh vinh dự được tham luận tại Đại hội về những kết quả thực hiện phong trào năm năm qua, chia sẻ với Đại hội về một số giải pháp mà huyện đã triển khai thực hiện như:
Việc quán triệt đầy đủ các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương, tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện có liên quan đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn và hệ thống của Hội Chữ thập đỏ;
Làm tốt công tác khảo sát, tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, chú trọng công tác tập huấn, phổ biến kiến thức, ý nghĩa, hiểu biết về công tác hiến máu tình nguyện cho cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ các cấp. Thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, viết bài, đưa tin, xây dựng phóng sự các gương điển hình, người tốt, việc tốt, mô hình mới, cách làm hay trong phong trào;
Đầu mỗi năm đều tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện năm trước; xây dựng kế hoạch, bảng phân bổ cho năm sau trên cơ sở kế hoạch và phân bổ chỉ tiêu của tỉnh cũng như tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị để tính khả thi cao;
Thường xuyên củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp khi có sự thay đổi; thực hiện đúng quy chế của ban chỉ đạo, bổ sung, điểu chỉnh quy chế khi có điểm không còn phù hợp;
Chú trọng công tác phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo như: Liên đoàn Lao động, Huyện Đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đài Truyền thanh-Truyền hình, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế để thực hiện tốt công tác hiến máu tình nguyện. Họp, đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi đợt hiến máu; phản ánh, đề xuất kịp thời về Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh và đơn vị lấy máu để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện và có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tham gia của người hiến máu;
Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người hiến máu và người vận động hiến máu, tạo động lực, khuyến khích mọi người tham gia. Động viên, tuyên dương, khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc trên cơ sở cập nhật đầy đủ thông tin, lưu trữ dữ liệu về nhóm máu, danh sách, số người, số lần hiến máu, hạn chế thấp nhất sai sót để người hiến máu an tâm, tin tưởng, hàng năm, tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện bố trí kinh phí cho Ban Chỉ đạo cấp huyện và cấp xã để thực hiện công tác hiến máu, tôn vinh, khen thưởng người hiến máu. Lồng ghép vào dịp hiến máu đợt I hàng năm để vừa tổ chức lễ tuyên dương và tổ chức hiến máu, đó là một trong những cách tuyên truyền hiệu quả nhất, thuyết phục nhất. Các hình thức chăm lo cho người hiến máu; giấy chứng nhận, kết quả xét nghiệm, tư vấn sức khỏe, thư cảm ơn được chuyển đến người tham gia hiến máu kịp thời, không để sai sót, tránh nhầm lẫn;
Xác định đúng đối tượng để vận động và phân bổ chỉ tiêu cho các đơn vị phù hợp vào từng thời điểm, tạo điều kiện để các đơn vị, các khối tham gia và đạt, vượt chỉ tiêu. Ví dụ: khối thanh niên trường học không phân bổ nhiều chỉ tiêu vào dịp hè, mà tập trung vào đợt cuối năm.
Vai trò tham mưu của thường trực ban chỉ đạo các cấp và sự quan tâm sâu sát đến phong trào, từ đó chỉ đạo sát, đúng, phù hợp, sự gương mẫu, đi đầu của của người đứng đầu các cấp sẽ là hình thức tuyên truyền thuyết phục nhất, hiệu quả nhất để phong trào hiến máu tình nguyện nói riêng cũng như các hoạt động nhân đạo, từ thiện khác đạt được kết quả cao nhất.
Phát biểu tham luận tại Đại hội, Trưởng Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện huyện Lộc Ninh cho rằng: những kết quả của huyện có thể so với nhiều địa phương khác còn rất khiêm tốn, nhưng với đặc thù của một huyện biên giới, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 19%, địa bàn rộng, phức tạp, đi lại còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, mặt bằng dân trí, thể chất không đồng đều, thì kết quả đạt được như trên là cả một sự cố gắng, quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân – những người có trái tim và lòng nhân hậu cộng với vai trò tham mưu đắc lực của các cấp hội chữ thập đỏ từ huyện đến cơ sở.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện huyện Lộc Ninh sẽ tiếp tục phối hợp tốt với Ban Chỉ đạo tỉnh, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn trong huyện tích cực tổ chức các hình thức tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân để phong trào hiến máu tình nguyện tiếp tục gặt hái những thành công, ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đáp ứng nhu cầu về máu của người bệnh, chia sẻ khó khăn với những người kém may mắn trong xã hội./.