Thực hiện Công văn số 1287/UBND-VX ngày 22/12/2017 và Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 12/01/2018 của Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh, trong thời gian từ ngày 21 đến ngày 28/02/2018, Đoàn cán bộ, nghệ nhân dân gian huyện Lộc Ninh cùng với huyện Bù Gia Mập đã tham gia Chương trình trình diễn nghệ thuật dân gian và trưng bày, giới thiệu sản phẩm địa phương tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Thủ đô Hà Nội.
Đây là chương trình phối hợp giữa Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với Bảo tàng tỉnh Bình Phước với chủ đề “Sắc thái văn hóa Bình Phước”, nhằm quảng bá di sản đặc sắc của các địa phương, các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói chung, các huyện Lộc Ninh và Bù Gia Mập nói riêng đến với công chúng thủ đô một cách rộng rãi. Qua chương trình, khách tham quan sẽ được giới thiệu đến những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước, những món ăn đặc sản, truyền thống cũng như những sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Đây cũng là hoạt động nhằm góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy nền văn hoá đa dạng của các sắc tộc đang sinh sống trên địa bàn hai huyện và tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc được giao lưu, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, nhu cầu hiểu biết cội nguồn, về bản sắc văn hoá dân tộc, là hoạt động nhằm kế thừa giá trị của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung 9 khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Được tham gia cùng Đoàn cán bộ, nghệ nhân trong những ngày diễn ra chương trình, các thành viên trong Đoàn của hai huyện rất vinh dự, rất xúc động và rất tự hào về mảnh đất, con người Bình Phước. Hầu hết các thành viên đều mới lần đầu được đặt chân đến mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến vào đúng dịp những ngày đầu xuân Mậu Tuất, được cảm nhận cái lạnh, những cơn mưa xuân miền Bắc, điều mà từ trước đến nay họ chỉ được biết qua sách báo, truyền hình. Ai nấy đều rất phấn khởi, thích thú, nhất là các em học sinh. Xác định được ý nghĩa, tính chất, tầm quan trọng và trọng trách của chuyến đi này, từng thành viên chấp hành tuyệt đối chương trình, nội quy, quy định, lịch trình theo kế hoạch cũng như hoạt động của Bảo tàng, mỗi người chủ động thực hiện các công việc được giao một cách tốt nhất, phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nhau thành một khối thống nhất, tích cực biểu diễn từng tiết mục theo kế hoạch.
Đoàn được Ban Tổ chức sắp xếp, bố trí chỗ ăn, nghỉ, phương tiện đi lại trong suốt thời gian ở Hà Nội, được hướng dẫn tham quan toàn bộ các khu trưng bày trong Bảo tàng, tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lăng Bác, Chùa Quán Sứ, Hồ Gươm và nhiều danh thắng khác tại trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Điểm nhấn của chuyến đi là Đoàn được giới thiệu, hướng dẫn thăm quan các khu triển lãm trong Bảo tàng Dân tộc học, trong đó có Khu trưng bày thường xuyên tại Toà nhà Trống Đồng giới thiệu tất cả 54 dân tộc ở Việt Nam; Khu trưng bày ngoài trời với 10 công trình kiến trúc dân gian, một số loại hình văn hóa, thể thao dân gian như đua ghe ngo, biểu diễn rối nước, ẩm thực các vùng, miền… và Khu trưng bày Đông Nam Á với kiến trúc như hình cánh diều.
Các thành viên trong Đoàn thỏa sức ngắm nghía, thăm quan, nghe thuyết minh, tìm hiểu văn hóa của từng dân tộc ở Việt Nam và một số dân tộc các nước Đông Nam Á, được tận mắt nhìn thấy cách mà các nghệ nhân đến từ tỉnh Hải Dương làm pháo đất, lắp ráp các giàn pháo bông, pháo thăng thiên và trình diễn pháo; các thư pháp gia viết thư pháp, giao lưu với các nghệ nhân đến từ Câu lạc bộ múa sạp người dân tộc Thái sinh sống tại Hà Nội, giao lưu với các nghệ nhân ẩm thực dân tộc Mường đến từ tỉnh Hòa Bình và còn rất nhiều hoạt động khác nữa như chơi đánh đu, ném còn, nặn tò he, tô màu, vẽ tranh dân gian…
Trong những ngày diễn ra các hoạt động của Đoàn Bình Phước, các nghệ nhân người Stiêng và Khmer đã biểu diễn cồng chiêng, dàn nhạc ngũ âm, hát dân ca, múa sa - dăm; trình diễn nghề thủ công (dệt thổ cẩm); giới thiệu các món ẩm thực như bánh cống, bánh ống, cơm lam, rượu cần, lá nhíp xào đọt mây, thịt nướng, bún nước lèo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê… để phục vụ du khách.
Đông đảo du khách đến xem biểu diễn, đi tham quan, mua sắm, thưởng thức các món ăn đến từ Bình Phước với tâm trạng hào hứng, phấn khởi, thích thú, bất ngờ. Các khung giờ biểu diễn của Đoàn đều đông khách tham dự, cổ vũ, quay phim, chụp ảnh lưu niệm, giao lưu động viên. Gian ẩm thực lúc nào cũng đông khách, người phục vụ bận luôn tay, luôn chân, vừa xào nấu, chế biến, vừa phục vụ du khách, vừa trả lời các phóng viên, nhà báo.
Qua chuyến giao lưu, biểu diễn, giới thiệu văn hóa của tỉnh Bình Phước, các thành viên trong Đoàn đã tích lũy cho mình được rất nhiều điều bổ ích, từ cách thức tổ chức, bố trí, biểu diễn, tham gia các hoạt động, công tác tuyên truyền, hoạt động truyền thông, xã hội hóa các mô hình hoạt động, cách huy động các nguồn lực, nhất là lực lượng tình nguyện viên là các bạn sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng tham gia vào các hoạt động hỗ trợ cho các đoàn trong suốt thời gian hoạt động, các đội hình, câu lạc bộ để đa dạng hóa các hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ du khách tham quan.
Ban Giám đốc, các phòng, ban trực thuộc của Bảo tàng rất quan tâm, chăm lo cho đoàn, thường xuyên thăm hỏi sức khỏe, động viên, trân trọng từng thành viên, luôn cử lực lượng ghi hình, chụp ảnh để lưu giữ tại Bảo tàng cũng như tặng cho các thành viên Đoàn để làm lưu niệm. Kết thúc chương trình, từng thành viên được trao Giấy chứng nhận của Bảo tàng như một sự ghi nhận, trân quý các giá trị văn hóa mà Đoàn đem đến những ngày qua. Đây thật sự là một chuyến đi ý nghĩa trong những ngày đầu xuân, qua đó cũng giúp cho những người làm công tác văn hóa, du lịch, phong trào có thể học hỏi những kinh nghiệm quý báu, nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn tại địa phương, góp phần đưa Bình Phước nói chung, Lộc Ninh nói riêng sẽ ngày càng phát triển, đi lên./.
Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học phát biểu chào mừng, khai mạc Chương trình
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước
phát biểu tại buổi khai mạc
Dàn ngũ âm xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh biểu diễn
Múa sa – dăm của các nghệ nhân xã Lộc Khánh
Câu lạc bộ múa Sạp người Thái – Hà Nội giao lưu với du khách
Gian giới thiệu nghề dệt thổ cẩm của người Stiêng Bình Phước
Một góc khu ẩm thực trong Bảo tàng
Chụp ảnh với lực lượng tình nguyện viên của Bảo tàng
Với các nghệ nhân Khmer Lộc Khánh
Chụp ảnh lưu niệm với Ban Giám đốc Bảo tàng
Tổng kết, trao quà, giấy chứng nhận trước khi kết thúc Chương trình
Bảo tàng Bình Phước tặng quà lưu niệm cho Ban Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học
Trao Giấy chứng nhận, quà lưu niệm cho các nghệ nhân Khmer xã Lộc Khánh
Trao Giấy chứng nhận, quà lưu niệm cho các nghệ nhân Khmer xã Lộc Khánh
Trao Giấy chứng nhận, quà lưu niệm cho các nghệ nhân Stiêng
Các cháu nhỏ trải nghiệm trò chơi nặn tò he
Các nghệ nhân Hải Dương giới thiệu làm pháo đất
Gian hàng ẩm thực của tỉnh Bình Phước
Phục vụ thực khách món bánh cống
Các cháu tô màu tranh dân gian
Tham quan Tòa nhà Trống đồng
Thư pháp gia đang ký tặng sách viết bằng thư pháp
Tặng chữ thư pháp cho Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học