Cụ thể, có 6.179 hộ với 25.683 khẩu thiếu nước sinh hoạt, trong đó, các xã có số hộ thiếu nước nghiêm trọng nhất là Lộc Thành (1.807 hộ/7.228 khẩu); Lộc Hưng (913 hộ/3.652 khẩu); Lộc Thái (672 hộ/1.700 khẩu); Lộc Thiện (484 hộ/1.936 khẩu); Lộc An (477 hộ/1.908 khẩu). Các xã còn lại có từ 90 đến hơn 400 hộ thiếu nước sinh hoạt. Thị trấn Lộc Ninh – mặc dù là trung tâm của huyện nhưng vẫn có 40 hộ/130 khẩu; xã Lộc Hòa có 52 hộ/2260 thiếu nước sinh hoạt.
Về nước uống cho gia súc, theo số liệu tổng hợp có khoảng hơn 500 con trâu, bò ở khu vực ba xã Lộc Thành, Lộc Hưng và Lộc Khánh thiếu nước và có nguy cơ thiếu nước. Riêng xã Lộc Thành có 07 con trâu, bò đã bị chết do thiếu nước uống.
Có 2.591,3 ha cây lâu năm thiếu nước tưới, trong đó tiêu 2.121,7ha, dự kiến mất trắng 760ha, ước thiệt hại 266 tỷ đồng; cà phê 118ha, dự kiến mất trắng 59 ha, ước thiệt hại 5,9 tỷ đồng; cây ăn quả 351,6 ha, dự kiến mất trắng 107ha, ước thiệt hại 21,4 tỷ đồng). Có 225ha cây hàng năm thiếu nước tưới, trong đó lúa 137ha, dự kiến mất trắng 75ha, ước thiệt hại 1,350 tỷ đồng; các loại cây hàng năm khác 88ha, dự kiến mất trắng 26ha, ước thiệt hại 0,52 tỷ đồng.
Trước tình hình hạn hán kéo dài và hậu quả rất nghiêm trọng, khó lường như trên, Huyện ủy Lộc Ninh đã ban hành nghị quyết lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể; Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch và nhiều công văn chỉ đạo quyết liệt, tổ chức họp các ngành liên quan, các xã, thị trấn để bàn bạc, đề xuất hướng xử lý, khắc phục hạn hán.
Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn phối hợp các xã, thị trấn nhanh chóng rà soát, nắm bắt diện tích bị khô hạn, tổng hợp chính xác số hộ thiếu nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm, nước sản xuất để hỗ trợ kịp thời, theo dõi sát sao tình hình hạn hán để kịp ứng phó, báo cáo cấp trên để được chỉ đạo, hỗ trợ, không để các hộ dân bị đói do thiếu nước sinh hoạt, sản xuất.
Giải pháp trước hết huyện đưa ra, đó là các hộ dân đoàn kết, chủ động giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, các hộ giếng có nước giúp đỡ cho các hộ lân cận trong khu dân cư. Mặt khác, Ủy ban nhân dân huyện đã thỏa thuận với Thường trực Hội đồng nhân dân huyện trích sử dụng 1,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí dự phòng của huyện để khoan sâu các giếng theo kiểu công nghiệp và mua dụng cụ chứa nước cấp cho các cụm dân cư, trường học và các hộ dân. Hiện đã khoan được 04 giếng, đưa vào sử dụng và trang bị hàng chục bồn nước cho các điểm dân cư, trường học.
Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, trường học thành lập các tổ cấp nước, quản lý vận hành các công trình giếng khoan, các bồn chứa nước sau khi được đầu tư, bàn giao và đưa vào sử dụng.
Huyện đã làm việc cụ thể với lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su Lộc Ninh, đề nghị Công ty hỗ trợ 20 xe vận chuyển nước để cung cấp cho các cụm dân cư, các hộ, ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm, nước phục vụ sản xuất cho dân. Hiện nay, huyện kết hợp huy động nhiều nguồn lực để vận chuyển và cung cấp nước, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và khắc phục một phần nước tưới cho bà con, nhất là các xã trọng điểm về hạn hán và đối tượng được ưu tiên là các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đặc biệt khó khăn. Các hộ có điều kiện hơn tùy tình hình thực tế và khả năng, nhu cầu có thể được huyện hỗ trợ nguồn nước và xe vận chuyển, hộ gia đình sẽ chi trả tiền xăng, dầu.
Huyện cũng chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện, dân quân thường trực các xã, thị trấn phân công lực lượng sẵn sàng giúp dân chống hạn khi có lệnh điều động, ưu tiên giúp các hộ thuộc đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng yếu thế trong xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác tuyên truyền với nhiều hình thức cũng được huyện chỉ đạo thực hiện, trong đó chú trọng kêu gọi nhân dân sử dụng nguồn nước thật tiết kiệm, chia sẻ, giúp đỡ nhau, đồng thời kết hợp một số biện pháp tưới nước tiết kiệm và dùng các loại vật liệu khác như tấm ni lon, rơm, rạ… để che chắn, tủ gốc cây trồng nhằm làm chậm quá trình nước bốc hơi.
Huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn phối hợp Hội Chữ thập đỏ huyện và các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách các điểm, khu dân cư thiếu nước tập trung để chuẩn bị tiếp nhận 50 bồn chứa nước phục vụ sinh hoạt do Ban Chỉ đạo vận động Quỹ nhân đạo tỉnh hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, huyện cũng tham mưu, đề xuất, kiến nghị các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh có một số giải pháp hỗ trợ như: đấu nối hệ thống cấp nước liên xã Lộc Thái – Lộc Hưng dọc tuyến Quốc lộ 13 thuộc hai xã Lộc Thái và Lộc Hưng; hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã Lộc Hiệp quản lý, vận hành và tuyên truyền người dân tham gia sử dụng đấu nối công trình cấp nước Lộc Hiệp; nâng cấp công trình thủy lợi ấp 4 do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su Lộc Ninh mới chuyển giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ Thủy lợi Bình Phước để cấp nước hỗ trợ cho hồ Rừng Cấm; hỗ trợ nguồn kinh phí để sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt khu trung tâm xã Lộc Thiện và nạo vét lòng hồ Cầu Trắng để tăng khả năng tích nước trong mùa khô; thực hiện các giếng khoan cho 40 cụm dân cư đồng bào dân tộc thiểu số và các trường học.
Ủy ban nhân dân các xã trong huyện căn cứ tình hình, điều kiện thực tế địa phương mình đã có những biện pháp khắc phục cụ thể, kết hợp với huyện để triển khai đồng bộ các hoạt động; chủ động huy động nhiều nguồn lực tại địa phương, đề nghị các lực lượng đứng chân trên địa bàn cùng hỗ trợ, giúp dân; nạo vét kênh mương, giếng, ao hồ để tăng thêm lượng nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Với rất nhiều các giải pháp căn cơ, đồng bộ như trên, trong thời gian qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, song công tác khắc phục hạn hán trên địa bàn huyện Lộc Ninh đã đạt được những kết quả nhất định. Người dân trong huyện rất đồng tình, ủng hộ cách làm, chỉ đạo thực hiện của huyện, từ đó tích cực tham gia vào các hoạt động giữ gìn, bảo quản các giếng nước, dụng cụ chứa nước, san sẻ cho nhau từng giọt nước, nêu cao ý thức tiết kiệm nước trong mỗi người, mỗi gia đình với một mong muốn, khao khát lớn lao, cháy bỏng hiện thời là cơn đại hạn rồi sẽ nhanh chóng qua đi, đời sống của người dân vùng hạn sẽ dần ổn định trở lại, màu xanh sẽ lại về trên mảnh đất yêu thương./.
Dưới đây là một số hình ảnh các hoạt động khắc phục hạn hán trên địa bàn huyện Lộc Ninh. Ảnh do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đài TT-TH huyện cung cấp