Đó là hai cháu Điểu Lời, sinh ngày 17/9/2010 và cháu Điểu Khời, sinh ngày 15/11/2012. Cả hai cháu là con của ông Điểu Bi và bà Thị Sôn, cùng sinh năm 1991, dân tộc Stiêng, hộ khẩu thường trú tại ấp 8 B xã Lộc Hoà, huyện Lộc Ninh.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Lộc Hòa cho thấy, vụ việc xảy ra vào khoảng 9 giờ sáng ngày 29/4, khi bà ngoại của các cháu chuẩn bị thả đàn bò đi ăn cỏ như thường lệ. Được nghỉ học, hai cháu Lời và Khời đi theo đàn bò đến khu vực trảng đá ấp 8 B, xuống dọc theo mương nước để chơi đùa. Do ngày hôm trước mưa lớn, các hố nước đọng sâu có chỗ hơn hai mét, nước tràn lên cả mặt ruộng, các cháu không thể nhận ra mối nguy hiểm đang chực chờ nên hụt chân và bị đuối nước. Mãi đến 10 giờ, bà ngoại hai cháu mới ra bãi thả bò, không thấy hai cháu đâu nên thông báo cho gia đình tìm kiếm. Tới 14 giờ cùng ngày, gia đình và bà con chòm xóm mới phát hiện cả hai cháu đã chết đuối tại vị trí trên và đưa xác về tổ chức mai táng.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Ủy ban nhân dân xã Lộc Hòa đã báo cáo về huyện, cử lực lượng chức năng phối hợp tiến hành điều tra, xác minh làm rõ vụ việc, đồng thời đã cùng cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã, ấp, đồn Biên phòng đóng trên địa bàn đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, chia sẻ với gia đình, chuẩn bị hậu sự cho các em.
Ủy ban nhân dân huyện cũng đã thành lập đoàn cùng với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ huyện, các ban, ngành, đoàn thể của xã đến hiện trường nơi xảy ra vụ việc và nhà của hai nạn nhân để thăm hỏi, động viên, đồng thời trích ngân sách địa phương từ nguồn đảm bảo xã hội và từ các nguồn quỹ để hỗ trợ đột xuất bước đầu tổng số tiền 13,8 triệu đồng cho gia đình, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ mỗi cháu 5.400.000 đồng, Quỹ Cứu trợ hỗ trợ 1.000.000 đồng/trường hợp, Quỹ nhân đạo hỗ trợ 500.000 đồng/ trường hợp. Bà con trong ấp đã đến chia buồn và cùng gia đình tổ chức mai táng cho hai cháu vào ngày 01/5. Được biết, hai cháu Lời và Khời cũng là cháu nội của bà Thị Như, sinh năm 1960 – một trong bảy phụ nữ người dân tộc Stiêng bị chết đuối trong vụ chìm xuồng tại khu vực sông Măng thuộc địa phận ấp 8 B, xã Lộc Hòa vào chiều ngày 23/10/2013 sau khi đi làm thuê về.
Có mặt tại nơi xảy ra vụ việc, theo quan sát của chúng tôi, chỉ một đoạn đường ngắn ở khu vực trảng đá nhưng đã có hàng chục chiếc hố được các hộ dân thuê người và phương tiện móc lên để làm mương nước, đồng thời lấy đất này đắp lên để làm bờ ranh bảo vệ đất của mình. Nơi nào đá nhiều, không móc được thì thôi, nơi nào không có đá thì móc lên, độ sâu từ 2-3 mét, dài 3- 4 mét, rộng 1-1,5 mét. Mùa khô thì không sao nhưng mưa xuống các hố đầy nước nhanh chóng. Bên dưới là đất sét, khả năng giữ nước tốt nên nước mưa không bị ngấm xuống mà tràn cả lên mặt đường, mặt ruộng khiến cho việc nhận biết chỗ nào nông, sâu rất khó khăn. Nguy hiểm là vậy nhưng xung quanh không thấy có rào chắn hay bất cứ dấu hiệu gì để cảnh báo.
Trong điều kiện các gia đình, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, người lớn phải vất vả để mưu sinh, các cháu nhỏ không có người trông nom, để ý, trời lại nóng nực, các cháu rủ nhau ra ao, ra mương chơi, tắm, đùa nghịch và dẫn đến tai nạn là điều rất dễ xảy ra. Trao đổi với nhiều người, họ cho biết do bận làm ăn, gia đình không thể để ý, chăm sóc các cháu thường xuyên được.
Thêm một bài học đắt giá, đau lòng cho mọi người, nhất là các cháu nhỏ, mặc dù các cấp, các ngành, nhà trường, địa phương đã ra sức tuyên truyền, cảnh báo những mối nguy hiểm luôn chực chờ, vây quanh các em. Còn nhớ, vào trung tuần tháng 3/2016, tại khu vực mỏ đá Lộc An, giáp với xã Lộc Hòa, một nữ sinh cấp 3 đã trượt chân, rơi xuống hố sâu đầy nước (do đơn vị khai thác đá để lại) và đã tử vong. Tiếp theo, ngày 04/6/2016, tại khu vực ấp 2, xã Lộc An, hai bé gái 6 tuổi người Stiêng cùng sinh năm 2010 cũng bị đuối nước sau khi rủ nhau xuống ao sau vườn nhà của hàng xóm chơi.
Mong rằng mọi người sẽ ý thức hơn nữa, cần quan tâm, chăm sóc tốt hơn cho con em của mình, không để chúng tự chơi một mình mà không có người lớn bên cạnh, nhất là ở các khu vực ao, hồ, sông, suối vào mùa mưa và dịp hè sắp đến. Và mong rằng các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời kiểm tra thường xuyên, quản lý chặt chẽ, qua đó phát hiện, xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm để phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước đối với trẻ em./.
Ngôi nhà của bà ngoại hai cháu Lời và Khời tại ấp 8 B
Ông Điểu Bi và bà Thị Sôn với đôi mắt vô hồn
Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đến thăm hỏi gia đình
Ngôi nhà đơn sơ và hai chiếc quan tài song song
Lãnh đạo huyện thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ cho gia đình
Bí thư Đảng ủy xã Điểu Khuya thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ cho gia đình
Đường vào khu vực xảy ra tai nạn
Ngày xảy ra tai nạn, nước ngập gần đến miệng hố (theo hướng chỉ của Công an viên)
Chiếc hố nơi xảy ra tai nạn
Những chiếc hố được đào lên để lấy đất đắp bờ ranh
Nơi này bên dưới đá nhiều, không móc được đất
Thêm một chiếc hố khác
Nguy hiểm đang chực chờ
Một vụ đuối nước ở Lộc An năm 2016 làm hai bé gái tử vong
Một trong số những cái ao ở khu vực xảy ra tai nạn ở xã Lộc An năm 2016
Cái ao – nơi xảy ra tai nạn làm hai bé gái chết