Cảm xúc một buổi đến thăm Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ ba - 25/02/2014 15:36 2.640 0

Cảm xúc một buổi đến thăm Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 08/01/2014 của Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh về việc tổ chức vận động và trao tặng quà Tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014, trong không khí của những ngày đầu xuân Giáp Ngọ, sáng ngày 15/02/2014 vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh đã tổ chức đoàn đến thăm, chúc mừng năm mới Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia thành phần đoàn có lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Bảo trợ Người tàn tật – Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo huyện.
Đây là trung tâm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập trên cơ sở tách ra từ cơ sở II của Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Tam Bình thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh. Chức năng chính của Trung tâm là tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và điều trị cho trẻ em mồ côi nhiễm HIV/AIDS từ 0 đến 16 tuổi. Trao đổi với Giám đốc trung tâm, chúng tôi được biết hiện nay, trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc cho 140 cháu, trong đó có hơn 20 cháu ở độ tuổi 0 - 18 tháng. Các cháu được đưa vào đây phần lớn mồ côi cha, mẹ, bị nhiễm HIV/AIDS; vừa bị nhiễm HIV, vừa bị khuyết tật nên bị cha mẹ bỏ rơi ngay từ khi vừa mới chào đời. Có cháu bị cha mẹ bỏ rơi ở các bệnh viện sau khi sinh, có cháu bị đem bỏ ở cổng trung tâm, có cháu do những người tốt bụng nhặt được, mang đến. Huyện Lộc Ninh có một cháu được đưa vào Trung tâm được hơn 5 năm, nay cháu đang học lớp 7, sức khỏe cháu hiện nay rất tốt. Để đảm bảo chăm sóc, nuôi dưỡng cho các cháu, trung tâm có đến 84 cán bộ, công nhân viên, hoạt động với ba phòng chức năng và ba khoa chăm sóc gồm: Phòng Tổ chức – Hành chính – Kế toán, Phòng quản lý giáo dục, Phòng Y tế, các khoa Sơ sinh, Măng non và Tuổi thơ. Sau phần được nghe giới thiệu, trao đổi về tình hình hoạt động, sinh hoạt, học tập, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu của Giám đốc Trung tâm, lãnh đạo huyện Lộc Ninh đã chúc mừng năm mới, bày tỏ niềm vui, phấn khởi trước những kết quả đạt được của Trung tâm thời gian qua, sự cảm phục trước ý chí, nghị lực, tình yêu thương con trẻ của tập thể, cán bộ, nhân viên Trung tâm đã chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu. Chăm sóc, dạy dỗ các trẻ em bình thường đã hết sức vất vả, cực nhọc, huống chi là các cháu ở đây chúng vừa mồ côi, vừa bệnh tật, thể trạng ốm yếu, xanh xao, hầu như lúc nào cũng phải dùng thuốc. Có cháu bị não, thường xuyên co giật, khóc thét lên khi thấy người lạ, có cháu thiểu năng trí tuệ, một số cháu dễ bị mắc các bệnh sốt phát ban, ho, phải ở các phòng cách ly, càng làm cho các cô bảo mẫu vất vả, cực nhọc, mắt không thể rời xa các cháu. Vất vả, cực nhọc là thế, nhưng các cô lúc nào cũng tươi cười, không hề than vãn hay giận dữ, cáu gắt. Khi thấy chúng tôi, bé nào cũng chạy đến, giơ hai tay lên cùng với đôi mắt long lanh, trò xoe mong muốn được ẵm bồng, các cháu hầu như không biết lạ, ai cũng có thể bế được. Các cháu ở đây rất sạch sẽ, ngoan ngoãn, lễ phép, biết cảm ơn, dạ thưa khi được cho quà, bánh. Chúng tôi được hướng dẫn đi tham quan các phòng ở, sinh hoạt của các cháu, rất ngăn nắp, gọn gàng, sạch đẹp, thoáng mát, phòng nào cũng được các cô và các cháu trang trí với nhiều kiểu dáng, màu sắc khác nhau rất đẹp và ấn tượng. Phòng nào cũng có nội quy, quy chế, sinh hoạt đúng theo giờ giấc quy định. Mỗi cháu được bố trí một giường, có đầy đủ gối, chăn, nệm, đặc biệt là những con thú nhồi bông nhiều màu sắc. Nơi đây giống như một trường học nội trú nếu như trong lịch sinh hoạt của các cháu không có quy định giờ uống thuốc ARV. Đa phần các cháu ở đây phải sử dụng thuốc thường xuyên, đúng giờ theo quy định. Các cô bảo mẫu ở các khoa cũng giới thiệu với chúng tôi về việc học hành của các cháu. Hằng ngày, các cháu từ lớp 1 đến lớp 3 được học tập tại trung tâm, các cháu từ lớp 4 trở lên được học ở các trường ngoài cộng đồng. Do các cháu phần lớn phải sử dụng thuốc thường xuyên nên khả năng tiếp thu, nắm bắt kiến thức của các cháu có phần chậm hơn so với bạn bè cùng trang lứa, chỉ có một số em đạt kết quả khá. Các cháu lớn có thể giúp dỡ, cùng với các cô chăm sóc, giúp đỡ các bé nhỏ hơn, tự giặt giũ, phơi, gấp quần áo. Không khí ở đây như một đại gia đình, đoàn kết, yêu thương nhau, các cháu thỏa sức vui chơi, giải trí, học tập, ngoài ra còn được hướng dẫn vẽ tranh, thêu tranh. Các sản phẩm của các em được các cô, các chú đóng khung, treo trang trọng trên tường, trong phòng hoặc trưng bày, giới thiệu trong tủ kính, để rồi khi các đoàn đến thăm, họ có thể lựa chọn và mua các sản phẩm này, góp phần giúp Trung tâm có thêm nguồn kinh phí để chăm lo cho các em. Giám đốc Trung tâm cũng cho biết Trung tâm thường xuyên đón tiếp các đoàn, các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân đến thăm hỏi, động viên, giao lưu, tổ chức nhiều sân chơi cho các cháu, giúp làm vơi bớt, xoa dịu những đau thương, bất hạnh mà các cháu phải gánh chịu. Ở đây, các cháu được giáo dục kỹ năng sống, giới tính, rèn luyện tư cách đạo đức, hòa nhập cộng đồng, thể chất, kỷ luật. Những cháu chậm phát triển được hỗ trợ tâm lý theo chương trình Hiểu rồi thương, hỗ trợ ngôn ngữ, giao tiếp, vận động. Các cháu còn được các cô dạy thêu, may, nấu ăn, vẽ. Trung tâm có thư viện với hàng ngàn đầu sách, truyện để các em có thể tha hồ đọc sách, tìm hiểu. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức cho các cháu đi tham quan, du lịch các nơi, tổ chức mừng sinh nhật, Ngày Quốc tế Thiếu Nhi 1/6, Tết Trung thu, Noel, Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12... Hàng tháng Trung tâm đều tổ chức cân nặng, đo chiều cao cho các cháu để theo dõi định kỳ. Chia tay các cán bộ, nhân viên Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, tạm biệt các cháu, trong lòng mỗi chúng tôi không khỏi xúc động khi nghĩ đến các cháu nhỏ ở đây, rằng mặc dù chúng được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt, có khi tốt hơn ở nhà, bên cạnh những người thân của mình, nhưng lẽ ra chúng phải được sống với gia đình, những người đã sinh ra chúng, được sống với cộng đồng, vì chúng có quyền được như thế. Thiệt thòi, đáng thương nhất có lẽ là những cháu ngay khi mới mở mắt chào đời đã bị buộc phải trở thành những đứa trẻ mồ côi trong khi cha mẹ chúng vẫn còn tồn tại, hiện hữu ở trên đời. Trên đường trở về nhà, tôi nghĩ rằng mình nhất định sẽ giới thiệu về Trung tâm này cho các bạn trẻ ở địa phương mình, mong rằng các bạn sẽ có dịp đến đó, trải nghiệm, sẻ chia một chút yêu thương, lắng đọng, cảm nhận và để rồi tự chiêm nghiệm bản thân mình, cùng bảo nhau hãy sống tốt hơn, đẹp hơn, hãy suy nghĩ kỹ trước khi hành động, hãy đừng mắc sai lầm để xã hội sẽ bớt đi những mảnh đời đáng thương, tội nghiệp và cũng để giảm đi gánh nặng cho xã hội, cộng đồng. Tôi cũng thầm cầu chúc các cán bộ, công nhân viên của Trung tâm sẽ có thêm niềm tin, nghị lực và tấm lòng yêu thương để vượt qua khó khăn, thách thức và chăm sóc tốt hơn nữa cho các cháu, mang đến cho các cháu những hơi ấm của tình người./ Một số hình ảnh ghi nhận khi đến thăm Trung tâm Đoàn huyện Lộc Ninh tặng quà đầu xuân cho Giám đốc Trung tâm Bà Kim Tiên - Giám đốc Trung tâm phát biểu Tham quan nơi ăn ở, sinh hoạt của các cháu Các cháu được cô bảo mẫu phát kẹo, bánh của đoàn tặng Vườn cây thuốc nam của Trung tâm Một góc sân chơi Giường ngủ của các cháu Như đã thân quen từ lâu lắm… Chăm sóc các cháu nhỏ Bé gái này sẽ thật xinh xắn, dễ thương, nếu như… Thật hồn nhiên và đáng yêu.

Tác giả: Họa My

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay2,259
  • Tháng hiện tại105,361
  • Tổng lượt truy cập16,237,534
Nông thôn mới
Thủ tục hành chính
Văn bản mới ban hành
Người Việt dùng hàng Việt
Tìm hài cốt liệt sĩ
Thông tin người phát ngôn
bank
QC Bên trai 1
QC Bên PHAI 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây