Công trình cầu suối Bà Tám ở hai xã Lộc Thạnh và Lộc Tấn – chiếc cầu “nối những bờ vui” và “kết những tấm lòng”
Thứ hai - 15/10/2012 08:141.7850
Sau sáu tháng ròng rã thi công, sáng ngày 13/9/2012 vừa qua, Đảng ủy - Ủy ban nhân dân hai xã Lộc Thạnh, Lộc Tấn và Hội đồng giáo xứ Lộc Thạnh đã tổ chức Lễ khánh thành chiếc cầu bắc qua suối Bà Tám – chiếc cầu nối liền hai bờ của hai xã Lộc Thạnh và Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh.
Công trình cầu suối Bà Tám được chính thức khởi công vào ngày 10/3/2012 - là công trình được hai xã chọn thực hiện nhằm thiết thực lập thành tích chào mừng 40 năm ngày giải phóng Lộc Ninh (7/4/1972-/7/4/2012), chào mừng kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2012), tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - với dự kiến ban đầu là xây dựng một cống tràn.
Suối Bà Tám chảy qua địa phận hai ấp Thạnh Phú, Thạnh Tây thuộc hai xã Lộc Thạnh và Lộc Tấn, có địa hình rất dốc, người dân đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Nhiều năm qua người, phương tiện giao thông và gia súc đều phải vượt qua suối, gây không ít nguy hiểm, nhất là các cháu học sinh, các em thiếu nhi. Trong quá trình thực hiện địa phương, giáo xứ và đơn vị thi công đã cân nhắc, trao đổi, bàn bạc, tính toán kỹ lưỡng và đi đến quyết định cuối cùng là làm cầu thay vì cống tràn như dự kiến. Do điều kiện đi lại không thuận lợi, địa hình phức tạp, việc vận chuyển nguyên vật liệu, phương tiện kỹ thuật làm rất khó khăn, phải mất sáu tháng chiếc cầu mới hoàn thành thay vì hai tháng như dự kiến ban đầu.
Chiếc cầu hoàn thành có chiều dài tám mét, chiều rộng sáu mét, có tải trọng trên hai mươi tấn, được xây dựng với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng, trong đó Hội đồng giáo xứ Lộc Thạnh, đứng đầu là linh mục Đồng Anh Vương đã vận động các mạnh thường quân ở các nơi đóng góp, ủng hộ với số tiền 480 triệu đồng, trong đó có sự giúp đỡ tận tâm, tận lực của linh mục Bùi Quang Điện – thành phố Hồ Chí Minh; xã Lộc Thạnh vận động nhân dân đóng góp 75 triệu đồng; xã Lộc Tấn vận động đóng góp hơn 60 triệu đồng. Công trình vượt hơn 200 triệu đồng so với dự kiến ban đầu khoảng 400 triệu đồng để làm cống tràn, giờ đây, chiếc cầu thành hiện thực đã đem lại niềm vui, niềm phấn khởi cho nhiều người, nhất là những người dân sống trong khu vực. Vì mọi người sẽ không còn phải đối mặt với bao hiểm nguy chờ chực khi vượt qua con suối nữa, lại có thể đi lại dễ dàng, nhanh chóng, thuận lợi và an toàn khi tham gia giao thông và vận chuyển, trao đổi, buôn bán hàng hóa.
Để hoàn thành chiếc cầu này, hai xã và giáo xứ đã liên hệ, nhờ các nhà tư vấn thiết kế và đơn vị thi công từ thành phố Hồ Chí Minh, cũng là những mạnh thường quân của giáo xứ giúp đỡ. Trong quá trình làm, hai xã, Hội đồng giáo xứ và bà con nhân dân hai xã thường xuyên có mặt để kiểm tra, giám sát công trình.
Cầu suối Bà Tám hoàn thành, niềm vui không chỉ đến với cấp ủy, chính quyền hai xã, Hội đồng giáo xứ sau gần hai trăm ngày vất vả xen lẫn lo lắng, hồi hộp vì lần đầu tự thực hiện một công trình khó như thế. Vận động được kinh phí đã khó, tìm được người có đủ năng lực để thi công đã khó, nhưng để có sự đồng thuận, thống nhất và quyết tâm lại càng khó hơn. Cấp ủy, chính quyền hai xã đã làm được điều đó, đã khơi dậy được tình đoàn kết, gắn bó giữa người dân hai xã, giữa đồng bào người Kinh và người dân tộc thiểu số, giữa đồng bào người Công giáo và đồng bào các tôn giáo khác, góp phần giữ gìn và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Và cũng chính vì thế, ý nghĩa, giá trị đích thực của chiếc cầu còn lớn hơn gấp bội lần.
Bởi vậy, có thể nói rằng Công trình cầu suối Bà Tám ở hai xã Lộc Thạnh và Lộc Tấn là chiếc cầu “nối những bờ vui” và cũng là nơi “kết những tấm lòng” nhân ái. Tin tưởng rằng với tinh thần, khí thế ấy, hai xã Lộc Thạnh và Lộc Tấn nói riêng, các xã khác trong huyện nói chung có thể tiếp tục nhân rộng cách làm này để trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều hơn nữa những công trình phúc lợi, góp phần phục vụ dân sinh do chính người dân tổ chức, thực hiện, kiểm tra, giám sát và thụ hưởng, góp phần tô đậm thêm một nét đẹp trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”./.