Sự việc diễn ra sau khi người này trong trang phục của người tu hành theo hệ phái Phật giáo Nam tông đi khất thực từ hướng xã Lộc Khánh, Lộc Điền ra khu vực xã Lộc Thái, mang theo trước ngực một xấp giấy tờ có nhiều chữ ký và dấu đỏ. Một vài hộ dân cư ngụ hai bên đường đã cúng dường cho người này.
T đang đi khất thực trên đường khu vực ấp 6, Lộc Thái
Thấy hơi nghi vấn, tôi đã ngừng xe lại, tiếp cận và hỏi vì sao thời điểm này các tự viện trong cả nước đang trong mùa an cư kiết hạ mà lại đi khất thực, người này trả lời mình là tu sĩ ở chùa Ba Trạch, tỉnh Trà Vinh. Vì tu theo Phật giáo Nam Tông nên vẫn đi khất thực, đồng thời cũng muốn đi các nơi ở vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu đời sống của người dân như thế nào, kết hợp đi giảng đạo cho mọi người. Khi tôi đề nghị cho xem giấy giới thiệu của chùa hoặc của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Trà Vinh, giấy cho phép của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Phước, huyện Lộc Ninh và chính quyền địa phương, người này nói rằng không có. Rồi T nói vòng vo, lúc thì do bị bệnh ngứa phải đi các nơi để chữa bệnh, lúc nói rằng nghe người ta mách bảo có sư trụ trì đã già ở ấp 6, làng 6 gì đó ở huyện này đang làm chùa, làm đường cho dân, muốn lên đây tìm hiểu và kiếm đất, lập tịnh thất để tu hành. Lúc anh ta lại nói lên Lộc Ninh thăm người dì ở xã Lộc Khánh nhưng hỏi tên, địa chỉ của người dì thì T nói không biết.
Xem các giấy tờ cho thấy T là dân tộc Kinh, người Quảng Trị, có đi tu ở chùa Ba Trạch, tỉnh Trà Vinh năm 2011, có giấy chứng nhận là tu sĩ nhưng hiện nay không còn là tu sĩ ở chùa này nữa, hay nói khác hơn là không có chùa nào quản lý T cả. Do đó, hiện nay T về nơi đăng ký hộ khẩu ở tỉnh Đồng Nai. Vì thấy lời nói của T có nhiều mâu thuẫn, không rõ ràng, tôi đã điện thoại cho một vị Đại đức trong huyện để tìm hiểu xem những gì T nói có đúng không. Vị Đại đức khẳng định là không biết người này, Phật giáo Nam Tông cũng không cho tu sĩ đi khất thực như thế này, nếu có chỉ được đi ở gần chùa của mình mà thôi. Đại đức cũng gọi điện thoại về Trà Vinh để liên hệ, tìm hiểu về người này nhưng không liên lạc được.
T đưa tay với một số giấy tờ lên che mặt
T cung cấp số điện thoại của người dì, chúng tôi liên hệ thì bà xác định T.Q.T đúng là cháu của mình và hứa sẽ đến ngay để giúp xác minh. Lát sau, hai vợ chồng cùng đến, nói với chúng tôi là T.Q.T đã đến và ở lại nhà ông bà ngày hôm qua, gia đình không trình báo chính quyền địa phương, sáng nay chở T ra xe về Đồng Nai nhưng đến chợ Lộc Điền thì T đề nghị sẽ đi bộ một mình, do đó gia đình đã quay về, không biết T đã làm gì sau đó.
Cuối cùng, một biên bản đã được lập trước sự chứng kiến của nhiều người, T.Q.T, vợ chồng người dì đã đồng ý ký tên sau khi nghe đọc biên bản, trong đó yêu cầu T phải rời khỏi địa phận huyện Lộc Ninh, không được đi khất thực hay có bất cứ một hoạt động, hành vi nào khác. Chúng tôi cũng tuyên truyền, giải thích để T hiểu rõ và phải chấp hành theo những quy định của luật pháp, của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.
Được biết trong thời gian qua, một số người đã lợi dụng lòng tin, từ tâm của bà con phật tử, bá tánh, giả danh người tu hành để đi khất thực, kiếm tiền, bán nhang, kinh sách với giá trên trời, làm ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của Phật giáo. Các vị chức sắc Phật giáo rất bức xúc và đã phản ánh với chính quyền địa phương, đề nghị kiểm tra, giải quyết. Việc phát hiện, xứ lý kịp thời đối với trường hợp T.Q.T giúp cho mọi người cảnh giác hơn, không phải gửi những đồng tiền của mình vào không đúng chỗ, đồng thời cũng giúp chấn chỉnh các hoạt động lợi dụng tôn giáo của một số người, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn./.